(Tổ Quốc) - Cuộc sống ở căn hộ chung cư bây giờ đã quá quen thuộc với các bạn trẻ hiện nay. Thế nhưng khi hỏi "ở chung cư sướng hay khổ?" thì phần đông chẳng ai dám gật đầu cái "rụp" mà chắc nịch khẳng định rằng "sướng như tiên"! Bởi muôn sự nhiêu khê vẫn còn chưa có nút gỡ.
Tích cóp bao nhiêu năm, bỏ ra cả tỉ đồng để sở hữu một căn hộ chung cư, có người chạy vạy vã mồ hôi mới đủ hồ sơ làm thủ tục vay gói 30.000 tỉ đồng với hy vọng "thoát được mặt đất" để sống ở chung cư cho tiện nghi, hiện đại. Thế nhưng, cuộc sống ở chung cư không phải màu hồng.
Từ nỗi lo cháy nổ, kẹt thang máy tới những tiếng ồn vô ý tứ của người hàng xóm kế bên hay đơn giản như chỗ để xe trong chiếc hầm chật chội đã khiến cho cuộc sống chung cư có lúc dở khóc - dở cười.
Bị sếp chửi vì mải... tìm xe
Chuyển về sinh sống ở một chung cư quận Hoàng Mai, Hà Nội đầu năm 2019 nhưng chưa đầy 1 năm, tôi đã trên 3 lần vô cùng bức xúc vì văn hóa để xe của các cư dân trong tòa.
Mặc dù hầm xe của tòa nhà khá rộng, được chia thành nhiều khu, phân theo từng loại xe, từng số tầng (ví dụ cư dân từ tầng 1- đến tầng 6 để ở dãy A, từ tầng 6 đến tầng 10 để dãy B...). Ưu tiên phụ nữ để chỗ gần cổng hầm. Thế nhưng vì tâm lý muốn chọn vị trí đẹp, thuận tiện nên nhiều người bất chấp để xe lung tung, sai chỗ.
Xe tôi được bố trí chỗ gần cổng hầm mỗi sáng đi làm, vậy mà chuyện xe không cánh mà bay, xe bốc hơi di chuyển lung tung mỗi sáng luôn tiếp diễn. Một số người dắt xe tôi đi chỗ khác, thậm chí để hớ hênh giữa lối đi chỉ vì muốn xe mình có vị trí đẹp.
Dậy sớm đi làm nhưng nhiều khi tôi vẫn đến trễ vì mất thời gian tìm xe. Những lúc như vậy chỉ biết thở dài cho qua chuyện chứ kêu gào thì ai hay?
Như sáng nay, đang ngán ngẩm dắt xe ra chuẩn bị kéo ga để đến cơ quan dù biết chắc đã bị muộn quá 10 phút, đi toi cả trăm ngàn, nhưng liếc thấy bóng dáng chị hàng xóm đang thất thểu đi chợ về với bộ dạng khang khác, tôi chào chị cho phải phép:
- "Chị ạ, chị đi chợ muộn thế?".
- "Ừ em à, sao giờ mới đi làm".
- "Em tìm xe lâu quá, tối qua rõ ràng để ở hàng 2 mà giờ tìm mãi mới thấy chị ạ. Chán lắm, thôi chấp nhận bị trừ nửa ngày công chị ạ".
- "Chị cũng đang cám cảnh lắm đây, nghĩ mà vừa ức, lại vừa tức, cũng chỉ vì chỗ để xe này mà chị mất toi việc làm. Tuần trước rõ ràng để xe ở chỗ này, vậy mà sáng dậy nó "lạc trôi" mãi đâu đâu, tìm không ra phải nhờ bảo vệ check camera. Hôm đấy công ty có buổi họp quan trọng, chị tới muộn, lại đúng đợt cắt giảm nhân sự nên bị sếp chửi cho một trận, ông cho thôi việc luôn", chị hàng xóm ấm ức kể lại chuyện mất việc hồi giữa tháng 5 vừa rồi.
Chia sẻ với chị mấy câu rồi phải đi làm cho kịp, vì công việc đang ngổn ngang ở công ty mà lòng tôi cứ rối bời mãi.
Không chỉ tôi từng bức xúc vì văn hóa gửi xe nơi chung cư, mà rất nhiều người trong đó có cả chị hàng xóm nhà tôi từng báo cáo sự việc tới ban quản lý.
