(Tổ Quốc) - "Cưới nhau xong xuôi, bố mẹ chỉ có một thời gian ngắn nếm trải mật ngọt tân hôn. Đến đầu năm 1988, mẹ phải về nước trước, để lại bố ở Nga vì vẫn còn 2 năm nữa mới xong xuôi công việc", Mai Anh kể.
Có những mối nhân duyên mà bây giờ kể lại, người ta thấy nó đẹp đẽ, đáng yêu như cổ tích. Những câu chuyện tình của bố mẹ là cả một kho tàng đối với con. Từ cuộc hôn nhân của họ, hàng loạt những bí kíp hôn nhân, bài học hạnh phúc được mở ra.
Mai Anh sinh năm 1990, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Cô đã chia sẻ câu chuyện về cuộc hôn nhân của bố mẹ và nhận về nhiều sự chú ý.
Cuộc gặp gỡ tạo nên "tình yêu sét đánh" trên đất Nga
Vào những năm thập niên 80, bình thường ở làng, các bà, các mẹ lấy chồng sẽ chọn người cùng làng. Chọn đến người làng khác đã là một sự kiện lớn rồi. Thế mà bố mẹ tôi lại không đi theo lối truyền thống đó. Họ từ hai vùng quê khác nhau, hai tỉnh thành khác nhau, cùng gặp gỡ ở xứ người rồi nên duyên vợ chồng.
Năm 1983, bố - một chàng trai Hải Phòng đi xuất khẩu lao động ở Nga. Sang bên đó, bố làm việc trong một công ty sản xuất động cơ ô tô. Mẹ là cô gái Quảng Ninh cũng sang bên đó, làm việc tại công ty xây dựng. Mang tiếng cả hai cùng ở thành phố nhưng cách xa nhau gần trăm cây số.
Trong một lần mẹ sang chỗ bố sửa đồ, bố trúng luôn “tiếng sét ái tình” với mẹ. Từ đấy, bố bắt đầu hành trình theo đuổi cô gái đồng hương Việt Nam xinh đẹp, đáng yêu.
Mẹ có vóc dáng cao ráo. Ngày đó, mẹ nổi tiếng luôn ở khu phố cũ (một khu phố ở Nga ngày ấy) nên biệt danh của mẹ là “Lan cao”. Bố thì bị bạn bè gọi trêu là “Thái Mèo” và sống tại khu phố mới.
Những năm đó, mẹ mới 18-19 tuổi, hay tủi thân, cô đơn vì nhớ nhà nên bố quan tâm lắm. Hai người ở xa, muốn đến thăm mẹ, bố phải đi xe bus hàng mấy tiếng đồng hồ. Dù vất vả là vậy nhưng bố vẫn đi đi về về đều đặn.
Họ hẹn hò với nhau, trò chuyện với nhau về khó khăn trong những tháng ngày xa quê. Và rồi sự thiếu thốn khó khăn đó đã gắn kết mỗi người lại với nhau. Tình yêu giữa họ nảy nở, đơn giản nhưng bền chặt. Không chỉ có bố mẹ mà mấy cô chú cùng đi với bố mẹ cũng nên duyên và kết hôn ở xứ người.
Yêu nhau từ năm 1983, đến năm 1987, bố mẹ quyết định tổ chức lễ cưới. Nói là kết hôn nhưng hành trình chuẩn bị dài dòng vô cùng. Bố mẹ đều ở Nga, rục rịch chuẩn bị cho việc kết hôn phải đến nửa năm.
Ngày đó, muốn gửi giấy tờ về Việt Nam phải mất cả tháng trời, sau đó người nhà tại Việt Nam gửi tiếp qua lại mất thêm 1 tháng nữ. Nguyên khoản thủ tục đã chiếm thời gian mấy tháng. Bố mẹ đến Lãnh sự quán Việt Nam tại Nga để đăng ký kết hôn.
Hôm tổ chức cũng chẳng xem ngày xem giờ như ở Việt Nam. Vào một hôm đẹp trời, đúng dịp cuối tuần, ai nấy đều được nghỉ vậy là bố bảo mẹ: “Hay là mình cưới nhau đi”. Vậy là cưới!
Đám cưới với chiếc váy cô dâu đi mượn
Những năm 1980, điều kiện cũng chẳng dư dả, may mà mẹ ở Nga nên cũng có cơ hội cập nhật xu hướng cưới xin. Mẹ mượn được chiếc váy cưới tuyệt đẹp trong ngày lên xe hoa. Phải cái chiếc váy đó có đến mấy cô dâu sẽ mặc chung nên ai cũng giữ gìn, nâng niu lắm.
Không có người trang điểm, mẹ tự makeup, làm tóc cho mình để rạng rỡ hơn vào ngày cưới.
