(Tổ Quốc) - Tình yêu của Ngô Tam Quế dành cho Trần Viên Viên cuối cùng lại chính là thứ đè nặng nhất lên cuộc đời của người kỹ nữ tài sắc nhưng bạc phận.
Trong xã hội xưa, một người phụ nữ đẹp, tài sắc vẹn toàn sẽ là niềm mong mỏi của không ít đàn ông. Tuy nhiên, nếu như "lọt vào mắt xanh" của tất cả những người quyền lực thì có lẽ, số phận của họ sẽ rất "thảm". Trần Viên Viên chịu tiếng oan một đời chỉ vì bản thân xinh đẹp, giỏi giang và vì chính nàng, một cuộc chiến đã nổ ra.
Bị bán vào kỹ viện vì người dì ruột tham lam và hành trình khiến Hoàng đế mê đắm
Có lẽ, hiếm có cuộc đời mỹ nhân nào bi đát như Trần Viên Viên. Nàng sinh ra ở một gia đình lao động nghèo tại Giang Tô, Trung Quốc vào thời mạt Minh - Thanh sơ. Mẹ mất sớm vì bệnh tật. Cha vốn là người buôn bán nhỏ nhưng do nghèo đói nên bỏ đi xa, để lại người con gái duy nhất cho em vợ nuôi. Họ Trần của nàng cũng là theo họ của chồng người dì này.
Viên Viên sở hữu nhan sắc tuyệt đẹp và rất thông minh. Người dì này đã mời thầy về dạy nàng ca hát cùng vũ điệu và đánh đàn. Khi lớn lên, người dì nhẫn tâm bán nàng vào kỹ viện nổi tiếng nhất Giang Tô vì một món tiền lớn.
Viên Viên trở thành kỹ nữ nhưng nhất quyết chỉ bản nghệ, không bán thân. Sau vài lần xuất hiện biểu diễn, tiếng tăm của nàng nổi danh khắp nơi.
"Kỹ nữ này sở hữu một sức hút khó cưỡng từ đôi môi căng mọng. Mỗi khi nhìn ai, người đối diện cũng đều phải luống cuống khi lỡ sa vào cặp mắt đẹp mê hồn của nàng. Mái tóc của Viên Viên dài óng và mượt mà như nước hồ thu. Làn da trắng ngần như sứ, thân hình mảnh mai và mỏng manh như thủy tinh", một ghi chép về Viên Viên được lưu lại đã viết như vậy. Nàng cũng được mệnh danh là "Giang Tô đệ nhất kỹ nữ".
Từ quan lại cho đến những gia đình giàu có trong vùng đều mê mẩn nàng. Viên Viên cũng là người có cốt cách, dù là kỹ nữ nhưng rất kiêu ngạo và chẳng phải ai cũng muốn tiếp. Tuy nhiên, dù hạn chế xuất hiện nhưng danh tiếng của nàng vẫn vang xa, bay đến triều đình.
Ấy vậy nhưng, vì sự nổi tiếng đó mà Viên Viên gặp biết bao bi kịch của cuộc đời. Số phận nàng gắn liền với ba người đàn ông quyền lực nhất thời điểm ấy là Sùng Minh Hoàng đế - vị vua cuối cùng nhà Minh, Sấm Vương Lý Tự Thành và Bình Tây Vương Ngô Tam Quế.
Có thể nói rằng, Trần Viên Viên không được tự do với chính tình yêu của mình. Chỉ có điều những người đàn ông vây quanh lại luôn say sưa, mê đắm vì nàng.
Thời vua Sùng Trinh, xã hội bắt đầu loạn lạc. Giặc nổi lên khắp nơi, thái giám, hoạn quan lộng hành triều chính. Vua chỉ đam mê tửu sắc và hoan lạc suốt ngày đêm với Điền Quý phi nổi tiếng xinh đẹp.
Chu Hoàng hậu ghen tức và gọi những tay chân vào Đông cung bàn bạc. Cha của Chu Hoàng hậu là Chu Khuê Quốc đã đến kỹ viện lớn nhất Tô Châu, bỏ ngàn vàng mua Viên Viên để đưa vào cung. Mục đích ban đầu của họ là cô kỹ nữ này phải nghe theo sự sắp đặt, sớm "truất ngôi" Điền Quý Phi.
Ai ngờ đâu, Hoàng đế mê đắm Viên Viên quá mức. Cả ngày chỉ quấn quýt, yêu đương không rời. Sợ quan lại dị nghị, Sùng Trinh nghe theo lời Hoàng hậu cho Viên Viên lánh tạm ở nhà Quốc trượng Chu Khuê Quốc để chờ thời cơ gọi nàng quay về.
