(Tổ Quốc) - Vì tính chất công việc, chị Linh và nhiều đồng nghiệp khác phải tạm gác lại niềm vui của bản thân, gia đình âm thầm lặng lẽ cứu chữa, giành giật sự sống cho người bệnh.
Đó là câu chuyện của nữ điều dưỡng Đỗ Mỹ Linh (28 tuổi), tại Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và điều dưỡng Lê Thị Dung (26 tuổi), làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
"Chân ướt chân ráo" về nhà chồng đã vội vã đi chống dịch
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội, khi các y bác sĩ vẫn ngày ngày căng mình điều trị cho những người bệnh rất nặng, nguy kịch thì đồng nghĩa với việc họ phải tạm gác lại thời gian dành cho gia đình của mình.
Công tác tại Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đến nay đã hơn 4 năm, nữ điều dưỡng Đỗ Mỹ Linh (28 tuổi, quê Nghệ An) hầu như chưa có cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số bệnh nhân nặng tăng mạnh chị Linh cùng đồng nghiệp đã dành hết tâm trí cho cuộc chạy đua giành sự sống cho các bệnh nhân đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Vừa tiến hành kiểm tra truyền thuốc cho bệnh nhân ở giường bệnh này xong, nữ điều dưỡng lại vội đi sang giường bệnh bên cạnh kiểm tra huyết áp của bệnh nhân tăng bất thường… Tiếp đó, chị lại sang giường bên cạnh để vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân.
"Các bệnh nhân nằm phòng bệnh đặc biệt nên không có người thân bên cạnh. Các nữ điều dưỡng ngoài làm công tác chuyên môn chữa bệnh còn kiêm nhiệm vụ vệ sinh cá nhân, chăm lo sức khoẻ, tinh thần cho các bệnh nhân.
Tôi cùng đồng nghiệp trực tiếp theo dõi điều trị cho buồng bệnh khoảng 9 bệnh nhân. Trong số này có bệnh nhân lọc máu, bệnh nhân điều trị ECMO, thở máy. Việc chăm sóc toàn diện, vệ sinh cá nhân, tắm rửa cho bệnh nhân, không có người nhà nên công việc nào chúng tôi cũng đảm nhiệm", chị Linh chia sẻ.
Theo chị Linh, các giường bệnh tại đây gần như lúc nào cũng kín bệnh nhân rất nặng và nguy kịch, dù có vất vả nhưng vì người bệnh các y, bác sĩ tại đây luôn cố gắng hết sức mình.
Nhắc về gia đình, chị Linh kể, chị mới vừa chân ướt chân ráo về nhà chồng cách đây hơn 1 tháng. Thời điểm đó dù công việc rất bận nhưng chuyện trọng đại cả đời nên chị xin đơn vị nghỉ phép vài ngày. Cưới xong chị cũng không "thưởng" cho mình chút thời gian nghỉ tuần trăng mật, ở bên chồng nhiều mà vội quay trở lại công việc của mình.
"Cái Tết vừa rồi là lần đầu tiên về làm dâu tuy nhiên thời gian ấy dịch vẫn căng thẳng, mình và mọi người phải ở lại trực xuyên Tết. Lúc như vậy có chút buồn, áy náy với gia đình. Có gia đình riêng nhưng mình không về chuẩn bị được gì cho cả nhà.
Tuy nhiên, gạt đi chút thoáng buồn đó qua một bên, giờ chúng tôi phải tập trung cố gắng hết sức cho bệnh nhân nhanh hồi phục, hết dịch Covid-19 để có thể được đi đi về về không phải ở cả tháng ở bệnh viện.
Cũng may bố mẹ chồng và chồng cũng hiểu công việc mình đang làm nên tôi cũng đỡ áp lực một phần. Tôi cũng chia sẻ với mẹ chồng về làm dâu năm đầu tiên nhưng vì hoàn cảnh công việc trong cuộc chiến chống dịch bệnh nên cả gia đình đều hiểu, thông cảm cho mình", chị Linh tâm sự.
