(Tổ Quốc) - Giữa trưa nắng oi ả, cô Nhung và 2 người phụ nữ khác cùng xã mang miếng bạt nhỏ trải xuống dưới gầm cầu đi bộ làm nơi ngả lưng tạm. Hơn 1 năm qua, bao trăn trở cơm áo gạo tiền cứ thế vây lấy những người phụ nữ chân yếu tay mềm này.
Giữa trưa, trong khi nhiều người ở yên trong phòng với chiếc điều hòa thì ngoài kia, vẫn luôn có những người phụ nữ như cô Nhung. Ở quê không có công ăn việc làm, hai vợ chồng cô Nhung trông vào mấy sào ruộng. Được mùa thì cũng đủ ăn là mừng, chuyện lo cho con cái ăn học vất vả vô cùng. "Cứ thế này thì chết" - cái suy nghĩ bật thành tiếng trong đầu người phụ nữ.
Không có nhiều lựa chọn, cô Nhung đành tìm cách ra Hà Nội kiếm ăn. Ban đầu cũng chỉ xác định là giải pháp tạm thời lúc ảnh hưởng dịch bệnh, giờ đây sau một năm, cô cùng những người bạn khác chỉ muốn bám trụ bằng được ở đây. Chẳng sung sướng gì, nhưng "còn bao thứ phải lo", ít ra ở đây cũng có việc kiếm ra tiền.
"Lên phố kiếm tiền vẫn hơn"
Bắt đầu công việc cắt, thu dọn cỏ từ 6h sáng, nên mỗi ngày cô Nhung cùng hai người phụ nữ trong xã phải dậy từ rất sớm lo cơm nước bữa sáng cho cả gia đình vừa để lại một phần mang đi làm bữa trưa. Cứ thế mỗi ngày, người phụ nữ này chạy xe hơn 40km từ Chương Mỹ lên Hà Nội làm việc.
Theo lời cô Nhung chia sẻ, hơn một năm qua khi dịch bệnh xuất hiện những người phụ nữ như cô ở quê dù làm đủ thứ nghề nhưng vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống. Bất đắc dĩ, cô mới tìm lên trên Hà Nội để kiếm một công việc mưu sinh.
"Ở quê không làm gì chỉ trông vào mấy sào ruộng thì cả nhà không đủ sống chứ nói gì đến chuyện lo cho các em ăn học. Khó khăn nên tôi bảo chồng thôi thì một người ở nhà trông nhà với trông các con ăn học, một người đi làm. Thế rồi hơn 1 năm qua tôi lên trên này đi làm.
Thời gian đầu ai thuê gì làm nấy, cứ sáng đi tối về. Buổi sáng dậy sớm cơm nước cho cả nhà xong thì chuẩn bị đồ đạc với hộp cơm thế là đi. Phải mang cơm từ nhà đi vì trên này giờ dịch bệnh người ta không cho ngồi ăn tại quán nên tôi với mấy chị em nữa mang theo cơm từ nhà đi vừa rẻ vừa chủ động", cô Nhung chia sẻ.
Nhờ người quen, cô Nhung may mắn tìm được một công việc cố định là làm công nhân cắt cỏ. Công việc vất vả lại nay chỗ này, mai chỗ khác thế nhưng vì "bao nhiêu thứ phải lo" nên người phụ nữ này vẫn chấp nhận làm công việc này với hơn 6 triệu tiền lương.
"Nói là vất vả nhưng trên này vẫn dễ kiếm tiền hơn ở quê làm ruộng. Nhà hai vợ chồng với thêm 2 đứa con là bao nhiêu thứ phải lo. Cứ ở quê làm thì chẳng đủ ăn chứ nói gì đến lo cho chúng nó. Đợt trước đi làm thì người ta còn cho chỗ nghỉ trưa nhưng đợt này dịch nên không ai cho những người lao động như chúng tôi ở cả vì họ cũng sợ.
Nay làm chỗ này, mai ngày kia lại làm chỗ khác nên mấy chị em mang theo chiếc bạt nhỏ rồi bạ đâu kiếm chỗ mát trải tạm nghỉ tý buổi trưa cho đỡ nắng rồi chiều lại làm tiếp", cô Nhung chia sẻ.
