(Tổ Quốc) - Theo luật sư, để xác định việc đưa thú cưng đi khám bệnh có là trường hợp khẩn cấp hay không thì phải kiểm tra lại văn bản áp dụng Chỉ thị 16 của tỉnh Long An. Tuy nhiên hành vi đăng hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý là vi phạm pháp luật.
Liên quan đến sự việc một nữ sinh đưa mèo đi chữa bệnh nhưng bị người ở chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở TP Tân An, tỉnh Long An chặn lại, có lời nói "mỉa mai" và quay clip đăng tải lên mạng xã hội xảy ra ngày 13/7, tối cùng ngày chúng tôi đã liên hệ với luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM để có những phân tích ở góc độ pháp lý.
Xử phạt người đưa mèo đi cấp cứu đúng hay sai?
Trước câu hỏi về việc nữ sinh cùng người bạn đi chung xe bị phạt vì ra đường trong trường hợp không cần thiết là đúng hay sai, luật sư Hùng chia sẻ, Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành có nội dung:
"Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp;
Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng".
Theo Chỉ thị nêu trên, người dân được ra khỏi nhà trong "các trường hợp khẩn cấp khác". Tuy nhiên không quy định rõ trường hợp đưa thú cưng đi khám bệnh có được xem là trường hợp khẩn cấp khác hay không.
Thực tế, việc áp dụng Chỉ thị 16 ở các địa phương tùy thuộc vào sự điều chỉnh linh hoạt của từng địa phương.
Vì vậy theo luật sư, để xác định trường hợp đưa thú cưng đi khám bệnh có được xem là trường hợp khẩn cấp hay không thì phải kiểm tra lại văn bản áp dụng Chỉ thị 16 của tỉnh Long An.
"Quan điểm của tôi cho rằng, trường hợp này là "trường hợp khẩn cấp khác" theo Chỉ thị 16. Vì việc phòng chống dịch để bảo vệ con người là điều quan trọng nhưng không phải vì thế mà chúng ta bất chấp tất cả.
Nếu trường hợp này không được xem là trường hợp cần thiết để người dân ra ngoài, tôi đề nghị cần phải có phương án khám, chữa bệnh cho thú cưng phù hợp" - luật sư nói.
Có thể khởi kiện người tự ý đăng clip lên mạng xã hội
Cũng theo luật sư Trần Minh Hùng, những lời nói của lực lượng chức năng ghi lại trong đoạn clip chưa đến mức xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Nhưng đối với hành vi đăng hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Do đó, cá nhân này (cụ thể là nữ sinh tên Diễm My) có quyền khởi kiện đến tòa án, yêu cầu người vi phạm phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt, gỡ hình ảnh việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trước đó như đã thông tin, chiều 13/7 mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài 2 phút 26 giây ghi lại cảnh hai bạn trẻ, trong đó có một cô gái ôm chú mèo nhỏ có dấu hiệu bị bệnh bị chặn lại tại một chốt kiểm soát dịch được cho là ở TP Tân An, tỉnh Long An.
Trong clip, cô gái ôm mèo trần tình với người trước mặt rằng mèo của mình bị bệnh rất nặng nên cần đưa đi khám.
Người đàn ông tại chốt trực (và cũng là người quay clip) yêu cầu xuất trình giấy tờ nhưng hai bạn trẻ cho biết quá vội mang mèo cứu chữa nên không đem theo.
Sau đó dù cô gái liên tục xin thông cảm thậm chí bật khóc nhưng người đàn ông vẫn không chấp nhận cho qua mà vẫn liên tục quay clip và nói giọng khá mỉa mai, rằng "khóc vì con mèo luôn hả", và "tính mạng con mèo có quan trọng bằng tính mạng của con người ta và cả một cộng đồng không".
Cuối cùng, hai bạn trẻ bị lập biên bản đóng phạt.
Hoàng Lê