(Tổ Quốc) - Vào tháng 3 năm ngoái, các đồng nghiệp của cô đã tổ chức cho cô một bữa tiệc mang tên "Breast Bye Bye" (Tạm biệt bộ ngực). Bởi vì ngày hôm sau cô sẽ trải qua một cuộc đại phẫu để cắt bỏ cả hai bên ngực...
Cô gái trẻ này tên là Esther Taylor, năm nay cô ấy 25 tuổi. Cô là một y tá nhi trẻ và xinh đẹp.
Vào tháng 3 năm ngoái, các đồng nghiệp của cô đã tổ chức cho cô một bữa tiệc mang tên "Breast Bye Bye" (Tạm biệt bộ ngực). Bởi vì ngày hôm sau cô sẽ trải qua một cuộc đại phẫu để cắt bỏ cả hai bên ngực...
Tại sao một cô gái trẻ và khỏe mạnh lại muốn cắt bỏ bộ ngực của mình?
Esther Taylor sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ 2 bên ngực của mình
Điều này bắt đầu khi Taylor 8 tuổi ...
Khi Taylor 8 tuổi, mẹ cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, năm đó mẹ cô đã ngoài 40 tuổi. Những ngày sau đó, Taylor theo dõi hành trình chữa bệnh của mẹ, từ phẫu thuật, hóa trị, dùng thuốc dài hạn và khám sức khỏe định kỳ.
"Ung thư vú tuy được phát hiện sớm và tiên lượng tương đối lạc quan nhưng nó vẫn giống như một quả bom không đúng lúc được "chôn" trong cơ thể của mẹ. Tôi luôn lo lắng rằng nó sẽ bất ngờ phát nổ vào một ngày nào đó", cô nói.
Nhìn mẹ chống chọi với căn bệnh ung thư, Taylor bắt đầu quan tâm đến bệnh này nhiều hơn.
Qua Internet, Taylor biết được rằng ung thư vú là một căn bệnh có khuynh hướng di truyền gia đình rõ ràng, chủ yếu là do gen BRCA bị đột biến. Sở hữu loại gen đột biến BRCA này sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ từ 12% lên 90%.
Mẹ của Taylor xuất thân trong một gia đình đông anh chị em. Taylor cũng bắt đầu liên lạc với những người thân trong họ hàng thường xuyên và quan tâm đến tình trạng sức khỏe cũng như cơ thể của họ. Và rồi, cô bàng hoàng xen lẫn lo lắng khi biết rằng ngoài mẹ cô, còn có 8 người họ hàng khác nhà cô cũng mắc bệnh ung thư vú. Một số đã qua đời, và một số vẫn đang chiến đấu với căn bệnh.
"Tôi nghe nói nếu người thân mắc bệnh ung thư vú thì tỷ lệ mắc bệnh của bạn sẽ gấp 1,5 - 3 lần người bình thường. Nếu hai người thân mắc bệnh ung thư vú, tỷ lệ mắc bệnh của bạn gấp 7 lần người bình thường" - đó là những gì Taylor đã chia sẻ. Và khi biết mình có tới 9 người thân đều mắc bệnh ung thư vú, cô cảm giác như mình đang "ôm một quả bom".
Để xác nhận bản thân có thuộc nhóm nguy cơ cao bị ung thư vú hay không,Taylor sử dụng một phương pháp phổ biến hiện nay là sàng lọc gen.
Kết quả của cuộc sàng lọc thật đáng thất vọng, nhưng không nằm ngoài dự đoán - báo cáo nêu rõ: Taylor mang gen đột biến BRCA. Vì vậy, Taylor phải đối mặt với hai sự lựa chọn.
Một là thận trọng hơn, tức là kiểm tra thường xuyên, ngay khi có dấu hiệu ung thư là phẫu thuật ngay.
Hai là thực hiện phẫu thuật ngay bây giờ, cắt bỏ ngực.
Sự lựa chọn đầy khó khăn nhưng triệt để
Taylor đã nghĩ về điều đó trong một thời gian dài. Mặc dù bây giờ cô đang có một cơ thể khỏe mạnh, nhưng theo báo cáo di truyền và bệnh sử gia đình thì cô có nguy cơ mắc ung thư vú rất cao. Một khi bị bệnh, cô có thể sẽ giống như mẹ mình, không chỉ phẫu thuật mà còn phải dùng thuốc lâu dài, luôn lo lắng không biết bệnh có tái phát không.
Nghĩ đến những người thân đã qua đời, những người vẫn đang chiến đấu với căn bệnh ung thư và những người thân vẫn còn lo lắng về căn bệnh này, Taylor đã đưa ra một lựa chọn quá triệt để trong mắt người thường: Tận dụng sức trẻ và khả năng hồi phục nhanh, thực hiện cắt bỏ hai bên vú.
