(Tổ Quốc) - 27 Tết là thời điểm thích hợp để các gia đình bắt tay vào gói bánh chưng cho 3 ngày Tết. Trên phố Hàng Cháo - Hà Nội, những hộ gia đình ở gần nhau cũng đang góp gạo luộc bánh chưng.
Dạo quanh những con phố trong lòng Hà Nội, những ngày cuối năm này có điều gì đó khác biệt lắm, cái không khí Tết quanh quẩn trên những lối nhỏ khiến người ta thấy tâm trạng dường như trở nên háo hức hơn bao giờ hết.
27 Tết rồi, có nhiều điều rất khác đi so với cái Tết xưa, không phải Tết thay đổi mà chúng ta đang nhìn Tết ở những cái nhìn tuổi tác khác nhau mà thôi.
Ở Hàng Cháo, mấy hộ gia đình ở gần nhau đang góp gạo để luộc bánh chung, với các mẹ các dì thì có lẽ đây là thời điểm bận bịu lắm. Thêm 1 buổi gói bánh thôi cũng đã làm ùn ứ thêm công việc rồi, người phụ nữ Hà Nội luôn muốn mọi điều hoàn hảo nhất cho 1 cái tết quây quần bên gia đình.
Các bước để gói thành 1 chiếc bánh chưng vuông vắn.
Thế nhưng, những người phụ nữ ở đây cứ luôn giữ trên môi nụ cười suốt cả buổi tất bật với nào là gạo, nào là thịt... chỉ để tạo ra những chiếc bánh vuông vức tượng trưng cho sự toàn vẹn của gia đình mình sau một năm nhiều lo toan cho cuộc sống.
Cô Phương, 1 trong những hộ gia đình đang sum họp gói bánh, tay không ngừng xoắn những chiếc lạt bó chắc thành quả đẹp mắt của mình, vừa dí dỏm tâm sự: "Bánh thì ngoài chợ bán đầy mà, nhưng vừa là cảm thấy không yên tâm về vệ sinh mà cũng thành lệ rồi, nó là thói quen, cứ Tết là phải gói bánh chưng chứ".
Người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng luôn có 1 lòng thành kính với ông bà tổ tiên, với tâm niệm "uống nước nhớ nguồn", cả năm chỉ có 1 lần mà thôi, tự tay làm mâm cỗ, tự tay gói chiếc bánh chưng dâng lên ban thờ 3 ngày Tết.
Các dì, các mẹ ở phố Hàng Cháo còn cười đùa rằng "vẽ thêm việc" cho bọn trẻ con nó có cái xem. Ngày xưa chúng mình cũng thế, chỉ mong đến 27, 28 Tết người lớn ngồi gói bánh, tranh thủ gói ké cái bánh tí hon bé teo nữa.
Các mẹ lại có dịp ngồi với nhau, tay gói miệng rôm rả buôn chuyện, chuyện về những ngày của năm sắp qua, chuyện của những dự định năm mới và cả chuyện ăn Tết sẽ lớn ra sao nữa chứ.
Hà Thành thì đất chật người đông, thế là các mẹ kéo hết nguyên liệu lẫn vật dụng làm bánh ngồi ngay trước vỉa hè, Tết rồi ai cũng thông cảm cho nhau, đôi ba người đi bộ qua lại chẳng ai thấy phiền phức đâu, họ còn tò mò ghé mắt lại xem những chiếc bánh xanh đẹp mắt.
Gói bánh đã mất cả buổi rồi, còn phải luộc bánh nữa, thường thì người ta hay luộc bánh vào ban đêm, đến sáng hôm sau vớt bánh là vừa.
Có người chưa quen sẽ dùng những chiếc khuôn để gói bánh được vuông vức nhất, nhưng có lẽ những người phụ nữ này đã dùng cả tuổi thơ, rồi lại đến thời thiếu nữ để trở thành những nữ vương của gia đình để gói bánh rồi, mấy chiếc khuôn có khi còn không đẹp bằng họ gói bằng tay ấy chứ.
Cô Phương chia sẻ: "Mấy nhà gói chung thì tiện hơn nhiều, gói nhiều cho đủ 1 nồi rồi chia ra, bánh để thắp hương các cụ là chính chứ ăn là mấy, gói ít thì mất công mà gói nhiều thì chẳng ai ăn".
Đây cũng không phải năm đầu tiên các mẹ trong khu phố nhỏ góp gạo góp thịt luộc bánh chung đâu, nó đã thành tiền lệ rồi, cứ 27 Tết là rủ rỉ nhau đi mua lá dong, chọn thịt lợn ngon về để gói thôi.
Chúng tôi còn nghe thấy trên các ngõ nhỏ, phố nhỏ quanh Hà Nội, người ta rủ nhau tìm củi, mượn nồi lớn để tối đến luộc bánh chưng. Phụ nữ đã loanh quanh cả ngày để gói gém rồi, tối đến thì đàn ông chia nhau canh bánh, thêm nước. Chỉ có đám nhỏ là luôn "thừa năng lượng" như vậy, gói được đôi ba cái bánh bé xíu xíu thì cũng nhất định phải đợi luộc chín để vớt ra xì xụp với nhau.
Mạn Ngọc - Ảnh: Gia Đoàn