Cô chủ shop ở Sài Gòn chia sẻ 5 yếu tố tiên quyết để mua được đồ si giá rẻ mà vẫn sang, khỏi tha về toàn đồ "rởm rít"

(Tổ Quốc) - Đồ si rẻ thì rẻ thật nhưng nếu không tinh tế, bạn sẽ rất dễ vớ phải những món chán đời rồi vứt xó.

Khi mới bước chân vào con đường mua đồ si, Phó Bảo Nam Phương (hiện đang là chủ một shop bán quần áo đồ si tại Sài Gòn) thường lựa đồ theo kiểu thấy phom dáng đẹp, vừa người, rẻ, không bẩn rách. Sau này khi "lặn ngụp sâu" hơn chút thì mới học thêm nhiều điều mới hay ho và trả lời cho câu hỏi: "Vì sao nhiều người đi mua đồ si mà sao không bao giờ mua được món nào chất".

Với kinh nghiệm mua đồ si, hiện còn đang là bà chủ của một shop đồ si, Nam Phương sẽ chia sẻ với mọi người một vài kinh nghiệm lựa đồ sao cho đẹp và dùng được lâu dài.

Chủ shop đồ si

Phó Bảo Nam Phương (hiện đang là chủ một shop bán quần áo đồ si tại Sài Gòn).

1.

Chất vải

Đây là tiêu chí quan trọng nhất. Chất vải đẹp xịn đóng góp rất nhiều vào giá trị của món đồ, mang lại cảm giác “sang” và kéo dài thời gian sử dụng. Mỗi một loại quần áo sẽ yêu cầu loại vải tạo ra có tính chất khác nhau. Như đầm váy thì mềm mại, lả lơi, blazer thì cứng cáp, dày dặn,... "Mình thích đầm váy, áo nên thường ưu tiên những loại như linen, cotton, lụa, voan tơ mềm mát, thấm hút mồ hôi, phù hợp với thời tiết Sài Gòn. Còn ngược lại, các loại vải như nilon, polyester,... sẽ khá nóng, không thấm hút mồ hôi, nên tùy vào món đồ và nơi sử dụng mà bạn nên cân nhắc", Nam Phương chia sẻ.

Chủ shop đồ si

Cách để kiểm tra chất vải, với dân điêu luyện, thành thạo thì sờ vào là biết ngay. Còn "gà mờ" thì đôi khi chỉ đúng từ 50% - 90%. Khi sờ vào vải bạn sẽ đoán được cái này mặc mát hay không mát, có bí nóng không.

Cách kiểm tra: Dùng Google dịch. Chụp ảnh cái tag của món đồ rồi đi dịch là sẽ đoán được chất liệu và độ nóng/thoáng. Bật mí là tag đồ (tag phụ ghi chất liệu, cách giặt ủi cũng là một cách để xác định độ xịn món đồ).

2.

Kiểu dáng, họa tiết

Chủ shop đồ si

Yếu tố này phụ thuộc vào gu của mỗi người, có bạn thích độc lạ, cá tính có bạn thích basic, dễ phối đồ. Cứ thấy style đồ hợp bạn thì chọn thôi.

"Mình chỉ lưu ý là nên chọn những món theo style mà bạn thích nhất, mặc thường xuyên nhất để có thể mặc lâu dài. Đừng vì một phút bốc đồng, chọn một quả áo độc lạ hiếm gặp xong cất tủ luôn vì không biết mặc đi đâu", Nam Phương chia sẻ.

3.

Thương hiệu

Yếu tố này giống như một bảo chứng cho chất lượng món đồ. Một cái áo có tag Uniqlo sẽ thấy thích hơn một cái áo không có tag gì dù 2 cái giống nhau. Tuy nhiên cách này cũng không đúng 100% vì:

- Hiện tại tag giả nhái rất nhiều, có thể gắn đại một cái tag gì đó hoặc tag nhái thương hiệu nổi tiếng lên quần áo để món đồ trông có giá trị hơn, dễ bán hơn và nếu không phải dân sành đồ hiệu, bạn có thể dễ dàng lọt hố.

- Đôi lúc bản thân một món đồ xịn thì lại không có tag nhãn gì vì người dùng trước đó của nó đã cắt đi vì nó gây ngứa ngáy khó chịu khi mặc.

- Và trên thị trường hiện tại có 7749 thương hiệu, làm sao bạn biết được thương hiệu này là hiệu thật hay hiệu taobao.

Cách kiểm tra:

Chú ý đến tag phụ, là loại tag thường gắn bên hông quần áo, may kẹp vào giữa đường may. Những thương hiệu xịn thì tag phụ khá chi tiết, từ thông tin chất liệu đến cách bảo quản, giặt ủi, sản xuất ở đâu. Đôi khi nó dày như cái tập hướng dẫn sử dụng khi mua linh kiện điện tử vậy.

4.

Đường may

Chủ shop đồ si

Có một cách bạn có thể thử để xác định độ “xịn” của một món đồ đó là đường may, cách ráp vải. Đồ xịn thì đường may gọn gàng, đều đặn, sắc nét, tinh tế, không rối chỉ, vải đùn hay méo mó.

Có lớp lót: Việc để lộ những đường ráp nối, vắt sổ đôi khi khiến món đồ trông bớt sang, nên một vài món xịn sẽ có thêm lớp lót để che đi những chỗ này. Điểm này sẽ dễ thấy nhất ở các mẫu áo blazer, quần nhật, áo khoác, chân váy,...

Đường nối chỉn chu, khéo: Với những kiểu vải sọc, caro,... các chỗ nối sẽ được ráp rất khéo léo và liền lạc, đường nối đường, sọc nối sọc rất khớp với nhau như đối xứng, rất thuận mắt.

5.

Cuối cùng là độ mới

Chủ shop đồ si

Mua đồ si chắc chắn là không thể yêu cầu độ mới 100% nhưng cũ quá thì cũng sẽ không dùng được lâu. Phần này sẽ kiểm tra các điểm:

- Dùng tay sờ trên bề mặt kiểm tra xem vải có xù lông không, chỗ nào thường hay ma sát thì sẽ dễ bị xù lông.

- Với áo thì kiểm tra phần cổ, nách và cổ tay xem có ố vàng không.

- Soi ra ánh sáng lật mặt trước mặt sau xem có bị lem màu không, vết lem này thường có màu xanh nhạt, đôi khi rất khó thấy do lẫn vào màu đồ và những đường nhăn.

- Cuối cùng là dùng tay đưa vào bên trong lần theo đường chỉ may xem có rách, bung chỉ ở đâu không.

Trên đây là tất cả những điều bạn cần để ý khi mua đồ si. Có đôi khi vì quá thích một điểm nào đó mà Nam Phương dù nhìn thấy những lỗi này vẫn sẵn sàng bỏ qua để rinh về miễn là thấy xứng với giá tiền đã bỏ ra.

Ảnh: NVCC

Hồng Nhung

Tin mới