(Tổ Quốc) - Có những bí mật, những mong ước nhỏ nhoi của con đã tồn tại từ bao lâu nay nhưng con không có cách nào giãi bày cùng ba mẹ.
1. “Ba mẹ là hình mẫu để con noi theo”
“Luôn là một hình mẫu tốt cho con” có vẻ như là một khái niệm thuộc dạng “nói dễ hơn làm”. Bạn còn nhớ lần cuối cùng con khóc lóc, mè nheo và bạn không thể chịu đựng nổi nữa mà hét toáng lên?
Nếu không muốn con mình cũng mất kiểm soát khi bị đẩy đến giới hạn (như làm việc nhà, làm bài tập…) thì việc đầu tiên bạn cần làm đó chính là điều chỉnh cảm xúc của chính mình và xử lý những điều làm chúng ta nổi điên lên một cách thật bình tĩnh. Rất khó khăn, nhưng hãy nhớ là con cái đang noi gương theo ba mẹ. Hãy làm một người mà bạn muốn con trở thành khi lớn lên.
2. “Ba mẹ ôm và hôn con được không?”
Điều trẻ cần nhất khi đến với cuộc sống này đó chính là tình yêu của ba mẹ và việc bạn cần làm chính là bày tỏ tình yêu thương đó với con.
Yêu con thì cứ bày tỏ, thể hiện, tại sao lại phải tránh né? Thể hiện tình yêu thương không bao giờ làm hỏng đứa trẻ. Chỉ có những điều chúng ta làm dưới vỏ bọc tình yêu, “nhân danh tình yêu của bố mẹ” mới làm hại con của mình mà thôi.
Thể hiện tình cảm đến con cái giúp tạo ra sự gắn kết an toàn và cho phép trẻ xây dựng một hình mẫu các mối quan hệ yêu thương. Điều này sẽ có tác động to lớn đến cách con giao tiếp, gắn kết với người khác, đặc biệt là khi trưởng thành.
Có nhiều cách để bày tỏ tình yêu của bạn dành cho con:
- Dành cho con những cái ôm và nụ hôn ngọt ngào.
- Dành thời gian cùng con thực hiện một việc nào đó.
- Trò chuyện cùng con và lắng nghe con.
- Tán dương những việc con làm tốt.
- Thông cảm, thấu hiểu với những khó khăn con gặp phải.
Nhớ nhé ba mẹ, đừng ngại ôm hôn con nhé!
3. “Con đang dần học hỏi những điều mới mẻ. Ba mẹ có thể kiên nhẫn với con được không?”
Trẻ con không ra đời để làm phiền ai cả mà chúng luôn cần được học hỏi. Nhưng việc học hỏi cần thời gian. Bạn có nhớ rằng con mình đã từng té ngã biết bao nhiêu lần trước khi có thể bước đi được không?
Thực tế là việc học hỏi những quy tắc làm người phức tạp hơn nhiều so với việc con học đứng, học đi bởi việc này cần thời gian để hiểu, tiếp thu, kết hợp và sử dụng những thông tin đó.
Nếu một đứa trẻ chưa hiểu một điều bạn đã nói 10 lần, không có nghĩa là con cứng đầu hay lì lợm. Điều đó chỉ nói lên rằng con cần thêm thời gian và sự luyện tập. Chúng thực sự cần sự hướng dẫn đúng đắn và tử tế từ bạn chứ không phải là hình phạt đâu.
“Dù cho chuyện gì xảy ra, luôn bên cạnh con ba mẹ nhé”
Hãy là một điểm tựa an toàn cho trẻ cho trẻ tự do khám phá. Tạo sự gắn kết an toàn bằng cách là một người ba, người mẹ ấm áp và luôn bên con. Trẻ em có được sự gắn kết an toàn với bố mẹ sẽ kiên cường hơn, ít gặp vấn đề về hành vi cũng như là một học sinh ngoan khi đến trường, và sức khoẻ tinh thần cũng tốt hơn.
4. “Ba mẹ có thể thực sự trò chuyện và lắng nghe con được không?”
Điều này có nghĩa là bạn cần có những cuộc trò chuyện đúng nghĩa và thực sự lắng nghe con. Chúng ta thường quên đi rằng giao tiếp là một sự tương tác hai chiều. Nói chuyện với con, thảo luận về những điều con đang suy nghĩ và những điều quan trọng với con. Ba mẹ hãy nhớ là có những điều không quan trọng với người lớn nhưng lại vô cùng quan trọng với trẻ.