Thậm chí, chỉ cần lướt vài phút trong hội cư dân, sẽ hiện ra nhan nhản các bài đăng nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức chung trong khi gửi xe, nhưng đều không hiệu quả. Bỏ tiền tỷ mua nhà để được hưởng những tiện ích hơn hẳn nhà mặt đất nhưng nhiều người, trong đó có tôi, quá chán nản vì sự thật phũ phàng.
Sau những lần "kêu cứu" không thành, có người còn phải sắm thêm ổ khóa, cố định xe một chỗ. Khi cất xe, còn khóa luôn cổ xe cho "chắc ăn", báo hại xe phía trong chật vật mãi mới nhấc ra được.
Nghĩ tới nghĩ lui cũng chẳng biết làm thế nào, có đôi lần trong đầu tôi vụt lên ý định "hay là bán chung cư, tôi quay về mặt đất?", cảnh chung đụng, tìm xe hoài chẳng thấy mỗi sáng thế này, thật, còn khó chịu hơn cảnh... chung chồng.
Từ mũ bảo hiểm đến gương, thậm chí là IC cũng mất như cơm bữa
Xe "bốc hơi" lung tung đã đành, nhưng đó chưa phải là tất cả. Mỗi tháng, trung bình cư dân tòa chung cư nhà tôi đóng phí gửi xe máy là 80.000 đồng/tháng nhưng số tiền sắm sửa, trang bị cho xe có lẽ còn lớn hơn nhiều lần.
Có những vụ mất gương, mất mũ bảo hiểm, mất áo mưa hay thậm chí mất luôn cả yếm, IC xe máy khiến cư dân tòa nhà tôi đã cả chục lần náo loạn.
Bằng chứng là cứ thi thoảng, trong hội cư dân lại loạn cào cào lên bởi một số bài đăng "truy tìm danh tính kẻ... trộm áo mưa, mũ bảo hiểm...". Kết thúc cuộc tranh luận thì kẻ trộm chẳng tìm ra mà chỉ toàn lời mạt sát, chửi rủa cho hả cơn giận dữ.
Có lần thấy hàng xóm bức xúc vì xe bị lấy mất… IC, nào ngờ tuần sau chính xe tôi lại thành mục tiêu của bọn trộm cắp. Đến giờ làm, lấy xe ra nổ máy thì không đi được. Cứ tưởng có trục trặc gì thì hóa ra, IC của xe đã "không cánh mà bay" từ bao giờ.
Loay hoay mãi, tôi đành dắt xe lại rồi bắt xe ôm đi làm. Vậy là đã mấy lần đi muộn, mất nửa ngày công vì xử lý sự cố, sếp cũng đã đôi lần "nhắc khéo" rồi, chỉ thiếu chút nữa là cho mất việc luôn.
Để xe trong hầm, nộp phí đầy đủ thế thế mà tôi thấy không khác gì vứt xe ở vỉa hè!
Chưa kể, có sáng xuống tìm xe, trời đã mưa thì chớ, áo mưa thì mất, xe lại dính bẩn, chẳng hiểu những túi rác to đùng từ đâu "chễm chệ" trên xe khiến tôi như muốn phát điên.
Chưa kể lúc nào cũng nơm nớp lo có ngày cả chiếc xe cũng biến mất. Nhiều lần tôi đã khiếu nại với ban quản lý hay góp ý trong những buổi họp cư dân tòa nhà nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện.
Cú quá, tôi đành tìm chỗ gửi ngoài với giá cao gấp vài lần để ở hầm chung cư. Chẹp miệng nghĩ bụng, thôi thì đắt tí cũng được, còn hơn phải sống trong stress vì phải tìm xe mỗi sáng, chẳng may xe lại bị mất cắp thì tiền thay phụ tùng xe cũng gọi là quá tội!
Xe máy đã vậy, nhưng chỗ để ô tô cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Tòa nhà tôi đông, phần lớn nhiều gia đình kinh tế khá giả nên 50% có ô tô. Ấy thế mà riêng xe ô tô của cư dân nếu mua sau (tính đến đầu năm 2021) chưa bao giờ được vinh hạnh lăn bánh vào hầm và phải để vào các bãi cạnh đó bởi vì... hầm hết chỗ (?).
