(Tổ Quốc) - Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước tai nạn thẩm mỹ của một cô gái trẻ. Sau khi thực hiện treo sa trễ ngực, cô gái này bị nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng dẫn đến hoại tử ngực.
Tất cả phụ nữ đều muốn sở hữu một thân hình cân đối, đặc biệt là "vòng 1" và "vòng 3" nảy nở để thêm phần quyến rũ hơn. Để có được điều đó, nhiều người sẽ tìm đến các con đường tập luyện thể dục thể thao. Nhưng bên cạnh đó cũng không ít người chọn làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, chuyện can thiệp "dao kéo" sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như chúng ta đặt niềm tin sai chỗ.
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước tai nạn thẩm mỹ của một cô gái trẻ. Sau khi thực hiện treo sa trễ ngực, cô gái này bị nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng dẫn đến hoại tử ngực.
Cô viết: "Lúc làm xong mấy hôm thì ngực em có hiện tượng nóng đỏ, chân chỉ có mủ, em đã vệ sinh rửa vết thương thì đường chỉ bị nhồi lên luôn, bung ra luôn (thịt một nơi mà đường chỉ may một ngả). Bây giờ vết thương ngực của em nó bị nhiễm trùng viêm loét. Em đi bệnh viện khám thì bác sĩ nói là do em thực hiện thẩm mỹ ở những người không có chuyên môn, không có tay nghề".
Tình trạng "vòng 1" lở loét của cô gái trẻ.
Câu chuyện của cô gái trẻ đã ngay lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhiều người cảm thông nhưng cũng có rất nhiều người bày tỏ nỗi lo sợ trước những biến chứng sau khi treo sa trễ ngực.
Với nhiều người, treo sa trễ ngực là một tên gọi khá lạ lẫm nhưng thực tế đây cũng là một hình thức nâng ngực. Nếu nâng ngực nội soi là kỹ thuật đặt túi độn vào trong khoang ngực để tăng kích thước vòng 1. Thì treo sa trễ là phương pháp cắt bỏ da thừa, da chùng để làm căng phần da ở bầu ngực, nâng ngực lên cao 1 cách tự nhiên.
Đối tượng nào nên và không nên thực hiện nâng ngực?
Nhiều người cho rằng, nếu có bộ ngực khiêm tốn hoặc chảy xệ thì hãy đi nâng ngực để vòng 1 được săn chắc, quyến rũ hơn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tạ Thị Hồng Thúy (khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn), nâng ngực chỉ được khuyến khích trong các trường hợp bệnh nhân mắc một số bệnh lý dị tật bẩm sinh vùng ngực như hội chứng Poland, sẹo bỏng vùng ngực, chấn thương gây mất tổ chức vùng ngực, sau phẫu thuật điều trị ung thu tuyến vú, sau viêm nhiễm vùng ngực bẩm sinh có can thiệp gây teo lép tuyến vú và sẹo xơ…
Cũng theo bác sĩ, nhóm đối tượng có bệnh lý tim mạch nặng, HIV, viêm gan C, bệnh nhân có biểu hiện tâm thần, đái tháo đường… không được nâng ngực để tránh tổn hại sức khỏe và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Với những trường hợp không có bệnh lý, GS.TS Trần Thiết Sơn (Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn) cho rằng, làm đẹp là nhu cầu bình thường của mỗi người, đặc biệt là của phụ nữ. Nhưng trước khi thực hiện nâng ngực, chị em phụ nữ nên tự hỏi bản thân rằng: "Mình có thật sự cần nâng ngực không?".
Trước khi nâng ngực, phụ nữ nhất định phải ghi nhớ điều này để tránh biến chứng đáng tiếc
GS.TS Trần Thiết Sơn cho rằng, ở những phụ nữ khỏe mạnh vì việc nâng ngực khi bị teo nhỏ, sa trễ (bẩm sinh hoặc sau sinh), phì đại... là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, để nâng ngực thế nào cho phù hợp nhất, chị em cần đến thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ thẩm mỹ để chọn ra biện pháp nâng ngực tốt nhất với mình.
Khi nâng ngực, việc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng đóng vai trò cực quan trọng để đảm bảo quá trình nâng ngực thành công, không có biến chứng trong và sau khi thực hiện.
Muốn nâng ngực thành công, không biến chứng, lời khuyên mà giới chuyên gia nhấn mạnh là quan trọng nhất chính là nên đến những bệnh viện uy tín, cơ sở có chuyên môn tốt, được đào tạo chính quy về phẫu thuật tạo hình. Tránh trường hợp tự ý nâng ngực tại những nơi không đảm bảo chất lượng có thể khiến tiền mất tật mang, để lại di chứng nguy hiểm.
ĐỖ ĐỖ