(Tổ Quốc) - Người ta nói, muốn biết chồng có thương vợ không, cứ vào phòng sinh thì biết cũng không phải không có lý.
Câu chuyện buồn về một sản phụ bị câm điếc bẩm sinh
Lý Lệ là một cô gái bị câm điếc bẩm sinh ở Trung Quốc. Cha mẹ cô từng chạy chữa thuốc thang nhưng khắp nơi cho con nhưng không có tác dụng, cuối cùng họ đành từ bỏ. Sau này trưởng thành, Lý Lệ gả cho một người đàn ông 40 tuổi có gia cảnh khó khăn. Cuộc sống của cô chẳng hạnh phúc cho lắm, tới khi cô mang thai mới được nhà chồng đối xử tốt hơn một chút.
Đến ngày cô chuyển dạ, gia đình chồng đưa cô đến bệnh viện chờ sinh. Thế nhưng khi cổ tử cung của cô đã mở hết, sẵn sàng cho cuộc sinh thì cô nhất định không chịu lên bàn đẻ. Ở cô biểu hiện rõ sự sợ sệt và hoang mang. Cô lại không thể nói, không thể nghe nên bác sĩ chỉ cho rằng đó là tâm lý lo lắng bình thường của các sản phụ. Ngờ đâu, lúc bác sĩ vạch áo cô ra, nhìn dòng chữ được người nhà Lý Lệ viết trên bụng cô thì giật mình sau đó đỏ hoe mắt.
Trên bụng Lý Lệ viết 1 dòng chữ thế này: "Nếu có tình huống ngoài ý muốn, xin hãy cứu đứa trẻ". May mắn Lý Lệ mẹ tròn con vuông, sinh ra một bé trai khỏe mạnh. Có lẽ nhờ đứa con ấy mà cuộc sống của Lý Lệ ở nhà chồng sẽ "dễ thở" hơn một chút.
Thực ra câu chuyện như của Lý Lệ không phải là hiếm trong xã hội. Rất nhiều gia đình chỉ chăm chăm lo lắng cho đứa trẻ mà quên bẵng đi người mẹ, thậm chí coi nhẹ sức khỏe và nguyện vọng của sản phụ. Người ta nói, muốn biết chồng có thương vợ không, cứ vào phòng sinh thì biết cũng không phải không có lý.
Một đứa trẻ chào đời là chuyện vui của cả đại gia đình nhưng người chịu vất vả nhất hầu như chỉ có người mẹ. Từ quá trình thai nghén 9 tháng 10 ngày tới cuộc vật lộn trong phòng sinh, nhiều người gần như phải "chiến đấu" một mình. Trên "chiến trường" chứa đầy sự nguy hiểm và rủi ro có thể xảy đến ấy, có 3 nỗi đau mà bất cứ sản phụ nào cũng phải trải qua khiến đi đẻ trở thành cơn ác mộng ngọt ngào của mỗi bà mẹ:
Đau do các cơn gò tử cung
Khi các cơn gò tử cung đều đặn xuất hiện, sản phụ có thể sinh con trong 12 - 15 giờ tiếp theo. Các cơn gò này ban đầu sẽ giống như đau bụng kinh, dần dà nó mạnh mẽ hơn với tần suất ngắn lại, mục đích là đẩy thai nhi về phía cổ tử cung. Và lúc này sản phụ sẽ có cảm giác đau rõ rệt hơn.
Đau khi chuyển dạ
Giai đoạn một: Các cơn co thắt tử cung bắt đầu mãnh liệt hơn nhằm giúp cổ tử cung giãn nở tới khi đường kính đạt khoảng 10cm để thai nhi có thể đi qua. Điều đó khiến sản phụ đặc biệt đau đớn, thậm chí nhiều bà mẹ miêu tả rằng "đau tới mức muốn ngất đi".
Giai đoạn hai: Đây là giai đoạn chuyển dạ chính thức khi cổ tử cung của sản phụ mở hoàn toàn, các cơn co thắt tử cung đạt đến mức đỉnh điểm và đứa trẻ được đẩy ra khỏi tử cung.
Giai đoạn ba: Sau khi em bé ra khỏi tử cung của mẹ, người mẹ còn phải trải qua cơn đau nhằm tống nhau thai ra ngoài trước khi hoàn thành cuộc sinh. Thời gian để làm sạch nhau thai trong tử cung là khoảng 10 - 20 phút.
Đau rạch tầng sinh môn
Hơn 80% các sản phụ bị rạch tầng sinh môn trong quá trình vượt cạn. Việc làm đó của bác sĩ giúp ngăn ngừa tình trạng rách tầng sinh môn khi sinh nở khiến vết thương khó lành hơn. Sau khi em bé chào đời, bác sĩ sẽ khâu vết rạch, khử trùng và người mẹ cần thời gian để vết thương đó phục hồi. Trong quá trình ấy tất nhiên họ phải chịu những cơn đau đến từ vết rạch ấy.
Trên đây chỉ là những nỗi đau rất "thông dụng" mà bất cứ sản phụ nào cũng phải trải qua. Tùy vào thể chất và các nguy cơ không thể dự phòng trước, nhiều sản phụ còn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều trong quá trình mang thai và vượt cạn.
Sinh ra một em bé là niềm vui rất lớn nhưng người mẹ cũng phải chịu nhiều nỗi đau về thể xác và cả tinh thần, tâm lý. Mong rằng chồng và người thân của họ có thể thấu hiểu, luôn bên cạnh giúp đỡ, chia sẻ để mỗi phụ nữ đều thấy hạnh phúc trong suốt quá trình mang thai, sinh con!
Thược Dược