Đây cũng là lý do khiến gia đình tôi dù rất muốn mua một chiếc ô tô để che nắng che mưa đưa con nhỏ đi học nhưng cứ nấn ná mãi vì không có chỗ đậu xe. Mặc dù trước khi mua nhà, vợ chồng tôi cứ đinh ninh ở chung cư ắt hẳn có hầm để đỗ, muốn mua xe cứ việc góp tiền.
Nhưng nay đủ tiền lại không có chỗ để đỗ xe, giấc mơ "xế hộp" thôi thì... đành tạm gác lại!
Hàng xóm "đấu tố" nhau
Sau hàng loạt drama về việc để xe sai chỗ, để xe thiếu ý thức thì liên tục những bức ảnh chụp chỉ ra "sai phạm", đấu tố nhau loạn lên trong group cư dân xuất hiện, rồi thì là mà đủ thứ nhiễu nhương xoay quanh nó.
Khi thì có người "kêu cứu" vì bị mất trộm đồ ăn, khi lại kêu trời vì yếm xe máy "không cánh mà bay", nhưng có lẽ đồ vật bị phản ánh "cầm nhầm" nhiều nhất vẫn là áo mưa, mũ bảo hiểm, thậm chí là… gương chiếu hậu xe máy. Tuy tài sản không lớn nhưng gây rất nhiều ức chế cho những ai là nạn nhân.
Bằng chứng là cứ rất nhiều bài đăng liên tục xuất hiện trong group cư dân với giọng điệu rất bức xúc, đòi check camera nhưng "thủ phạm" mãi mãi cứ "bặt vô âm tín"!
Một chuyện khác cũng được "bóc phốt" trên diễn đàn này là vụ lấy sạc điện của người khác sạc cho xe điện của mình. Khổ chủ cho biết, khi sạc điện cho xe đạp điện được 30 phút thì đã có 1 người ở chung cư dứt sạc ra để cắm vào xe của họ.
Khi phát hiện ra sự việc, người này đã nhờ bảo vệ xem lại camera thì nhìn thấy chân tướng "thủ phạm". Mặc dù đã yêu cầu người lấy sạc trả lại và xin lỗi nhưng vẫn chẳng thấy gì. Khi "khổ chủ" xuống hỏi bảo vệ để tìm được số phòng, lên đối chất thì lại nhận được câu trả lời ráo hoảnh từ phụ huynh: "Con tôi chỉ mượn chứ không lấy trộm".
Ủa? Là sao? Quen biết gì đâu mà mượn? Mượn rồi thì hỏi ai? Nghe đến đây các bác có thấy tức không cơ chứ?
Sợ quá phải cho xe... đi thang máy lên tận căn hộ
Dù chung cư được bảo vệ nghiêm ngặt và có camera giám sát nhưng chẳng hiểu sao vẫn xảy ra tình trạng mất cắp và khi đó, bảo vệ lại đổ lỗi cho... góc khuất camera.
Hoặc đôi khi vì mất một số đồ nhỏ nhỏ nên cư dân thường tặc lưỡi bỏ qua nhưng vẫn giữ ấm ức ở trong lòng.
- "Có một sáng xuống hầm lấy xe đi làm thì xe máy của chị bị tháo mất yếm. Lúc đó chị đã hỏi bảo vệ nhưng nhận được câu trả lời là không biết. Cũng do xe của chị nằm ở góc khuất của camera nên không tìm được kẻ trộm. Nghĩ nó chán", chị tầng dưới nhà tôi thở dài than thở.
- "Mất cắp ở tầng hầm chủ yếu là mất mũ bảo hiểm, mất gương xe, mất áo mưa, đều là những thứ nhỏ nên cũng không ai kiện tụng mà cũng chẳng biết tìm ai mà kiện, chỉ có thể nhắc bảo vệ chú ý thôi. Xe chị toàn gập cất trong cốp cho an toàn, chứ chủ quan để ở ngoài lúc cần không thấy đâu, bực bực là...", một người khác tiếp lời.
Chính vì ám ảnh cái cảnh mất trộm đồ, cảnh tìm xe chật vật mỗi sáng, có cư dân còn nghĩ ra giải pháp... bê hẳn xe máy lên căn hộ để... cất cho an toàn.
Đang đứng chờ thang máy đi lên, tôi bỗng giật mình vì chiếc xe máy được dắt lù lù đi cạnh người đàn ông tiến về phía mình.
