Chuyện về tác giả đam mỹ Nam Khang Bạch Khởi: Người yêu quay lưng cưới vợ nên đã dùng cái chết đổi lấy sự vĩnh hằng cho mối tình đồng tính

(Tổ Quốc) - Em sẽ đợi anh đến năm 35 tuổi, nhưng bởi vì em vĩnh viễn không thể nào 35 tuổi cho nên em sẽ đợi anh mãi mãi.

Nam Khang Bạch Khởi, thường được gọi là Nam Khang hoặc Bạch Khởi, anh sinh vào tháng 5/1980 tại tỉnh Liêu Ninh nhưng lớn lên ở vùng đất Nội Mông. Anh được biết đến rộng rãi với bút danh Bạch Khởi và Nam Khang khi tham gia sáng tác trên các diễn đàn văn học trực tuyến của Trung Quốc. 

Người đọc luôn ấn tượng với lối hành văn nhẹ nhàng nhưng không kém phần bay bổng của Nam Khang. Đến tận ngày nay, những tác phẩm của cây bút này như "Yêu Hồ", "Chỉ mong bên anh dài lâu", đặc biệt là hai quyển tùy bút "Phù Sinh Lục Ký" và "Em chờ anh đến năm 35 tuổi" vẫn được đông đảo độc giả yêu thích.

Đầu tháng 3/2008, dư luận Trung Quốc vô cùng bàng hoàng khi biết tin Nam Khang gieo mình xuống dòng sông Tương ở Hồ Nam. Chàng trai ấy đã tự kết thúc cuộc đời mình khi chưa 28 tuổi, để lại trong lòng mọi người bao nỗi tiếc thương cùng chuyện tình đồng tính đầy đớn đau.

Chuyện tình của Nam Khang bắt đầu từ năm 1999. Ngày 9/3/2008, dù đã nói sẽ đợi đối phương đến 35 tuổi nhưng cuối cùng Nam Khang vẫn quyết định gieo mình xuống dòng sông Tương khi chưa tròn 28 tuổi. Trong 7 năm bên nhau, cả hai đã trải qua nhiều kỷ niệm hạnh phúc khiến mọi người vừa ghen tị vừa ngưỡng mộ, nhưng cũng có nhiều đau đớn mà ít ai có thể chịu đựng.

Chuyện về Nam Khang Bạch Khởi: Tác giả đam mỹ luôn khiến độc giả nghẹn ngào, cuối cùng đã dùng cái chết đổi lấy sự vĩnh hằng cho tình yêu đồng tính - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Năm 1999, Nam Khang và Trương tiên sinh đã gặp nhau lần đầu tiên giữa khuôn viên trường đại học. Người Nam Khang yêu thương là một chàng trai có biệt danh là "Trương tiên sinh", sinh ra ở tỉnh Thiểm Tây và sống ở tỉnh Cam Túc. Quê của Nam Khang và Trương tiên sinh xa nhau hàng nghìn dặm lại vô tình học cùng trường và sống cùng khu ký túc xá. Trong hàng tỷ người trên thế gian, định mệnh đã an bài cho họ gặp nhau.

Trương tiên sinh là một thanh niên không quá ưu tú nếu không muốn nói là rất bình thường. Nhưng Nam Khang thích một người như thế. 

Thời điểm đó, khái niệm LGBT vẫn là một điều gì đó xa lạ và không được quan tâm như hiện nay. Mãi 3 năm sau, 2 chàng trai mới xác định rõ tình cảm trong lòng. Trong suốt 3 năm đó, họ liên tục tránh né đối phương, để rồi cuối cùng lại chọn cách đối mặt với trái tim của mình. 

Nam Khang từng dọn ra khỏi ký túc xá để tránh gặp mặt Trương tiên sinh. Thậm chí Nam Khang từng hẹn hò với một cô gái nhưng sau cùng không thể trốn tránh sự quan tâm của mình với Trương tiên sinh. Cuối cùng anh đã chủ động đề nghị kết thúc quan hệ với cô gái này.

