(Tổ Quốc) - Nếu như mức lương 25-30 triệu/tháng là con số mơ ước của nhiều cử nhân mới ra trường thì cô gái này đã đạt được nó ngay từ khi 20 tuổi.
Người ta vẫn thường nói với nhau, rằng phải cố sống cố chết lấy được tấm bằng Đại học rồi sau này muốn làm gì thì làm. Bởi trong mắt của nhiều bậc phụ huynh, bằng cử nhân vẫn là một điều kiện tiên quyết nếu muốn sở hữu mức lương tốt. Hơn nữa, đối với nhà tuyển dụng, bằng cấp đôi khi còn là thước đo để biết một ứng viên nào kiên nhẫn hay "thiếu nghị lực".
Chẳng ai ngờ một sinh viên năm 3 của trường Đại học Ngoại thương lại nằm trong top những kẻ quyết "buông tay giữa đường". Đó là câu chuyện của Hải Yến - cô nàng 9X xinh xắn đã nộp đơn xin thôi học vài tháng trở lại đây. Bạn bè của Yến tiếc nuối cho người đồng môn khi mà chỉ gần 1 năm nữa thôi là khóa 1999 sẽ ra trường.
Nhưng đằng sau đó còn là câu chuyện đáng khâm phục về tinh thần tự lập nghiệp đầy gian nan và chông gai. Cô gái này đã chiến đấu tất cả, thậm chí vượt lên cả bản thân mình để đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời: Có nên bỏ trường Đại học hay không?
Quyết tâm "dứt áo ra đi" vì đã chọn sai ngành, thà mạo hiểm chứ không để lãng phí thời gian
Sở dĩ Yến bỏ Đại học là vì cô đã vào một ngành mà bản thân không yêu thích. Trước đây Yến nộp đơn vào trường bởi tiếng tăm chứ chẳng phải xuất phát từ đam mê. Cũng may, sau khi thôi học ở Đại học, Yến đã có công việc ổn định, thậm chí còn làm nhiều nghề cùng lúc. Cô cho hay:
"Mọi người hay hỏi mình vì sao đến năm 3 rồi vẫn bỏ học? Thực ra ý định này đã nảy ra trong đầu ngay từ năm nhất, khi mình cảm thấy môi trường học không tương thích. Hồi ấy, khi bạn bè đồng trang lứa còn đọc tiểu thuyết ngôn tình, tham gia tình nguyện CLB, ngồi cắn đôi ba đĩa hướng dương nhâm nhi cốc trà sữa, trò chuyện sến súa về anh chàng crush quốc dân... thì mình đã quyết định thử sức với các công việc ngoài xã hội.
Năm nhất mình tự trang trải cuộc sống bằng số tiền kiếm được khi dạy gia sư. Ban đầu dạy lẻ 1-2 bạn, rồi dần dần dạy lên nhóm 5-7 người. Cho tới năm hai, mình đã đứng lớp cho một số trung tâm, lò luyện thi cấp 3, đại học, dạy hợp đồng cho một số giảng viên bên ĐH Quốc gia, Ngoại ngữ. Nhờ các thầy cô bên ấy tin tưởng nên mình dạy trẻ em, lên THCS, rồi THPT, cả sinh viên lẫn người đi làm nữa."
Sở hữu thu nhập khủng, chỉ tính riêng dạy tiếng Anh đã bằng mấy lần sinh viên mới ra trường
Chia sẻ về thu nhập, Yến không ngại và thành thật rằng mức lương hiện tại của cô thậm chí còn ngang ngửa với người thâm niên từ 5-10 năm.
"Hãy so sánh như thế này đi, số tiền một sinh viên mới ra trường mơ ước là 10-15 triệu/tháng. Riêng với trường mình thì mạnh dạn đẩy lên 25-30 triệu/tháng. Nhưng từ cuối năm 2 mình đã đạt được con số này rồi, càng ngày mình càng chăm chỉ để đẩy con số ấy lên cao hơn nữa. Tham vọng của mình lớn lắm, nếu chỉ đều đều mấy con số kia thì chưa thỏa mãn đâu!
