(Tổ Quốc) - Có rất nhiều người bà, người mẹ đều nhìn thấy hình ảnh của bản thân qua vai diễn bà mẹ quốc dân.
Những áp lực, vất vả đặt trên vai người phụ nữ
Bộ phim ''Thương ngày nắng về'' hiện đang nhận được sự thu hút của đông đảo khán giả. Đặc biệt là vai diễn bà Nga của nghệ sĩ nhân dân Thanh Quý. Trong phim, bà Nga đúng chuẩn mẫu phụ nữ hi sinh cả đời vì con cái. Chồng mất sớm, bà Nga chịu vất vả, lam lũ, tảo tần một mình nuôi ba đứa con lớn khôn. Sau này, khi con cái lớn rồi, có đứa đã dựng vợ gả chồng nhưng những người làm mẹ như bà Nga đều biết một điều rằng "Làm mẹ bao giờ chết mới hết lo''.
Khán giả đã dành rất nhiều lời khen cho NSƯT Thanh Quý bởi nét diễn quá đời, quá thật và quá gần gũi khi vào vai người mẹ. Những khán giả ở độ tuổi như bà Nga - những người mẹ đang ở ngoài đời đều thấm từng câu nói, từng suy nghĩ, hành động của bà. Ai cũng thấy hình ảnh của mình trong đó, từ những nỗi lo thường nhật, từ những câu mắng con hàng ngày và cả những áp lực, vất vả đặt trên vai mỗi người phụ nữ.
Bà mẹ điển hình ngoài đời thực
Bà Nga là một người phụ nữ tần tảo với gánh bún riêu nhưng vẫn chăm lo chu toàn cho 3 người con và cậu em trai. Từ khi còn trẻ cho tới lúc xế chiều, bà dường như chưa có một ngày nào nghỉ ngơi. Hình ảnh một người phụ nữ, người mẹ hiện lên rất thật qua nhân vật người mẹ quốc dân này.
Không chỉ thể hiện đầy đủ đức tính của người mẹ, người phụ nữ truyền thống chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, bà Nga cũng khiến khán giả thích thú ở những "tật xấu" rất Việt Nam như hay kể lể, áp đặt con cái.
Với nhân vật bà Nga, khán giả dễ dàng có được sự đồng cảm, sự sẻ chia với một bà mẹ 3 con tảo tần và đầy mạnh mẽ. Bởi thế mà những phân cảnh bà Nga mắng con, những lời càm ràm, những lần bà chỉ dám đứng từ xa nhìn ông thông gia đưa cháu ngoại đi học... đều nhẹ nhàng chạm đến trái tim người xem.
Rơi nước mắt vì nghĩ đến bà, đến mẹ
Không ít chị em đã tâm sự rằng họ nghĩ đến mẹ đẻ, mẹ chồng mình qua những chi tiết thật như ngoài đời ở trong phim. Có những lúc vì mâu thuẫn mà hai bên xảy ra sự cãi cọ, thế nhưng ẩn sâu trong tim là sự lo lắng, hết lòng vì con cái của những người làm bố, làm mẹ.
Chị Thuỳ Linh (30 tuổi, sống tại Hà Nội) tâm sự: ''Bà Nga giống mẹ chồng mình lắm. Bà sống cùng cả gia đình mình và trông cháu để vợ chồng mình đi làm. Nói thật cuộc sống mà, giữa mẹ chồng nàng dâu đôi khi khó tránh khỏi những khúc mắc, đặc biệt là khi sống chung nhà và cùng chăm các cháu.
Không phải là mình không thương bà nhưng có lúc bà có những lời nói, hành động khó chịu và không cùng quan điểm với thế hệ hiện đại. Dù đã có một thời gian mình cố gắng cân bằng nhưng bà vẫn cho rằng làm như vậy mới tốt, thế kia là không nên, thành ra trong gia đình không khí lúc nào cũng nặng như chì, không biết làm sao để cải thiện''.
Một mẹ bỉm khác có tên Hồng Nhung (29 tuổi, sống tại Hải Phòng) lại chia sẻ: ''Ôi giống hệt mẹ mình, cái gì cũng lo đến nơi đến chốn cho con cháu, nhưng vẫn bị càm ràm. Lúc nào cũng chịu đựng và hy sinh, không nghĩ đến bản thân mình. Nhưng làm vậy để làm gì khi suốt ngày bị trách móc, soi xét.
Mình thương mẹ mình lắm nên xem phim cứ khóc. Mình mong mẹ hãy nghĩ cho bản thân hơn một chút, không việc gì phải chịu khổ như thế cả. Tần tảo một đời vì con vì cháu mà cứ hết chuyện này đến chuyện kia xảy ra''.
Chỉ cần các con hạnh phúc là đủ
Có lẽ không chỉ bà Nga trong phim mà tất cả những người mẹ ngoài đời đều mong con cái được hạnh phúc. Khi làm mẹ thì lo cho con, khi làm bà ngoại, bà nội thì lo cho cả con và các cháu. Cuộc sống của những người mẹ là cả đời một lòng vì gia đình và chỉ cần chứng kiến con cháu mình trưởng thành, hạnh phúc là đủ.
Bởi thế, nhiều người tâm sự rằng chỉ mong những người con, người cháu cũng hãy một lần nhìn lại sự hy sinh và nỗ lực của người mẹ. Biết rằng giữa những thế hệ với nhau sẽ có quan điểm và tư duy mới, việc hoà hợp cần nhiều thời gian và nỗ lực. Tuy nhiên, nếu như chúng ta biết đặt bản thân vào vị trí của nhau, cố gắng thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn thì có lẽ mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp.
San San