(Tổ Quốc) - Cô gái 20 tuổi sốt liên tục, được bác sĩ chẩn đoán mắc viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, suýt mất mạng, nguyên nhân có liên quan đến việc tẩy nốt ruồi.
Bác sĩ Đỗ Tiểu Hạnh, phó giám đốc Khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Dật Phu thuộc Đại học Chiết Giang, nói với các phóng viên rằng, cô gái 20 tuổi tên Tiểu Đình, là sinh viên đại học, cách đây 1 tháng cô gái đã về quê trong một kỳ nghỉ. Thời gian nghỉ ở nhà, Tiểu Đình đã đến bệnh viện địa phương làm cuộc phẫu thuật nhỏ để tẩy nốt ruồi. Sau ca phẫu thuật, thể trạng của Tiểu Đình khá ổn định. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau cô gái đột nhiên bị sốt cao.
Trong 2-3 tuần tiếp theo, Tiểu Đình liên tục bị sốt, sau khi được điều trị tại bệnh viện địa phương, sức khỏe ổn Tiểu Đình quay lại trường học. Tuy nhiên, vào một buổi học trên lớp, tình trạng khó chịu trên cơ thể Tiểu Đình ngày một tăng cao, vì lo lắng có bệnh nặng nên cô gái đã đến Bệnh viện Dật Phu thuộc Đại học Chiết Giang để khám.
Theo bác sĩ Đỗ, trong thời gian điều trị, Tiểu Đình đã có 2 lần bị mất ý thức, bác sĩ phải đưa cô đến phòng chăm sóc đặc biệt. Lúc này, bác sĩ mới phát hiện cô gái trẻ thực sự có nhiều tổn thương trong não.
Có nhiều các ổ vi khuẩn trong não của Tiểu Đình, bác sĩ ngay lập tức nghĩ đến một số bộ phận trên cơ thể của Tiểu Đình cũng có thể bị vi khuẩn "ăn" - và bộ phận phổ biến nhất này là van tim. Cuối cùng, khi Tiểu Đình được chẩn đoán mắc bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, van hai lá của tim đã bị vi khuẩn "ăn" một nửa. Sau khi điều trị bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, Tiểu Đình hiện đã qua khỏi nguy hiểm và đang hồi phục tốt.
Bác sĩ da liễu cảnh báo, tẩy nốt ruồi cũng cần phải cẩn thận
Bác sĩ da liễu giải thích rằng phẫu thuật tẩy nốt ruồi tuy nhỏ nhưng cũng là phương pháp điều trị gây tổn thương da, và bất kỳ phương pháp điều trị xâm lấn nào trên da đều có nguy cơ nhiễm trùng.
Đổng Chinh Bang, Phó trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung Đại trực thuộc Đại học Đông Nam, giải thích: Bởi vì bất kỳ vết thương hở nào đều có khả năng nhiễm vi khuẩn, da giống như hàng rào bảo vệ nên sau khi bị phá hủy, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể. Nếu chỉ là nhiễm trùng mô mềm và nhiễm trùng da thì không sao, nhưng nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu sẽ đi đến tim gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, đây là một bệnh nhiễm trùng rất nặng.
Bác sĩ Đổng nói: "Có một vài vấn đề liên quan đến trường hợp của cô gái Tiểu Đình. Trong lần phẫu thuật tẩy nốt ruồi đầu tiên, da bị hở và có nguy cơ bị nhiễm trùng. Nếu chẳng may bị nhiễm một số loại vi khuẩn đặc biệt là vi khuẩn liên cầu thì nguy cơ sẽ tăng lên. Tiếp theo là có thể liên quan đến thể chất của cô gái, nếu cơ thể Tiểu Đình xảy ra tình trạng suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm trùng ở mức độ nghiêm trọng rất cao".
Bác sĩ nhắc nhở, không chỉ tẩy nốt ruồi có thể gây nhiễm trùng mà khi gặp tổn thương da, niêm mạc trong sinh hoạt cũng không nên xem nhẹ. Ví dụ như nhổ răng, chẳng may bị hóc xương cá… phải sát trùng kịp thời để tránh nhiễm trùng.
Bác sĩ Đổng Chinh Bang cho biết: "Nếu là vết thương tương đối nông, cần khử trùng. Sử dụng iodophor để khử trùng và để vết thương lộ ra ngoài, không băng bó. Nhiều người thích băng bó vết thương, tuy nhiên việc này khiến các chức năng bảo vệ của da càng bị tổn thương nặng hơn, dễ bị nhiễm trùng. Nếu là vết thương sâu thì phải đến bệnh viện điều trị, muốn điều trị thì vẫn phải chọn bệnh viện, không nến đến các quầy thuốc ven đường để xử lý vết thương, bởi đôi khi các dụng cụ và thao tác xử lý của nhân viên khó đảm bảo việc vô trùng tốt".
Nguồn: Sohu, News
Hà Vũ