(Tổ Quốc) - Bé gái chạm tay vào đường dây điện rồi ngã gục, nghi bị điện giật. Hơn 1 phút sau người phụ nữ gần đó mới nhận ra tình trạng bất thường của bé, vội vã gạt dây điện ra và hô hoán cứu giúp.
Tối qua ngày 7/6, đoạn clip ghi lại tình huống một bé gái ngã gục bất động trên sân sau khi chạm tay vào đường dây điện, nghi bị điện giật đã được đăng tải lên mạng xã hội khiến rất nhiều người thót tim sợ hãi.
Được biết, sự việc xảy ra tại Hà Nội vào sáng cùng ngày.
Clip: Hoảng sợ cảnh bé gái ngã gục bất động sau khi bám tay vào đường dây điện, nghi bị điện giật - Nguồn: FB
Theo đó, đoạn clip được trích xuất từ camera an ninh hiển thị thời gian khoảng 6h13 ngày 7/6. Thời điểm này, bé gái (khoảng 2 tuổi) chơi một mình tại sân, thấy đường dây điện sà xuống thấp nên đã dùng tay trái đu bám, tay phải đồng thời chạm vào cột sắt chống mái hiên nhà. Ngay lập tức, cháu bé đã ngã gục xuống sân, cơ thể bất động trong khi 2 tay vẫn không thể rời khỏi đường dây điện và cột sắt.
Thời điểm cháu bé gặp nạn, có 2 người phụ nữ đang quét sân đứng gần tuy nhiên chưa ai có thể nhận ra tình trạng bất thường của bé. Hơn 1 phút sau khi cháu bé gặp nạn, người phụ nữ mang bầu (váy hồng) mới phát hiện, chị này vội chạy lại xem xét tình hình, dùng cán chổi gạt đường dây diện ra khỏi tay cháu bé và hô hoán người dân giúp đỡ.
Cháu bé được một nam thanh niên nhanh chóng đưa lên xe máy để chở đi bệnh viện. Theo người đăng tải sự việc cho biết, cháu bé may mắn được cấp cứu kịp thời, không gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Cháu bé ngã gục bất động sau khi chạm tay vào đường dây điện - Ảnh cắt từ clip.
Cháu bé được phát hiện và đưa đi cấp cứu - Ảnh cắt từ clip.
Đoạn clip trên được đăng tải đã khiến dân tình vô cùng hoảng sợ, lo lắng. Ai nấy đều thở phào khi biết bé gái đã may mắn thoát nạn. Tuy nhiên mọi người cũng cho rằng đây chính là bài học đắt giá cho những gia đình có đường dây điện đấu nối, giăng mắc thiếu an toàn.
Một số bình luận từ cộng đồng mạng:
"Đường dây hạ thế thế này đến người lớn sờ vào còn nguy hiểm. Các gia đình cần thật sự cẩn thận, nhất là mùa mưa gió này các đường dây điện rất dễ bị đứt hoặc rơi như thế".
"Thương cháu quá, may là được cứu chữa kịp thời. Chị mang bầu kia may đã dùng cán chổi để hất dây, không thì cũng nguy hiểm cho chính chị ấy".
"Không ai có thể lường trước được tình huống này, lúc bé gục xuống mọi người cũng không thể phát hiện ngay được vì tưởng là cháu đang chơi thôi. Các gia đình nên thật cẩn thận, kiểm tra kỹ ngay các đường dây điện nhà mình".
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng việc sơ cứu sau khi gặp sự cố về điện là rất cần thiết. Trong trường hợp của cháu bé cũng như đối với các tình huống điện giật tương tự, những người xung quanh nên có kiến thức để xử lý tại chỗ trước khi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế, việc bế xốc nạn nhân hoặc xử lý chưa đúng cách có thể gây gia tăng nguy hiểm.
Cách sơ cứu tại chỗ cho trẻ em khi bị điện giật:
- Khẩn trương ngắt nguồn điện, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi dòng điện bằng các vật dụng không dẫn điện như que gỗ hay chổi... Lưu ý không được chạm vào trẻ bằng tay trần khi chưa ngắt nguồn điện.
- Kiểm tra các dấu hiệu tuần hoàn của trẻ (nhịp tim, nhịp thở, ho và cử động): Nếu trẻ bị ngừng tim, ngừng thở cần tiến hành các biện pháp hồi sinh tim phổi như sau:
Đặt trẻ nằm, ngửa đầu tối đa, loại bỏ các dị vật trong miệng của trẻ, không làm nếu trẻ bị chấn thương cột sống cổ.
Ấn vào vùng trước tim của trẻ, kiểm tra nếu tim trẻ không đập trở lại thì tiến hành hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực cho trẻ (30 lần ép tim 2 lần thổi ngạt), tiếp tục cấp cứu đến khi nào tim trẻ đập lại và thở được.
Ngay sau khi trẻ tự thở được và tim đập trở lại cần tiến hành băng bó cầm máu, cố định các phần xương bị gãy, cố định cột sống cổ trẻ nếu nghi ngờ bị tổn thương, truyền dịch cho trẻ nếu trẻ bị hạ huyết áp và đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chăm sóc đặc biệt.
- Khi phát hiện con mình bị bỏng, các bậc cha mẹ không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các nhân viên y tế làm sạch và băng bó vết thương đồng thời kiểm tra những tổn thương bên trong của trẻ.
Tùng