Nếu chúng ta lắng nghe những điều nhỏ bé khi con còn nhỏ, chúng sẽ trở thành những điều vĩ đại khi trẻ lớn lên đó.
5. “Con ước ba mẹ lắng nghe mà đừng phán xét hay giảng dạy gì cả”
Cũng giống như người trưởng thành, trẻ con cũng có những nỗi niềm riêng, muốn được lắng nghe và thấu hiểu. Thế nên hãy lắng nghe với một tâm hồn cởi mở và đồng cảm.
Bố mẹ của trẻ vị thành niên thường tự hỏi vì sao con không chịu nói chuyện với mình. Một trong những lí do là chúng không thích suốt ngày bị “lên lớp”, giảng giải. Chúng ta cũng vậy thôi mà. Vậy nên đôi khi việc ba mẹ cần làm chỉ là lắng nghe và lắng nghe mọi tâm sự con giãi bày mà thôi.
6. “Chấp nhận con, đừng so sánh con với ai cả”
Ba mẹ nào cũng muốn con trở thành người giỏi nhất có thể. Mong muốn tự nhiên này đôi khi khiến bạn so sánh con mình với những đứa trẻ khác.
Nghiên cứu của Harvard Grant Study cho thấy rằng có được một mối quan hệ bố mẹ và những nơi đứa trẻ luôn cảm nhận được sự nuôi dưỡng và sự chấp nhận của bố mẹ sẽ là chìa khoá mang đến sự thành công của con trong tương lai. Vì vậy, việc bạn so sánh con với trẻ khác chỉ khiến con bạn muốn làm trái ý bạn mà thôi.
7. “Cho con ra ngoài chơi nhiều hơn nha ba mẹ”
Được vui chơi ngoài trời mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ. Được chơi đùa ở ngoài thiên nhiên thậm chí còn tốt hơn thế.
Đó là nơi mang đến nhiều cơ hội để trẻ phát triển và học hỏi. Được vui chơi ngoài trời sẽ giúp trẻ tự chủ hơn và phát triển khả năng tự lập.
8. “Cho con dùng những thực phẩm dinh dưỡng”
Trẻ con chẳng thể tự đi mua hay tự chế biến món ăn được. Vậy nên chúng phụ thuộc vào chúng ta để cung cấp những thứ chúng cần. Trẻ con có thể không có khẩu vị như người lớn và chúng thường bị cám dỗ bởi những thực phẩm kém dinh dưỡng. Để rồi bị ba mẹ áp dụng hình phạt “ăn hay bị bỏ đói”. Về cơ bản, phương pháp này khiến đứa trẻ bị đói và phục tùng, để rồi phải ăn những món ăn người lớn thích mà chúng không thích.
Thay vào đó, ba mẹ hãy thảo luận và cùng con tìm ra món ăn dinh dưỡng, lành mạnh mà con thích. Có rất nhiều thực phẩm bổ dưỡng khác nhau và bạn sẽ mất kha khá thời gian để thử nghiệm, hoặc sáng tạo để tìm ra thứ mà con thích. Nhưng vì con, ba mẹ làm được mà!
9. “Hãy tin tưởng con”
Gây ra lỗi lầm không phải lúc nào cũng là điều xấu. Nếu bạn muốn con có khả năng phán đoán tốt, bạn cần tập cho con tự đưa ra quyết định. Điều này đồng nghĩa với việc con không tránh khỏi những sai lầm.
Hãy cho con tự quyết định những việc không gây nguy hiểm, rủi ro cho sức khoẻ hay gây bất tiện cho người khác. Một đứa trẻ không thể học cách đi mà không bị ngã. Chúng cũng không thể học cách đưa ra một quyết định đúng đắn mà không từng đưa ra quyết định sai lầm. Tin ở con nhé ba mẹ.
10. “Lời khen của ba mẹ ý nghĩa với con lắm”
Những lời động viên có tác dụng tích cực, mạnh mẽ đến trẻ. Khen ngợi một cách chân thành và tập trung vào nỗ lực của trẻ chứ không phải là khả năng. Khi những lời khen ngợi được sử dụng đúng đắn, nó có thể tạo ra sự khác biệt lớn về sự tự tin và động lực phấn đấu ở trẻ.
Nguồn: parentingforbrain
Đại Lâm Mộc