Mình nhìn thấy được lợi nhuận khổng lồ mà các chủ trung tâm ngoại ngữ kiếm được. Từ đó, mình nhen nhóm việc mở trung tâm và chỉ chờ thời cơ vàng để thực hiện. Thêm nữa, kinh doanh giáo dục - mở trung tâm ngoại ngữ là điều mình cũng định hướng từ lâu.
Nhưng sâu trong thâm tâm, thực ra có một điều mình khao khát, đam mê hơn cả là kinh doanh mảng làm đẹp - thẩm mỹ viện. Hiện tại Yến đã tốt nghiệp mảng phun xăm, đó là khóa học giúp mình check tay nghề và học hỏi cải thiện sự khéo léo bản thân. Bây giờ mình cảm thấy hợp và tiếp tục nghiên cứu theo học mảng phẫu thuật thẩm mĩ- các dịch vụ như là nâng mũi, cắt mí. Tất nhiên sẽ không "đi đường tắt", vì như thế thất đức lắm. Mình sẽ dành vài năm học cho kỹ tay nghề rồi mới tính đến mở trung tâm riêng.
Lợi nhuận từ ngành thẩm mĩ lớn thế nào, có lẽ chúng ta đều biết. Một ngày làm 1-2 ca nâng mũi cắt mí, thu về 30-40 triệu là bình thường. Chưa kể nếu làm chủ, nắm trong tay đội ngũ hàng chục chuyên viên, lợi nhuận hàng tháng tính bằng tiền tỉ."
Cha mẹ phản đối kịch liệt nhưng phải gạt tất cả các mối quan hệ để đi tiếp con đường đã chọn
Có thể với nhiều gia đình, cha mẹ sẽ ủng hộ con cái theo đuổi đam mê đích thực của chúng. Tuy nhiên, câu chuyện không hề đơn giản với gia đình Yến. Ngay từ hồi mới vào Đại học, Yến đã phải bươn chải để trả hết tất tần tật các khoản trên đời: Sinh hoạt, học phí, ăn ở... Cô cũng cho biết mình không giữ được mối quan hệ tốt với ba mẹ nhưng luôn tôn trọng họ. Thậm chí một trong những mục tiêu của Yến là lo cho gia đình khi cha mẹ về già.
"Cha mẹ phản đối nhiều khi mình bỏ học Đại học. Nhưng tính mình từ bé là càng phản đối mình sẽ càng cố gắng nhiều hơn để chứng minh mọi người đã sai. Nếu cứ mãi làm con ngoan trò giỏi, làm theo kế hoạch cha mẹ dự trù trước thì mỗi sáng thức dậy sẽ mệt mỏi vô cùng. Chi bằng cứ theo đuổi đam mê và chịu trách nhiệm hết cho quyết định của bản thân."
Thời gian này, Yến cũng cho biết cô không muốn tìm hiểu, làm quen một người đàn ông nào để tập trung cho sự nghiệp. Có những lúc Yến còn tách mình ra khỏi gia đình, bạn bè và mối quan hệ tình cảm.
"Khi cảm thấy bế tắc, mình lên Thiền viện Trúc Lâm để tĩnh tâm, nộp lại smartphone cho nhà chùa, cắt đứt liên lạc hoàn toàn thế giới bên ngoài. Một tuần lao động công quả, 3h sáng dậy thiền, 9h tối đi ngủ, lên núi hái rau, ăn chay niệm Phật... Sau 1 tuần mình thấy sức khỏe và tinh thần đi lên nhiều, và suy nghĩ càng thêm tỉnh táo, quyết tâm càng thêm mạnh. Mình xin phép sư cô đi về sớm 1 tuần so với dự kiến, do công việc ở Thủ đô đang đợi mình về. Bước chân về thủ đô xô bồ, nhưng cái tâm tĩnh lại được, và vững, và lăn xả vào đam mê đã chọn. Không mơ sóng yên biển lặng, chỉ mong chân cứng đá mềm."
Chắc chắn trong tương lai, còn nhiều điều đang chờ đợi cô nàng 9X này nhưng hi vọng Yến sẽ giữ ngọn lửa đam mê để tiếp tục cố gắng hoàn thành dự định đã đề ra!
Quiry