Cùng hôm đó, tại Việt Nam ông nội lặn lội bắt xe khách từ Hải Phòng về Quảng Ninh để xin dâu. Những ngày đó vất vả, hành trình ấy phải mất cả ngày chứ không hề ít.
Ông chẳng biết gì về con dâu hay gia đình thông gia. Trên tay ông chỉ có duy nhất tấm ảnh chụp bố mẹ và địa chỉ nhà mẹ. Ông đi như thế, đến nhà ông bà ngoại “quyết cưới vợ cho con trai”. Khó khăn vất vả là vậy mà cuối cùng cũng xong xuôi. Hai con tuy ở xa nhưng tại nhà vẫn có đủ mâm cơm hai họ ra mắt.
May mắn cho bố mẹ vào những tháng ngày đó có lẽ là việc cưới ở Nga nên có rất nhiều ảnh chụp lưu giữ kỷ niệm. Cả tấm thiệp mời bằng tiếng Nga bố mẹ cũng còn giữ lại.
Ảnh cưới của bố mẹ hiện được cất cẩn thận vào một quyển album. Dưới mỗi bức hình, bố ghi nắn nót ngày cưới, những sự kiện diễn ra vào hôm đó. Nó như một món quà quý giá, chứng nhân cho tình yêu và ngày trọng đại của bố mẹ.
Cưới nhau xong xuôi, bố mẹ chỉ có một thời gian ngắn nếm trải mật ngọt tân hôn. Đến đầu năm 1988, mẹ phải về nước trước, để lại bố ở Nga vì vẫn còn 2 năm nữa mới xong xuôi công việc.
Về Việt Nam, mẹ tới luôn nhà chồng tại Hải Phòng để ở vì dù sao cũng đã là con cái trong nhà. Bố mẹ như yêu xa, họ gửi nỗi nhớ qua những lá thư và hẹn ngày gặp lại.
Cuối năm 1989, bố tôi về nước đoàn tụ với vợ. 1 năm sau, tôi ra đời trong niềm hân hoan của bố mẹ. Cuộc sống của một nhà 3 người hạnh phúc, rộn rã tiếng cười.
9 năm sau, bố quay lại Nga làm việc. Cũng chính vì điều này mà mẹ bắt đầu tìm đến với Internet, tìm cách liên hệ với chồng mình ở đất nước Nga xa xôi.
Vào những năm đầu thập niên 2000, mẹ thường đưa tôi ra quán Internet, nhờ lập tài khoản Yahoo rồi trò chuyện với bố. Ngày đó, mẹ đâu biết gì, nhờ người ta lập tài khoản rồi cũng nhờ gõ phím hộ. Gõ mãi cũng ngại ngần, vả lại có nhiều vấn đề riêng tư không tiện tiết lộ, mẹ lọ mọ học lỏm rồi tự tay nhắn tin cho bố.
Vậy là trong khung cảnh quán Internet toàn thanh niên “choai choai”, chỉ có mình mẹ ngồi một góc, nói chuyện với bố cả tối.
Có lần, mẹ dắt tôi đi mua quần áo mới. Hai mẹ con mua xong rồi diện luôn lên người và ra quán Internet để được gặp bố. Hồi đó, các quán bắt đầu có webcam, vậy là lần lượt mẹ con xúng xính trước camera để bố ngắm. Cứ như vậy cho đến năm tôi học cấp 3 thì bố về nước luôn.
Được kề vai sát cánh từng ngày, tình cảm của bố mẹ lại càng mặn nồng. Họ chẳng mấy khi nói những lời đường mật nhưng từng hành động, cử chỉ, sự chăm sóc cũng biết bố mẹ yêu thương nhau ra sao.
Bố mẹ rất giản dị. Ngày sinh nhật mẹ, bố toàn mua chè, cháo, sữa chua rồi ăn với nhau. Vừa ăn vừa tâm tình chuyện cũ chứ chẳng có hoa tươi, nến hay bánh sinh nhật. Bố bảo rằng cứ đơn giản thế cho ấm bụng.
Hai bố mẹ đều thích chăm chó mèo, thích trồng cây, chăm sóc hoa tươi. Những sự đồng điệu trong tâm hồn này có lẽ là cách thức khiến tình cảm hai bên luôn bền chặt đáng quý.
Bây giờ, nhiều lúc bố mẹ vẫn nhắc lại chuyện ở Nga, chuyện về một ngày Chủ nhật rảnh rỗi rồi họ nên duyên vợ chồng. Bố và mẹ vẫn thường trêu chọc con gái: “Chậm tí nữa có khi cô được sinh ra ở Nga rồi cũng nên đấy”.
Đôi khi, nhân duyên mới là thứ kỳ lạ nhất. Nó gắn kết hai con người đến gần nhau dù ban đầu chẳng có một mối liên hệ nào cả!
Ca Ca