(Tổ Quốc) - Mục tiêu trong năm 2021 của cô gái này là vượt qua những thói quen mua sắm xấu và xây dựng kế hoạch chi tiêu một cách nghiêm túc hơn.
Một trong những mục tiêu lớn nhất của cô gái trẻ tên Jen Glantz trong năm 2021 này là vượt qua những thói quen chi tiêu xấu và xây dựng kế hoạch chi tiêu một cách nghiêm túc hơn. Cô đã nghiên cứu những thủ thuật và các mẹo hay nhất của người khác để lập ngân sách.
Trong số đó có thể kể đến như sử dụng bảng tính ngân sách, áp dụng phương pháp phong bì hay thanh toán mọi thứ chỉ bằng tiền mặt… Song Jen Glantz vẫn thấy thật mệt mỏi khi nghĩ đến phải gắn bó suốt đời với bất kỳ phương pháp nào trong số chúng.
Rồi cô được truyền cảm hứng từ một người bạn có con nhỏ, ngân sách mà Jen Glantz lập sau đó đã giúp cô tiết kiệm được thêm 1.000 USD mỗi tháng. Sau đây là những nguyên tắc cô áp dụng khi lên kế hoạch chi tiêu:
1. Hãy thực tế
Một trong những sai lầm lớn nhất mà Jen Glantz thường mắc phải khi lập ngân sách là thề thốt với bản thân sẽ chi tiêu số tiền nhất định mỗi tháng, thế nhưng con số ấy lại không thực tế. Nó luôn thấp hơn ít nhất 25% so với những gì cô đã chi tiêu trong những tháng trước đó.
Đặt ngân sách phù hợp với mức độ chi tiêu hiện tại của bạn là một cách để dẫn chúng ta đi đúng hướng. Từ đó bạn mới có thể điều chỉnh ngân sách để giảm chi tiêu trong một số danh mục nhất định giúp tiết kiệm hơn.
Mỗi tháng số tiền cô dự trù chi tiêu cũng khác nhau, phụ thuộc vào tình hình thực tế. Một số tháng cô chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn, một số tháng khác sẽ ngược lại.
2. Cập nhật thường xuyên
Ngân sách không phải là thứ lập một lần rồi có thể áp dụng cho cả năm mà không cần điều chỉnh. Nếu bạn áp dụng cách lập ngân sách của người khác thì cũng cần phải điều chỉnh các danh mục dựa trên hoàn cảnh cá nhân.
Cập nhật ngân sách và theo dõi chi tiêu đã trở thành thói quen hàng ngày của Jen Glantz. Mỗi tối sau bữa ăn, cô thường mở bảng tính Excel và viết ra những gì đã chi tiêu trong ngày hôm đó. Từ đó xem xét chi tiêu của bản thân trong tháng sẽ như thế nào.
Điều này giúp cô nhận thức rõ hơn những gì đang diễn ra về mặt tài chính và không bị bất ngờ trước con số chi tiêu tổng kết vào mỗi cuối tháng. Thói quen này không mất nhiều thời gian. Nếu xây dựng được thì sẽ có tác dụng lớn về lâu về dài đối với tình hình tài chính cá nhân.
3. Chuyển tiền linh hoạt giữa các danh mục
Nhiều người nghĩ rằng bí quyết để thành công với kế hoạch chi tiêu mình đặt ra là đảm bảo tuân thủ nó một cách nghiêm ngặt. Thực tế bạn có thể xem xét chi tiêu theo từng tuần hay tháng và tìm ra những danh mục cần được điều chỉnh.
Giả sử bạn chi tiêu quá mức trong ăn uống nhưng lại mua sắm ít quần áo. Bạn hoàn toàn có thể chuyển tiền từ danh mục “ăn uống” sang danh mục “quần áo”. Mỗi chủ nhật cuối tháng, Jen Glantz sẽ phân bổ lại số tiền giữa các danh mục sao cho phù hợp với nhu cầu chi tiêu trong tháng tới.
4. Lên kế hoạch cho những khoản chi đột xuất
Trước đây Jen Glantz chưa từng có danh mục khẩn cấp trong ngân sách. Vì vậy bất cứ khi nào có khoản chi đột xuất như hóa đơn y tế hoặc sửa nhà, cô sẽ rất bực bội, từ bỏ luôn kế hoạch chi tiêu.
Mặc dù bạn không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy đến trong tháng nhưng việc dành ra vài trăm USD cho các chi phí đột xuất sẽ giúp ngân sách luôn hoạt động tốt. Nó giúp bạn bớt áp lực và lo lắng nếu có điều gì bất ngờ. Nếu tháng này không sử dụng đến, số tiền đó sẽ được chuyển sang danh mục “khẩn cấp” của tháng sau.
5. Học cách nói “không”
Có kế hoạch chi tiêu cụ thể, bạn sẽ biết mình chi tiêu bao nhiêu trong tháng đó cho tất cả mọi thứ, từ mua sắm thực phẩm đến các buổi gặp gỡ bạn bè. Từ đó chúng ta sẽ biết được những gì mình nên đồng ý và những thứ cần phải từ chối.
Nó giúp bạn biết cách nói “không” với các khoản chi phí vượt ngoài ngân sách một cách dễ dàng hơn như du lịch cuối tuần, sự kiện giải trí… Và thói quen này tạo thuận lợi cho chúng ta tiết kiệm tiền trong suốt cả năm.
Theo: businessinsider
An Du