Tìm thấy tình yêu thực sự nhưng lại là bi kịch lớn nhất đời
Sống ở Chu phủ một thời gian thì Viên Viên gặp Ngô Tam Quế - võ tướng dũng mãnh được cử đi trấn thủ Sơn Hải quan. Khi ấy, chỉ vì một điệu nhảy mà Tam Quế đã thẫn thờ vì Viên Viên. Cô kỹ nữ xinh đẹp cũng rung động trước khí chất anh hùng, sự mạnh mẽ của người đàn ông đó. Cả hai nhanh chóng phải lòng nhau.
Được biết, Ngô Tam Quế đã gửi tặng Trần Viên Viên một chiếc vòng tay bằng ngọc được cho là thứ tốt nhất trong kho báu quốc gia Miến Điện thời điểm ấy. Ước tính hiện tại, giá trị của nó rơi vào khoảng 10 tỷ NDT.
Khi nhận, nàng kỹ nữ đã bật khóc vì hạnh phúc. Dù trước đó, nàng nhận được không ít quà cáp từ Hoàng đế hay quan lại, nhà giàu nhưng đây vẫn là thứ trân quý và có ý nghĩa nhất. Khi được hỏi tại sao khóc, Viên Viên trả lời: "Ngọc chính là độc nhất, không thể tìm thấy thứ giống nó được. Chàng ấy không bận tâm đến gốc gác, quá khứ của tôi. Từ khi tôi nhận chiếc vòng này, chỉ có chàng là người duy nhất trong trái tim tôi".
Sùng Trinh dù không muốn nhưng phải ban Viên Viên cho Ngô Tam Quế vì võ tướng ấy vô cùng quan trọng với triều đình. Anh hùng - mỹ nhân được tác hợp, họ nhanh chóng yêu đương cuồng nhiệt. Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên Viên Viên được biết thế nào là tình yêu đích thực, được nũng nịu, nghĩ đến chuyện sinh con, đẻ cái cho phu quân.
Tuy nhiên, vài ngày sau, Ngô Tam Quế được lệnh về quan ải, chuẩn bị chống giặc ngoại xâm, để lại Viên Viên trong kinh thành.
Chẳng bao lâu sau, Lý Tự Thành vào chiếm kinh thành, lên ngôi Hoàng đế. Nghe tiếng Trần Viên Viên, hắn đã chiếm đoạt rồi đưa vào cung hầu hạ.
Biết tin kinh thành bị chiếm, Ngô Tam Quế quay về cứu. Dọc đường ông biết vợ đã bị chiếm đoạt nên nổi giận lôi đình, xin hợp với quân Đa Nhĩ Cổn tiến đánh kinh thành.
"Một người đàn ông chân chính không thể giữ phụ nữ của mình thì chẳng làm được gì hết", Ngô Tam Quế đã nói như vậy.
Lý Tự Thành hoảng sợ, bắt cả nhà Ngô Tam Quế để uy hiếp. Trong số những người đang bị bắt, không thấy Viên Viên nên Tam Quế quát hỏi lại. Ngay lập tức, Lý Tự Thành cho người chém đầu toàn gia họ Ngô. Ngô Tam Quế chứng kiến, chết lặng rồi ngã ra bất tỉnh.
Cuộc nội chiến đẫm máu, kéo dài và khiến nhiều binh lính, dân thường thương vong. Trần Viên Viên cuối cùng trở thành cái bia cho người đời trút giận. Nàng bị cho là "hồng nhan họa thủy".
Tình yêu của Ngô Tam Quế dành cho Trần Viên Viên cuối cùng lại chính là thứ đè nặng nhất lên cuộc đời của người kỹ nữ tài sắc nhưng bạc phận. Cuối cùng, Trần Viên Viên cũng chẳng có được cái kết đẹp. Nàng đã xuống tóc, đi tu rồi qua đời trong bình lặng.
Cuộc đời Trần Viên Viên không thể rực rỡ như nhan sắc của nàng vốn có. Viên Viên chẳng phải không biết yêu ai nhưng tình yêu lại mang đến cho nàng bi kịch lớn nhất đời. Trong trường hợp này, tình yêu đúng là gánh nặng để cuối cùng, nàng kỹ nữ ấy phải chịu tiếng oan đến tận mai sau.
Nguồn: Kknews, Sohu
An Thanh