Điều này không chỉ để giảm khả năng ung thư vú mà cũng là để cho những người thân chưa mắc bệnh của cô có thêm một sự lựa chọn.
Vào tháng 3 năm ngoái, Taylor đã trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ. Ca mổ diễn ra suôn sẻ và quá trình phục hồi sau mổ cũng suôn sẻ. Tất cả chỉ để lại một vết sẹo dài trên ngực của Taylor. Tuy nhiên, hình dáng bầu ngực sau phẫu thuật cũng khiến cô mất tự tin: "Tôi trông hơi giống người ngoài hành tinh... Đây không phải là ngực của tôi, nó biến mất rồi. Tôi vẫn còn một chặng đường dài phía trước để chấp nhận hình dáng bộ ngực của mình bây giờ".
Vào tháng 3 năm ngoái, Taylor đã trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ.
Cô gái này còn một chặng đường dài phía trước
Bởi vì đột biến gen BRCA không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư vú, nó cũng làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng nên cắt bỏ cả hai vú chỉ làm giảm một nửa khả năng bị ung thư.
Angelina Jolie, người cũng bị đột biến gen BRCA, cũng đã cắt bỏ vú hai bên vào năm 2013 để giảm nguy cơ ung thư. Năm 2015, cô thực hiện một ca phẫu thuật khác để cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng.
Tuy nhiên, đối với Taylor, năm nay mới 25 tuổi và vẫn chưa xác định có muốn có con trong tương lai hay không nên cô đã không thực hiện phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. "Bây giờ, tôi chỉ có thể sống tạm thời với một nửa nguy cơ ung thư", cô cho biết.
Sau phẫu thuật đến nay, mặc dù nhiều người nói rằng Taylor còn quá trẻ để vội vàng đưa ra quyết định lớn như vậy nhưng bản thân cô lại chưa bao giờ hối hận về quyết định này. "Cuộc phẫu thuật này quả thực là một quyết định khó khăn. Thật khủng khiếp, đau đớn, nguy hiểm và bốc đồng nhưng cuối cùng nó đã trở thành một điều dũng cảm và đẹp đẽ, và nó sẽ thay đổi cuộc đời tôi. Cuối cùng tôi hy vọng rằng những người thân thiết với tôi có thể tránh được số phận chết vì bệnh ung thư. Tôi muốn dùng cuộc đời mình để ăn mừng với họ", cô chia sẻ.
Gen BRCA là gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc bệnh ung thư?
Có một gen BRCA đột biến - như Angelina Jolie nổi tiếng mang trong mình - làm tăng đáng kể khả năng một phụ nữ mắc bệnh ung thư vú trong đời, từ 12% lên 90%.
Có khoảng 1/800 đến 1/1.000 phụ nữ mang đột biến gen BRCA, làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Cả BRCA1 và BRCA2 đều là gen sản xuất protein để ngăn chặn khối u. Khi chúng bị đột biến, DNA có thể bị tổn thương và các tế bào có nhiều khả năng trở thành ung thư.
Các đột biến thường được di truyền và làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú.
Khi một đứa trẻ có bố hoặc mẹ mang đột biến ở một trong những gen này thì chúng có 50% nguy cơ gặp các đột biến.
Khoảng 1,3% phụ nữ trong dân số nói chung sẽ phát triển ung thư buồng trứng, con số này tăng lên 44% phụ nữ thừa hưởng đột biến BRCA1 đột biến.
Phẫu thuật cắt bỏ hai tuyến vú là gì?
Đây là một cách điều trị ung thư vú và thường được thực hiện cho những phụ nữ có nguy cơ cao bệnh quay trở lại sau khi điều trị.
Phương pháp điều trị này cũng có thể phù hợp với những phụ nữ không thể xạ trị, có khối u lớn hơn 5cm hoặc có đột biến, chẳng hạn như đột biến gen BRCA, làm tăng nguy cơ ung thư của họ.
Các tác dụng phụ sau phẫu thuật có thể bao gồm đau, sưng, tích tụ máu hoặc chất lỏng tại vị trí phẫu thuật, cử động cánh tay hạn chế và tê ở ngực hoặc cánh tay trên.
Sau khi phẫu thuật, một số phụ nữ có thể mong muốn được tạo hình lại gò vú để phục hồi hình dạng của nó trong phẫu thuật tái tạo vú.
Một số bệnh nhân có thể được yêu cầu thêm các hình thức điều trị khác sau khi cắt bỏ vú như xạ trị, hóa trị hoặc liệu pháp hormone.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Theo Zhao Li/Aboluo, Dailymail
N. Thúy