(Tổ Quốc) - Erica Leresche (27 tuổi) đã tiết kiệm được gần 700 triệu trong 3 năm chỉ nhờ áp dụng 4 cách này.
Khi nói đến tiền, Erica Leresche (27 tuổi, sống tại Mỹ) nói rằng nó là việc rất quan trọng và luôn đi theo đúng kế hoạch. Trong ba năm qua, cô đã tiết kiệm được 30.000 đô la (691 triệu) trong số tiền kiếm được khoảng 50.000 đô la (hơn 1,1 tỷ đồng) khi làm việc tại Oregon State Credit Union ở Albany, Oregon.
Leresche cho rằng kết quả này là do sự nuôi dạy của gia đình. Gia đình cô đã trải qua một số bất ổn về tài chính. “Khi tôi còn nhỏ, khoảng 3 tuổi, cha mẹ tôi chuyển đến nơi ở mới mà không có việc làm. Chúng tôi sống vô gia cư trong khoảng tám tháng”. Cô cũng đã chứng kiến cha mẹ mình phải vật lộn với tài chính vì không có bất cứ khoản tiết kiệm nào cho việc nghỉ hưu.
Cho tới năm ngoái, dịch bệnh và mẹ cô bị mắc Covid, nằm viện hơn 1 tháng. Tiền viện phí quá cao khiến Leresche càng nhận ra rằng, bạn thực sự không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong cuộc sống. Cô quyết tâm thay đổi thói quen chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn. Và đây là bốn cách mà Leresche áp dụng để đạt được con số tiết kiệm gần 700 triệu sau 3 năm.
1. Tự áp đặt một loại thuế vô hình cho bản thân
Leresche tự đánh thuế cho bản thân: Tức là bất kể số dư thẻ tín dụng là bao nhiêu vào cuối tháng, cô ấy sẽ trả hết và sau đó gửi một số tiền tương đương 10% vào khoản tiết kiệm. Ví dụ: Nếu bảng sao kê thẻ tín dụng của cô ấy là 300 đô la (gần 7 triệu đồng), cô ấy sẽ trả hết số tiền đó cộng với khoản tiết kiệm 30 đô la (gần 700k).
"Cách làm này giúp tôi tăng tiền tiết kiệm và giảm chi tiêu vì tôi không muốn mình phải trả thêm tiền vào cuối tháng".
2. Đừng tước đi những thứ bạn yêu thích
Khi tìm cách giảm chi phí, đừng tước đoạt những thứ quan trọng đối với bạn. Thay vào đó, hãy tìm những thứ tốn ít ngân sách mà vẫn làm bạn hạnh phúc. Và đừng cắt giảm khoản đó.
“Tôi thực sự yêu thích cà phê Starbucks, vì vậy tôi sẽ mua một ly cà phê vào buổi sáng, nhưng tôi sẽ nấu bữa trưa để tiết kiệm”, Leresche nói.
3. Đừng rơi vào "Lạm phát lối sống"
Khi được thăng chức hoặc tăng lương, bạn cũng có thể muốn bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Điều này được gọi là "lạm phát lối sống". Leresche đã làm việc tại Oregon State Credit Union trong sáu năm và trong thời gian đó, thu nhập của cô đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, cô không để điều đó ảnh hưởng đến số tiền mình chi tiêu. Cô nói: “Thu nhập của tôi đã tăng gấp đôi nhưng vẫn giữ nguyên cách chi tiêu như ban đầu. Mỗi năm tôi được tăng lương hoặc thăng chức, tôi sẽ tự động phân bổ số tiền đó vào khoản tiết kiệm”.
4. Ưu tiên cho các khoản chi dài hạn
Leresche nói: Có rất nhiều kỳ vọng mà người khác đặt vào, nhưng điều quan trọng là phải quyết định xem bạn muốn gì trong dài hạn và sẽ chi trả như thế nào.
Khi chọn chuyên ngành đại học cô cũng đã chọn một con đường sự nghiệp được trả lương cao hơn một chuyên ngành mà cô ấy đam mê. "Tôi yêu nghề làm vườn và sinh học, nhưng ngành ngân hàng có mức lương cao hơn nên tôi chọn nó".
Theo CNBC
Hồng Nhung