(Tổ Quốc) - Thứ quả có công dụng tăng cường miễn dịch chẳng kém những loại quả có múi như cam quýt. Trong mùa dịch Covid-19, nó càng cần thiết cho sức khỏe của người dân.
Ăn lê tăng cường miễn dịch, Đông y còn đặc biệt coi trọng vì có thể làm thuốc chữa bệnh
Vào giai đoạn cuối tháng 7, đầu tháng 8, khi nắng ngoài trời vẫn chói chang nhưng có phần êm dịu, đỡ gay gắt hơn vào chính hè, ấy là lúc mùa thu cũng chớm về. Trong hơi thở của nắng thu, gió thu, có một thứ quả thơm ngon và mát lành, vừa tốt cho sức khỏe vừa có thể làm thuốc chữa bệnh thường gặp như chứng ho. Đó là lê, thứ quả lê chuẩn hàng Việt Nam, nhỏ nhắn nhưng giòn ngọt, mát mẻ.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, quả lê có vị chua ngọt, tính lương, đi vào phế và vị, có tác dụng sinh tân, nhuận táo, thanh nhiệt, hóa đàm, được sử dụng cho những trường hợp bị đàm nhiệt, âm hư như ho khan, khái huyết, sốt nóng, kích ứng vật vã, mất nước khát nước, người đái tháo đường, ho, sốt, nôn nấc, táo bón. Loại quả này không chỉ là món ngon tráng miệng mà còn trị bệnh dù là dạng tươi sống hay hấp, nấu chín.
Không những thế, nghiên cứu của y học hiện đại còn cho thấy, 100g lê có 86,5g nước; 0,1g lipid; 0,3g protein; 8g đường (levulose, fructose, glucose...); 1,6g chất xơ; 14mg Ca; 0,5mg Fe; 0,2mg vitamin PP; các vitamin nhóm B; betacaroten và acid malic, acid acetic. Với đặc tính nhiều nước, mát ngọt, ăn lê giúp bổ sung dinh dưỡng, bổ sung nước rất tốt cho người có hệ miễn dịch suy yếu, sức đề kháng kém, nhất là người lớn tuổi, bệnh nhân bị suy nhược cơ thể.
Thế nên, dù không mắc bệnh cần dùng lê để làm thuốc trị bệnh, đây vẫn là thứ quả siêu hữu ích trong mùa dịch Covid-19 đang còn nhiều diễn biến phức tạp. Bổ sung lê vào chế độ ăn dạng quả tráng miệng, uống nước ép lê… đều là những cách giúp tăng cường miễn dịch rất tốt cho cơ thể. Nhất là quả lê vào mùa chính vụ hiện nay chỉ kéo dài trong thời gian rất ngắn, muốn ăn lê chính vụ, ngon sạch có lẽ bạn không nên chần chừ.
Trong Đông y, quả lê được sử dụng làm thuốc theo những cách nào?
Theo lương y Bùi Hồng Minh, quả lê có thể được làm thuốc chữa bệnh, bồi bổ cơ thể, tăng cường miễn dịch theo những cách sau:
- Giảm cholesterol, tăng cường đề kháng: Lê tươi đem rửa sạch, gọt vỏ rồi ép lấy nước uống giúp tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng rất tốt. Nhất là trong lê chứa pectin có vai trò quan trọng trong việc làm giảm các cholesterol trong cơ thể.
- Phòng chữa chứng hay mệt mỏi, sưng đau họng, lợi, lưỡi, đi tiểu vàng, táo bón, mắt sưng đỏ, phòng chữa bệnh tăng huyết áp thể can thượng cang hoặc hỏa thượng viêm...: Nên tăng cường ăn lê như trái cây tráng miệng. Với người không muốn ăn có thể làm nước ép lê thưởng thức cũng rất tốt.
- Hỗ trợ điều trị cao huyết áp: Trong lê có chứa glutathione là một chất chống oxy hóa giúp bạn duy trì mức huyết áp ổn định. Do đó, bệnh nhân cao huyết áp nên thường xuyên ăn loại quả này để huyết áp được ổn định.
- Giảm sốt: Thay vì dùng đến thuốc hạ sốt quá vội vàng, bạn có thể sử dụng nước ép quả lê để uống giúp cơ thể được làm mát hiệu quả từ trong ra ngoài. Thức uống giảm sốt này cũng có nhiều công dụng hữu ích khác trong mùa dịch bệnh.
- Chữa ho hiệu quả: Bạn có thể làm lê hấp đường phèn, lê ninh nhừ trộn mật ong, lê hấp gừng để chữa ho. Những cách này đều hiệu quả với cả trẻ con và người già bị ho kéo dài. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y để phù hợp cho từng đối tượng cũng như có liều lượng cụ thể.
- Tiêu đờm, thông đại tiện: Nước lê, nước củ ấu, nước rễ cỏ tranh, nước ngó sen, nước đại mạch. Nấu lên uống nóng hoặc nguội đều được.
Lưu ý: Tùy từng trường hợp sẽ có cách chữa và liều lượng cụ thể, nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng cách chữa bệnh từ quả lê. Đặc biệt, những bài thuốc từ lê hấp trị ho không dành cho trẻ dưới 1 tuổi. Với nhóm tuổi này cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Chuyên gia Đông y lưu ý thêm, quả lê có tính hàn nên người bị bệnh đau bụng lạnh, đi lỏng không nên dùng. Không ăn lê dập nát để tránh mắc bệnh đường ruột. Nên ăn lê chính vụ để giảm tối đa nguy cơ ăn phải lê chứa quá nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cũng như chất bảo quản.
TH