Với cô Nhung, trong lúc dịch bệnh như thế này có một công việc ổn định như công việc của cô đã là điều may mắn. Dịch không có người thuê làm, nhiều người khác vẫn phải cố gắng bám trụ lại để mong chờ có người thuê làm một công việc gì đó có thể làm ra tiền.
"Chúng tôi làm công việc này ổn định nhưng đợt dịch này vẫn nhiều ngày phải ở nhà chứ nói gì những người ai thuê gì làm nấy. Dịch này vất vả với cũng nguy hiểm sức khỏe nhưng tiền lương vẫn có vậy, mình có việc làm ra tiền đã là mừng rồi.
Nhiều người dịch này còn đi làm giúp việc được chứ chúng tôi thì không ở lại được còn phải về lo cho gia đình ở nhà nữa", cô Nhung tâm sự.
"Dịch bệnh có sợ nhưng không sợ bằng thất nghiệp"
Không còn nằm trong độ tuổi lao động sung mãn nhất, những người phụ nữ trung niên chỉ còn biết mỗi làm những công việc lao động chân tay nặng nhọc bởi việc nhẹ không ai thuê làm nên hầu hết họ phải làm việc nặng nhọc, vất vả để có đồng ra đồng vào lo cho cuộc sống.
Những người trong độ tuổi trung niên lên Hà Nội kiếm việc làm luôn phải thích nghi với hoàn cảnh bởi họ "chỉ sợ không có việc làm".
Hơn 50 tuổi, nhưng bà Hoàng Thị Lực (trú tại thôn Trại Trung, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn là lao động kiếm tiền chính trong gia đình, khi người chồng của bà đau ốm không làm được việc gì bởi đôi mắt bị mờ.
Ở cái tuổi vốn dĩ được nghỉ ngơi, nhưng bà Lực vẫn ngày ngày đi đi về về mấy chục cây số để vừa lao động kiếm tiền vừa kịp về lo cơm nước, nhà cửa. Với bà Lực, lúc này có việc để làm, có thu nhập thì nặng nhọc mấy cũng phải cố gắng vì không còn lựa chọn nào tốt hơn.
"Nhà tôi con cái lớn cả, có đứa mới ra trường nên cũng chưa giúp gì được cho bố mẹ. Ngày ngày tôi vẫn cùng mấy chị em khác lên đây đi làm, ở nhà thì có chồng trông coi cho mình đi kiếm tiền. Vì chồng tôi hai mắt bị mờ lại hay đau ốm nên cứ phải sáng đi làm tối về nhà lo cơm nước.
Trước khi chưa có dịch thì cũng vay mượn cho con trai đi học tiếng Nhật. Đến khi gần đến ngày bay thì dịch lại bùng phát nên từ đó đến nay cứ phải đi làm để trang trải. 1 tháng tôi làm được hơn 6 triệu thì tiền thuốc của chồng hết 2 triệu rồi tiền lãi hơn 1 triệu đều như vắt tranh.
Hành trang của những người lao động chân tay như bà Lực đơn giản và gọn nhẹ.
Buổi sáng trước khi đi làm là cắm cơm để ăn ở nhà xong phần thì mang đi, phần thì cứ cắm để đó đến trưa chồng ở nhà chỉ việc lấy ăn chứ chồng tôi ở nhà không tự làm được mấy việc đó. Tối thì 6h mới xong việc về đến nhà lo cơm nước, lợn gà rồi mới ăn uống nghỉ ngơi", bà Lực chia sẻ.
Đi làm trong thời gian dịch bệnh, dù khó khăn vất vả nhưng với bà Lực thời điểm này có việc để làm ra tiền vẫn là điều may mắn. Bà Lực nói vui rằng: "Giờ thất nghiệp, không có việc làm thì mới lo, chứ dịch thì chẳng sợ".
Trong những lúc khó khăn do dịch Covid-19 như hiện nay, những người như bà Lực mong ước dịch mau chóng qua đi để họ không phải ở trong hoàn cảnh "có sức khỏe nhưng không có việc để làm", để cuộc sống của những người lao động như họ bớt khó khăn hơn.
Gia Đoàn