Có những lúc do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh nhân nhập viện đông nên dù mệt nhoài và hết ca trực nhưng các bác sĩ, điều dưỡng tại đây chỉ tranh thủ nghỉ ngơi một lát sau đó tiếp tục công việc của mình.
"Sau mỗi ca làm việc chúng tôi nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục ca tiếp theo. Mọi người cũng thường xuyên chia sẻ, động viên nhau. Tại bệnh viện đều là những ca nặng, nguy kịch, điều khiến tôi và các bác sĩ vui đó là giây phút thấy bệnh nhân tỉnh, nói chuyện được với người nhà.
Chỉ cố gắng làm việc hy vọng rằng gia đình, với mọi người đều khoẻ mạnh. Lúc đó tôi mới thấy sức khoẻ là điều vô cùng quan trọng", chị Nhung nói.
Đếm ngược ngày được trở về nhà để ôm con vào lòng
Nhìn lại chặng đường đã qua khi làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội, điều dưỡng Lê Thị Dung (SN 1996, quê Thanh Hóa) càng thêm yêu công việc gắn với những ca bệnh, với chiếc áo blouse trắng mà mình đã chọn.
Đến bây giờ, khi cùng chiến đấu với bệnh nhân Covid-19, chị Dung nói vui rằng "nghề chọn mình rồi".
Vừa kết thúc ca trực dài đằng đẵng, chị Dung nhận thông báo được trở về cùng gia đình. Chẳng còn thấy mệt mỏi, chị Dung đếm ngược từng ngày để được trở về ôm con trai 14 tháng tuổi vào lòng.
Nhưng chỉ vài giờ sau sinh nhật con, chị lại rơi nước mắt hôn trộm con mà lẳng lặng "lên đường".
Tiếp nhận đợt trực dài ngày, chị Dung được phân công chăm sóc bé sơ sinh có mẹ là bệnh nhân Covid-19. Nhìn những em bé mình chăm sóc, chị không khỏi nhớ về cậu con trai bé bỏng của mình.
"1 tuổi đó nhưng con vẫn dùng sữa mẹ hoàn toàn. Ngày hôm trước sinh nhật vui vẻ, vẫn được ti sữa say sưa thì ngày hôm sau, phải dứt sữa luôn. Con dứt sữa rất vất vả cho bà ngoại, nhưng công việc mà, không thể cưỡng cầu được", chị Dung xúc động.
Theo chị Dung, một đợt trực của BV Bệnh nhiệt đới TƯ thường kéo dài hơn 8 tuần. Tuy nhiên, với những y, bác sĩ đang có con nhỏ thì bệnh viện tạo điều kiện cho trực khoảng 2 tháng thì được trở về với con khoảng 7-9 ngày.
"Mình rất là nhớ con. Vào đây rồi, lịch làm việc của tôi rất kín, rất dài, thường kéo dài đến hơn 21h đêm mới tạm xong việc.
Đêm về tranh thủ gọi thì cũng chỉ được nhìn con ngủ, mỗi khi nghe tiếng nói của mẹ qua "facetime", con òa khóc và chìa đôi tay nhỏ bé "đòi mẹ" lúc đấy mình rơi nước mắt, thương con nhưng đành bất lực", chị Dung nghẹn ngào.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam chị Dung gửi lời cảm ơn và chia sẻ với các đồng nghiệp rất vất vả, bận rộn trong suốt thời gian dài chiến đấu với dịch Covid-19. Không chỉ riêng chị Dung mà còn rất nhiều người khác, họ đã hy sinh tình cảm riêng để tham gia công việc, chăm sóc các bệnh nhân F0 trong suốt gần 3 năm qua, họ xứng đáng nhận được những lời chúc tốt đẹp nhất.
Gia Đoàn