Thấy ánh mắt ngạc nhiên tột độ của tôi, người đàn ông cười xòa: "Anh phải dắt nó lên em ạ, để dưới hầm chung cư anh sợ không an toàn, ở đây cũng chẳng ai thống nhất giải pháp đền bù cho mình. Hàng xóm nhà anh mất 1 chiếc rồi. Thôi cứ ăn chắc cái đã em ạ".
Nói rồi, người đàn ông xin phép tôi đứng dịch lại để dắt chiếc xe máy vào trong, ấn tầng 17.
Trong thang máy, anh còn vui miệng kể: "Em ạ, cứ phải cẩn thận là trên hết, dắt lên thế này anh còn chưa thấy yên tâm đâu. Có lần nhà anh còn được "quăng" cho vài tờ quảng cáo vào nhà. Chả hiểu tại sao bảo vệ có thể để họ đi lên từng tầng được. Ban quản lý cũng không giám sát việc này?
Nhiều lúc 10h, 11h đêm anh vẫn nhận được những tờ quảng cáo. Còn có cả người tới nhấn chuông cửa mời ăn Pizza, mỳ Ý (?). Nhiều khi người trong cùng tòa nhà thì không nói làm gì nhưng người ngoài chung cư thì sao?! May mà anh ở nhà chứ rủi người xấu trà trộn vào thì không biết có những chuyện gì sẽ xảy ra đâu em ạ".
Nói rồi anh chào tôi để bước về tầng của mình.
Cuối cùng, vì không chịu được cảnh bất tiện này, ban quản lý cùng ban quản trị cư dân đã thống nhất họp bàn, lắp thêm hệ thống camera và đặt nhiệm vụ trông giữ xe hàng đầu lên cho bảo vệ.
Nếu chẳng may xảy ra mất cắp, thì bảo vệ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đồng thời, bảo vệ cũng sẽ là người sắp xếp và nhắc nhở cư dân không được để xe vô tổ chức, kèm theo ghi tấm biển thật to, thật rõ với nội dung mọi người tự ý thức bảo vệ tư trang, tài sản cá nhân: Áo mưa kẹp nách, mũ bảo hiểm cho vào cốp xe...
Chẳng biết hiệu quả ra sao, nhưng tôi để ý, từ khi lắp thêm hệ thống "mắt thần", tình trạng la oai oái vì trộm vặt cũng giảm đi trông thấy. Chưa kể, mấy anh bảo vệ bây giờ cũng vất vả hơn, chẳng còn thấy cảnh các anh ngồi rung đùi, chơi game hay lướt mạng chả kịp ngước mắt lên nhìn mặt cư dân vào, ra như trước nữa!
Tóm lại là:
Sống ở chung cư, hầu hết là dân công chức, sáng đi sớm, tối về mở cửa vào nhà là đóng lại ngay, nhìn chung là ít giao du hàng xóm. Thế nhưng không phải là không có những xung đột dữ dội. Đáng tiếc là xung đột dữ dội ấy cũng lại bắt nguồn từ những chuyện cực kì nhỏ bé, ví dụ như câu chuyện hầm để xe.
Dẫu biết ngày nay, "đất chật người đông", chung cư "mọc lên như nấm". Tuy nhiên, bỏ tiền tỷ ra để mong muốn có một không gian sống hợp lý nhưng thực tế cho thấy, không ít người phải "dở khóc, dở cười" vì ám ảnh bởi những nỗi khổ xuất phát từ văn hóa, cách cư xử của một bộ phận cư dân ở chung cư.
Thế nhưng tại sao, cũng việc ở căn hộ chung cư, người bảo sướng, kẻ lại than khổ? Thật ra, người cũng sẽ có người này người kia, chỗ ở cũng sẽ có chỗ ở thế này, chỗ ở thế kia. Môi trường nào cũng vậy, dù là chung cư hay là nhà phố. "Sướng hay khổ" đều là do ý thức của chúng ta quyết định, vì suy cho cùng khi mình mất tiền mua căn hộ thì vốn đã là một cái khổ, đừng rước thêm khổ vào mình.
Dù gì đi nữa, hãy luôn biết vì cái chung, sống có ý thức thì tự giác văn hóa cũng đi lên, để chẳng ai còn phải thốt lên ở chung cư khổ quá, vì "đi không đặng mà ở cũng chẳng xong"!
Minh Khôi