(Tổ Quốc) - Vị cách cách cuối cùng của triều Thanh cả đời phải trải qua thăng trầm liên tục, đến sau cùng cũng đã có thể đối mặt với những bí mật của gia tộc.
Ái Tân Giác La Hiển Kỳ có tên Hán là Kim Mặc Ngọc, là vị cách cách cuối cùng của nhà Thanh, cũng là nàng cách cách qua đời muộn nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Hiển Kỳ là con gái của Túc Thân Vương Thiện Kỳ và là em gái ruột của Kawashima Yoshiko (Tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư, tên Hán là Kim Bích Huy).
Mặc dù là cách cách nhưng Kim Mặc Ngọc không nhận được nhiều đãi ngộ, bởi vì bà là con gái thứ 15 trong Vương phủ, lại còn ra đời vào giai đoạn triều Thanh đang dần sụp đổ. Tuy triều đại nhà Thanh không còn nữa, nhưng Túc Thân Vương vẫn còn giữ dã tâm rất lớn. Để phục hưng đế chế nhà Thanh, Túc Thân Vương đã đưa người nhà đến Liêu Ninh với mong muốn tổ chức lại lực lượng khôi phục vương triều.
Túc Thân Vương bị những tư tưởng phong kiến ăn sâu trong đó có quan niệm không cho phép con gái làm quan. Kim Mặc Ngọc thì không bị ảnh hưởng từ tư tưởng của cha, bà luôn hi vọng mình sẽ trở thành một minh tinh, là một người phụ nữ có tư duy tiến bộ. Ước mơ trở thành ngôi sao là một trong những lý do khiến Kim Mặc Ngọc đến Nhật Bản. Sau khi đến đất nước này, bà đã dần trở nên sành điệu hơn.
Sau đó, khi gia tộc suy tàn, Kim Mặc Ngọc chỉ có thể tự nghĩ cách để kiếm tiền. Đến năm 1949, bà đã có lúc chỉ còn chưa đến 100 NDT trong người. Vì cuộc sống, Kim Mặc Ngọc phải vật lộn với nhiều loại công việc, thậm chí phải đan áo len kiếm tiền. Mãi đến năm 1952, bà mới tìm được công việc trong tòa soạn, cuộc sống dần được cải thiện hơn. Từ một cách cách mang thân phận cao quý, Kim Mặc Ngọc phải trải qua cuộc sống cơ cực, bị người người thóa mạ.
Sau khi trải qua thời kỳ chuyển giao của 2 thời đại, Kim Mặc Ngọc chọn cuộc sống ẩn danh đến năm 2014. Ngày 26/5/2014, bà qua đời ở tuổi 96 vì một cơn đau tim.
Trên thực tế, Kim Mặc Ngọc được nhiều người biết đến là nhờ vào chị gái của mình, Kawashima Yoshiko - một trong những Hán gian nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Trước khi chết, Kim Mặc Ngọc từng đề cập đến Kawashima Yoshiko.
Kawashima Yoshiko là con gái thứ 14 của Túc Thân Vương Thiện Kỳ, được một gián điệp Nhật Bản đang làm cố vấn trong triều đình Mãn Thanh lúc bấy giờ nhận làm con nuôi. Túc Thân Vương vì lợi ích cá nhân đã "tặng" con gái 6 tuổi Ái Tân Giác La Hiển Dư (Kim Bích Huy) cho người huynh đệ đến từ Nhật Bản vừa kết giao. Từ lúc đó, bà mới đổi tên Nhật là Kawashima Yoshiko.
Cuộc đời của Kawashima Yoshiko so với Kim Mặc Ngọc càng nhiều bất hạnh hơn. Chưa đầy 6 tuổi đã phải xa gia đình để theo cha nuôi đến Nhật Bản xa xôi. Bà tiếp nhận nền giáo dục của nước ngoài từ nhỏ, phát triển trong một môi trường giáo dục tàn bạo đã khiến giá trị quan thay đổi.
Một thời gian ngắn sau khi sang Nhật Bản, Kawashima Yoshiko nghe tin cha ruột mất, mẹ bà vì đau buồn đã tự sát. Tiếp theo đó là chuỗi ngày tủi hổ khi cha nuôi cưỡng bức và tuyên bố sẽ cưới bà làm vợ. Sau nhiều lần tự tử không thành, Kawashima Yoshiko lột xác trở thành con người hoàn toàn khác: Cắt tóc ngắn, bỏ hết quần áo nữ và mặc đồ âu phục của đàn ông.
Năm 1927, khi về Trung Quốc, Kawashima Yoshiko tổ chức hôn lễ chính trị với con trai của một tướng quân Nội Mông. Cuộc hôn nhân kéo dài chỉ 2 năm rồi kết thúc, lúc này Kawashima Yoshiko tròn 22 tuổi. Sau đó, bà chuyển đến sống ở Thượng Hải và chính thức trở thành gián điệp cho Nhật Bản. Bà bị tuyên án tử hình vì tội phản quốc và thi hành án năm 41 tuổi.
Trước đó, khi đưa Kawashima Yoshiko rời khỏi Trung Quốc, người Nhật tiếp tục "nhìn trúng" gia đình của Kim Mặc Ngọc, muốn biến cả nhà bà trở thành Hán gian. Lúc đấy anh chị của Kim Mặc Ngọc đã chấp nhận nhưng riêng bà vẫn không đồng ý. Chính vì thế, sau này cơ hội gặp lại nhau giữa họ rất khó khăn.
Kim Mặc Ngọc sau đó đã gặp được một họa sĩ tài giỏi, cả hai nảy sinh mối tình rất đẹp. Nhưng vì thông tin người nhà làm Hán gian đã lọt ra ngoài khiến bà phải ngồi tù 5 năm.
Để không ảnh hưởng đến người thương, Kim Mặc Ngọc đã chủ động ly hôn. Sau khi được phóng thích, Kim Mặc Ngọc lại rơi vào cuộc sống cơ cực. Đến cuối đời, Kim Mặc Ngọc mới can đảm nói ra vụ bê bối của gia tộc, bà biết rõ Kawashima Yoshiko là gián điệp nhưng lại luôn tỏ vẻ không biết trước mặt người ngoài.
Năm 2007, theo lời mời của đài truyền hình Phượng Hoàng, Kim Mặc Ngọc tiếp nhận phỏng vấn khi đã hơn 80 tuổi. Bà chia sẻ về cuộc đời sóng gió của mình và gia tộc với một nụ cười nhẹ nhõm trên môi.
Về chuyện đó, Kim Mặc Ngọc luôn cảm thấy hổ thẹn đến cuối đời. Bi kịch của Kim Mặc Ngọc không phải do một người nào đó gây ra, mà chính là lỗi của thời đại. Vị cách cách cuối cùng của triều Thanh cả đời phải trải qua thăng trầm liên tục, đến sau cùng cũng đã có thể đối mặt với những bí mật của gia tộc. Đây có thể được xem là sự giải thoát cho chính bản thân bà.
Nguồn: Sohu
HY LI