(Tổ Quốc) - Đối với nhiều startup, Covid-19 là cơn ác mộng khi hoạt động của họ lâm vào ngõ cụt. Tuy nhiên, đại dịch cũng mở ra những cơ hội mới cho những người biết nắm bắt.
Webminar với chủ đề "Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19", một sự kiện bên lề cuộc thi Viet Solutions 2021, vừa được tổ chức nhằm tìm ra lối đi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh đại dịch.
Các diễn giả tham dự sự kiện gồm ông Lê Bá Tân, Phó TGĐ Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks); ông Nguyễn Hoàng Tùng, founder VVN AI (tên đầy đủ Vì Việt Nam AI) - startup từng đạt giải nhất Viet Solutions 2019; ông Hùng Trần, co-founder và CEO của Got It (startup từ Silicon Valley) và ông Trần Quang Hưng - Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, đại diện Vinacapital Ventures. Điều phối chương trình là ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm CEO của Le Group of Company.
Biến cố mang tính bước ngoặt với startup
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp Việt liên tiếp gánh chịu những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Số liệu được ông Lê Quốc Vinh trích dẫn, đầu năm 2021, có 78,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,9% nhưng có 59,8 nghìn doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 23%.
Tại Webminar với chủ đề "Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19", ông Hùng Trần, co-founder Got It, cho biết những doanh nghiệp "đang làm ăn yên ổn" nhưng trở nên lao đao vì đại dịch không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận có những startup lại tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ đằng sau nó phù hợp với những thay đổi mà đại dịch gây ra với thói quen người dùng.
Chính vì vậy, ông Hùng Trần cho rằng các founder cần phải xác định được giá trị cốt lõi của mình cũng như lựa chọn được những công nghệ mà vẫn phù hợp được với xu thế trong tương lai xa thay vì chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt.
"Khởi nghiệp nhưng đừng giật gấu vá vai, có gì dùng tạm cái nấy", ông Hùng Trần chia sẻ.
Những thay đổi tương tự như những gì Covid-19 gây ra được mô tả là bước ngoặt, đóng vai trò "xóa bài chơi lại". Tuy nhiên, chính thời khắc này cũng mang đến cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ, vốn trước đây không thể cạnh tranh được với những công ty lớn, vốn có tiềm lực cả về tài chính lẫn công nghệ.
"Khó khăn là khó khăn chung nhưng cơ hội thay đổi thế giới sẽ đến với một số ít người. Đây cũng là cơ hội cho các startup của Việt Nam vùng lên, vươn tầm khu vực và thế giới", ông Hùng Trần nói về cơ hội bên cạnh những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Lê Bá Tân, Phó TGĐ Viettel Networks nói rằng đại dịch tạo ra những thách thức nhưng không phải không có những startup vượt qua được những thách thức đó. Tầm nhìn nhằm đảm bảo phát triển trong dài hạn là điều bắt buộc để có thể tồn tại lâu dài.
Cơ hội từ cú sốc "xóa bài làm lại"
Hơn 1 năm qua, làm việc từ xa (WFH) nổi lên như một giải pháp lý tưởng để vừa chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, các nền tảng phục vụ cho WFH cũng bùng nổ. Đây không còn là xu thế. Khi mọi người nhận ra rằng họ có thể làm tốt công việc mà không cần phải tới văn phòng, ngày càng có nhiều người lựa chọn hình thức này.
"Nhận thấy cơ hội, các startup buộc phải lao vào. Họ buộc phải quyết định nhanh bởi không thể chờ chắc chắn thành công mới làm. Không chỉ là nắm lấy cơ hội mà nó cũng giúp các starup sớm nhận ra mình có thể chơi tiếp hay phải xóa bài làm lại", ông Hùng Trần chia sẻ.
Ông Lê Bá Tân cũng chia sẻ về tầm quan trọng của việc nhận ra hạn chế trong hoạt động hiện hữu và đầu tư cho công nghệ mới.
Lấy câu chuyện từ chính Viettel, ông Tân cho biết chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ trước khi đại dịch nổ ra bởi Viettel nhận thấy doanh thu viễn thông có xu hướng sụt giảm. Số hóa không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa để đảm bảo tăng trưởng. Dịch bệnh góp phần đem đến cho tầm nhìn ấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ.
Giải pháp từ các vườn ươm khởi nghiệp của doanh nghiệp lớn
Theo ông Lê Bá Tân, cuối năm nay, đầu năm sau, Viettel sẽ đưa mạng 5G vào khai thác thương mại trên quy mô toàn quốc. Tốc độ kết nối của mạng 5G không chỉ để con người sử dụng bởi với mạng 4G hiện nay, nó đã đáp ứng hầu hết nhu cầu hàng ngày của mọi người. Chính vì thế, đối tượng chính của 5G chính là các sản phẩm IoT, giúp cuộc sống trở nên thông minh hơn.
"Tự động hóa, robotics ở Việt Nam, nói thì nhiều nhưng thực tế chưa có bao nhiêu. Đâu đó có cũng chỉ là những đốm lửa nhỏ. Chúng tôi muốn đi vào thực chất, có hệ sinh thái thực sự, mức độ thông minh ngày càng cao và được thị trường chấp nhận", ông Tân cho biết.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Phó TGĐ Viettel Networks cho rằng các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, cũng cần chia sẻ cho nhau. Với việc triển khai 5G trên toàn quốc và gia tăng thêm lớp kết nối vạn vật cho mạng 4G, ông Tân tuyên bố sẽ hỗ trợ bất cứ doanh nghiệp nào đang phát triển các sản phẩm, giải pháp cần kết nối viễn thông.
Ông Tân cũng tiết lộ Viettel đang đầu tư 2 phòng nghiên cứu IoT hiện đại nhất Đông Nam Á tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các phòng nghiên cứu này sẽ sẵn sàng hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho các ý tưởng khởi nghiệp mà hội đồng đánh giá cao về tiềm năng ứng dụng cũng như ý nghĩa với xã hội, doanh nghiệp. Nếu thành công, Viettel sẽ mở rộng mô hình ở các tỉnh thành khác.
Do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Tập đoàn Viettel tổ chức, Viet Solutions hướng tới mục tiêu tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, giúp giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần thực hiện chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia. Cùng với đó, chương trình cũng đóng vai trò bàn đạp, giúp các startup dự thi hoàn thiện giải pháp, tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, cả về tài chính lẫn công nghệ, để sớm đi vào thực tế.
Tìm hiểu thông tin hoặc đăng ký tham gia cuộc thi tại đây: https://vietsolutions.net.vn/vn
thinga