(Tổ Quốc) - Hành trình gian lao của Khánh Huyền thực sự là một trải nghiệm sinh động dành cho những bạn trẻ muốn bắt đầu khởi nghiệp.
Khánh Huyền (ở Nam Định) hiện đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành marketing trường Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học Huyền đã bắt đầu làm thêm.
Tới năm 3 đại học thì thu nhập một năm của Huyền lên tới con số 200 triệu từ công việc kinh doanh online mặt hàng phụ kiện thời trang. Cùng xem cách nào đã giúp cô bạn này kiếm tiền khi còn đi học đỉnh tới vậy nhé.
Cuối năm 3 đại học kinh doanh phụ kiện thời trang, thu nhập 200 triệu/năm
Cuối năm 3 đại học, Huyền kinh doanh mặt hàng phụ kiện thời trang bao gồm túi ví, mũ nón, khăn tất,... cho các khách hàng cả nam và nữ từ 22 - 28 tuổi.
Huyền lấy hàng từ một người quen ở khá gần nơi mình sống. Theo Huyền đánh giá nguồn hàng ở đây có chất lượng tốt.
Mặc dù giá bán không rẻ lắm nhưng Huyền nhận thấy nguồn hàng này dễ lấy, lúc nào cũng có sẵn.
Huyền cũng không cần vốn mà cứ có đơn thì gọi điện đặt lấy hàng.
Huyền bán chủ yếu ở fanpage riêng và trên sàn thương mại điện tử Shopee.
Với những sản phẩm phù hợp với xu hướng, giá thành phù hợp với chất lượng mà Huyền có rất nhiều đơn hàng đặt từ các bạn trẻ.
Đặc biệt, với những kiến thức và kỹ năng trau dồi khi đi làm thêm và từ những lần kinh doanh trước đó thì Huyền đã thành thạo trong cách bán hàng và vận hành chuyện kinh doanh của mình.
Song song, Huyền dành một phần số tiền kiếm được để đăng ký khóa học online tăng kiến thức. Huyền cũng tự bổ túc cho bản thân những kiến thức về kinh doanh.
Cuối năm 2020, tính tổng kết số tiền thu được từ việc kinh doanh phụ kiện thời trang này của Huyền đã đạt được con số 200 triệu theo đúng kế hoạch mà cô gái đã đặt ra.
"Trong lúc kinh doanh đó mình có đầu tư thêm rất nhiều buổi học nhanh khác nhau để trau dồi kiến thức kinh doanh của bản thân", Khánh Huyền chia sẻ.
Những sản phẩm mà Huyền bán là phụ kiện thời trang cho đối tượng nam nữ từ 22 - 28 tuổi.
Bắt đầu làm thêm từ năm nhất đại học, kinh doanh online vấp ngã nhiều lần
Năm nhất đại học bắt đầu đi làm thêm còn vấp "vố đau" khi tập kinh doanh online
Công việc làm thêm: Làm nhân viên ở một cửa hàng bán đồ tập gym, yoga.
Thu nhập: 2-2,5 triệu/tháng.
Huyền làm được công việc này khoảng 3-3,5 tháng thì gặp một số vấn đề về sức khỏe và trùng lịch học trên trường nhiều nên đã xin nghỉ.
Ở nhà 1 thời gian Huyền cảm thấy nhàm chán nên đã đi làm trở lại. Huyền làm nghề telesale và viết content tại một chỗ gần nhà. Công việc thứ hai này rèn cho cô gái một số kỹ năng cơ bản như đánh máy, đọc hiểu, thiết kế video, hình ảnh cơ bản... rất hữu ích cho việc kinh doanh online sau này.
Song song với việc đi làm thì Huyền bắt đầu tập kinh doanh online. Sản phẩm đầu tiên nghĩ đến và bán là quần áo nữ. Huyền lặn lội bằng xe bus lên chợ Ninh Hiệp cách chỗ ở khoảng 25-30km để lấy 10-20 bộ quần áo về bán.
Ban đầu thì người thân bạn bè mua nên Huyền bán hết. Tưởng bán hàng không quá khó nên Huyền tiếp tục lấy hàng ở Ninh Hiệp. Nhưng lần này không được người thân ủng hộ nên lỗ nhiều.
"Mình không bán được hàng và cũng chẳng biết cách để bán đi những món hàng đó và đến giờ nó vẫn còn tồn ở nhà mình. Lúc ấy lỗ khoảng 5 triệu. Khi đó với mình là một sự thất vọng rất lớn.
Nhưng lúc đó mới chỉ là sinh viên năm nhất và bản thân không nói cho bố mẹ biết là đang kinh doanh nên gần như không có ai để chia sẻ. Khoảng thời gian đó mình bắt đầu sống khép kín và không làm bất kỳ việc gì khác ngoài đến trường rồi về nhà. Mình cứ lặp lại như vậy cho đến hết năm nhất", Huyền chia sẻ.
Năm hai đại học theo đuổi mô hình kinh doanh online mới nhưng hiệu quả chưa cao
Năm 2 đại học thì Huyền kinh doanh trở lại. Lúc này sản phẩm mà Huyền lựa chọn bán là chuột và bàn phím máy tính.
Lý do là bởi vì: Nó không quá đắt mà lại ít size số, màu sắc hơn quần áo. Lần này Huyền đã chuẩn bị kỹ càng và có tính toán hơn, lên kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.
"Mình tìm hiểu về thị trường, khách hàng và sản phẩm mình bán và bắt đầu làm bài bản hơn. Nhưng mọi việc vẫn không suôn sẻ như kế hoạch. Mình làm đâu đó khoảng 2 - 3 tháng mà không có kết quả. Không có đơn hàng hay bất kỳ một động tĩnh nào ở lần kinh doanh này. Thậm chí nó còn tệ hơn lần kinh doanh thứ nhất. Và cái kết là mình đã hết tiền", Huyền chia sẻ.
Như một cơ duyên, Huyền biết đến mô hình dropship (hay còn gọi là vận chuyển hàng thả). Đây là một hình thức kinh doanh bán lẻ, trong đó người bán chấp nhận đơn đặt hàng của khách hàng nhưng không giữ hàng hóa đã bán trong kho. Huyền kinh doanh theo mô hình là cộng tác viên bán áo thun Nhật cho một thương hiệu lớn.
"Tuy nhiên mình cũng không học hỏi được nhiều từ mô hình này và chỗ mình làm dropship thì lại ở quá xa, không thuận tiện để có những trải nghiệm thực tế. Vì thế mình quyết định dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh lại và tập trung học hành trên trường. Song song với đó mình tiếp tục đi làm thêm và làm cộng tác viên seo, content cho nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau", Huyền chia sẻ.
Chính những thất bại từ việc kinh doanh online suốt giai đoạn 2 năm đại học này đã là bài học và kinh nghiệm cho Khánh Huyền có được thành quả ngọt ngào ở hiện tại.
Mức thu nhập 200 triệu/năm mà Khánh Huyền có được ở thời điểm hiện tại không phải là quá nhiều với bao người kinh doanh ngoài kia nhưng với cô gái trẻ thì nó là tất cả sự cố gắng và nỗ lực của bản thân.
Hiện tại Khánh Huyền đang chờ nhận bằng đại học và vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh phụ kiện thời trang của mình.
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC
Hồng Nhung