(Tổ Quốc) - 7 năm "cõng chữ" lên núi dạy học cho các em nhỏ vùng cao, có lẽ cô giáo trẻ không mường tượng được có một ngày mình còn kiêm cả nhiệm vụ "shipper" cõng hàng cho người dân ở đây.
Cô giáo tự nguyện làm "shipper", vượt rừng tiếp tế hàng hóa cho người dân bị cách ly
Gần một tháng qua, cô giáo Trà Thị Thu (27 tuổi, giáo viên điểm trường Tắk Pổ - Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) khiến nhiều người bất ngờ khi thường xuyên chia sẻ hình ảnh mình và đồng nghiệp trong vai trò khác lạ: shipper.
Theo đó, lý do khiến các thầy cô giáo vùng cao kiêm thêm nhiệm vụ đặc biệt là do thời gian qua, tình hình dịch bệnh ở Nam Trà My diễn ra phức tạp, học sinh toàn huyện được cho nghỉ học để phòng, chống dịch.
Một số em học sinh và người nhà là F1 bị cách ly tại nhà, không thể lên nương rẫy hoặc đi mua nhu yếu phẩm.
Cô giáo trẻ cùng các đồng nghiệp quyết định tình nguyện là shipper cõng hàng vượt hàng chục cây số đường rừng núi, băng qua nhiều con suối, bất kể nắng mưa đến với người dân tại các thôn bản xa xôi của huyện.
Cô Trà Thu cùng đồng nghiệp bất kể nắng mưa, chất hàng lên xe ship đến từng gia đình bị cách ly.
"Mình và đồng nghiệp là cô Nguyễn Việt Thảo tham gia Câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My, tụi mình nhận hàng hoá, chở tới các điểm cách ly tập trung gần 400 người ở xã Trà Mai, Nam Trà My cùng hàng chục hộ cách ly tại nhà.
Họ ở cách xa trung tâm huyện nên mình và cô Việt Thảo chạy xe máy rồi vác hàng đến tận nơi.
Mình cũng cám ơn sự đồng hành của các bạn thanh niên xã Trà Tập, nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng cùng các nhà hảo tâm từ nhiều nơi gửi hàng về hỗ trợ để tụi mình phân phát đến tận nơi cho các em học sinh và gia đình.
Có được những hành động, việc làm ý nghĩa này không chỉ có công sức của thầy cô giáo chúng mình mà là sự chung tay của tất cả mọi người." - Cô Trà Thu tâm sự.
Cô Trà Thu, cô Việt Thảo cùng các đoàn viên thanh niên đưa mì tôm, gạo đến phát cho người dân.
Theo cô Trà Thu, suốt 7 năm bám bản gieo cái chữ cho các em nhỏ vùng cao, cô chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ trở thành một shipper băng rừng, lội suối.
Dẫu đây là việc vất vả đối với một cô gái, thậm chí cô Trà Thu còn nói đùa rằng chiếc xe máy gắn bó bao năm qua một mùa chinh chiến cùng cô giáo kiêm "shipper" đã có dấu hiệu "biểu tình", nhưng cô Trà Thu vẫn rất vui vẻ, ngập tràn năng lượng khi được làm công việc đặc biệt này.
Gần một tháng qua, cô Trà Thu, cô Việt Thảo cùng gần 10 giáo viên tham gia Câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My đã đưa được hơn 30 tấn hàng gồm nước sát khuẩn, khẩu trang, vitamin C, gạo, mỳ, sữa... trị giá khoảng 700 triệu đồng, trao tận tay người dân các xã.
Những ngày tháng ý nghĩa nhất trong quãng đời làm nghề dạy học
Cô Trà Thu và các đồng nghiệp rất vui và không ngờ những hình ảnh làm thêm "nghề" tay trái của mình lại lan tỏa và trở thành câu chuyện đẹp trong lòng nhiều người.
Được biết, năm 2014, Trà Thu khi ấy là thiếu nữ vừa tròn đôi mươi, ra trường đi dạy lần đầu và được phân công công tác tại điểm trường vùng núi huyện Nam Trà My.
Khó khăn, bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi khi Trà Thu cùng các đồng nghiệp phải ở lại điểm trường Tắk Pổ nhiều tuần liền. Ở cách xa trung tâm xã, những ngày đầu, đường lên trường không thể đi được bằng xe máy, cô giáo phải cõng đồ đạc đi bộ.
"Thường vài tuần mình sẽ gửi người dân xuống núi hoặc tự mình xuống núi mua đồ ăn, cá khô, gạo, mắm muối, đồ dùng cá nhân cõng lên tích trữ để dùng. Các thầy cô ăn ở đây tự nấu ăn, nước thì dân bắt vòi lấy nước từ suối cho, điện giờ cũng đã cơ bản đầy đủ.
Đường sá xa xôi, bất tiện là trở ngại lớn nhất, ban đầu mình cũng có buồn, nhưng chưa lúc nào hối hận vì đã chọn con đường này".
Khó khăn, thiếu thốn là không tránh khỏi, nhưng tất cả những điều đó đều nhỏ bé so với những gì mà cô Trà Thu nhận được khi bám bản, gắn bó với các em học trò vùng cao.
Ngoài việc được dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, cô giáo Trà Thu cùng các đồng nghiệp còn hạnh phúc khi nhìn thấy học trò mình vui vẻ vì được yêu thương, quan tâm giúp đỡ, được tặng những phần quà thiết thực, sẻ chia áo ấm, những bữa cơm có thịt ngon lành...
"Được làm những việc có ý nghĩa, giúp đỡ được các em học trò nghèo và gia đình các em là điều mình thấy vui nhất.
Mình còn trẻ, thấy ở đâu khó khăn mà có thể đóng góp được phần nào thì cứ làm thôi. Giờ mình thấy mọi thứ mình đang có ở đây là rất đủ đầy, mãn nguyện rồi.
Dù điều kiện còn khó khăn nhưng được sống vui vẻ, tràn ngập tình yêu thương cùng bà con và các em học trò nghèo của mình mỗi ngày là không gì hạnh phúc bằng." - Cô giáo trẻ bộc bạch.
Ngân Hà