4 năm tiếp theo là quãng thời gian hạnh phúc của Nam Khang và người yêu. Năm 2002, vào chính sinh nhật thứ 22 của Nam Khang, cặp đôi chính thức bước vào mối quan hệ. Tác phẩm "Phù Sinh Lục Ký" được anh viết vào thời điểm này. Văn phong của Nam Khang lúc đấy rất ấm áp và dịu dàng. Họ không công khai như các cặp đôi khác, không thể nắm tay hay trao nhau nụ hôn say đắm giữa phố đông người. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nam Khang và người yêu dọn về chung sống cùng nhau. Ngoài một vài người bạn từ thời đại học, không ai biết rõ quan hệ của họ.

Chuyện về tác giả đam mỹ Nam Khang Bạch Khởi: Người yêu quay lưng cưới vợ nên đã dùng cái chết đổi lấy sự vĩnh hằng cho mối tình đồng tính - Ảnh 2.

Tuy nhiên, hạnh phúc chưa bao lâu thì năm 2006, Trương tiên sinh vì áp lực gia đình và xã hội đã phải trở về quê lấy vợ. Hai người quyết định chia tay, trong 2 năm tiếp theo giữa họ chỉ có một vài lần thăm hỏi qua thư điện tử. Chỉ còn mỗi Nam Khang ở lại căn phòng thuê trọ quen thuộc ngày ngày nhớ lại từng khoảnh khắc hạnh phúc. Ước mơ hai người sống cùng nhau đến già đã vỡ vụn. 

Biết người yêu thương sẽ kết hôn, Nam Khang vẫn quyết định chuẩn bị món quà cưới cho họ. 

Tác phẩm "Em đợi anh đến năm 35 tuổi" đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. So với giọng văn dịu nhẹ trước đó, nội dung tác phẩm này đầy sự tuyệt vọng và nỗi đau đớn, thậm chí có vài chi tiết thể hiện ý định tự sát của tác giả. 

"Em đợi anh đến năm 35 tuổi" rất ngắn, chỉ vỏn vẹn 5.000 chữ. Khi hoàn thành câu cuối cùng, Nam Khang đã tự kết liễu cuộc đời mình. Tình cảm Nam Khang dành cho Trương tiên sinh là tình yêu, yêu đến tận xương tủy và khắc sâu đến tận tâm can. Nhưng giờ đây giữa họ lại xuất hiện một người phụ nữ khác. Tận mắt chứng kiến người đàn ông mình yêu thương cưới vợ, bầu trời của Nam Khang sụp đổ hoàn toàn.

Sau 2 năm sống trong tuyệt vọng khi Trương tiên sinh rời đi, Nam Khang quyết định giải thoát cho bản thân. Tác giả tài hoa đã để dòng nước lạnh lẽo cuốn đi mọi ưu phiền, xóa đi mọi đau đớn. Anh lựa chọn không bao giờ 35 tuổi để có thể mãi mãi chờ đợi tình yêu của mình. 

Ngày 15/6/2009, tài khoản của Nam Khang trên MXH văn học Thiên Nhai đã bị xóa, khi truy cập đường dẫn cũ chỉ nhận được dòng thông báo: Người dùng đã chết. Sau cái chết của Nam Khang, các ca sĩ trực tuyến Luân Tang, Ti Hạ, Tiểu Ti Mệnh, Tây Qua JUN,... đã sáng tác nhiều bản nhạc để tưởng nhớ tác giả đáng thương như: "Chuyện xưa như gió", "Em đợi anh đến năm 35 tuổi", "Thời niên", "Táng xuân",...

Nam Khang đã ra đi, dòng sông Tương vẫn chảy và người ở lại vẫn luôn khắc khoải về tình yêu đồng giới của anh. Hàng năm khi đến ngày mất của Nam Khang, đông đảo người hâm mộ đều tưởng nhớ về một chàng si tình, đã dùng mạng sống đổi lấy sự vĩnh cửu cho tình yêu.

Nguồn: Baidu, Sohu, Toutiao

HY LI

Tin mới