(Tổ Quốc) - Nhanh nhanh cập nhật ngay những kinh nghiệm làm đất trồng rau nói chung và trên sân thượng nói riêng, chị em nhà phố đảm bảo luôn có rau sạch cho cả gia đình.
Nhiều nhà phố vốn sở hữu khoảng sân thượng rộng thường chưa sử dụng hiệu quả. Nhiều chị em cũng có cùng thắc mắc chung là làm cách nào khai thác được khoảng diện tích rộng rãi này vào mục đích tăng gia sản xuất để mang tới những sản phẩm lương thực sạch cho cả gia đình.
Hoặc nhiều trường hợp cũng đã biết sử dụng hợp lý làm khu vực trồng rau, làm vườn nhưng chỉ sau 2-3 vụ là đất đã bạc màu, cần thay thế bằng đất mới. Việc thiếu hiểu biết trong kinh nghiệm làm đất trồng rau khiến nhiều gia đình muốn sở hữu rau sạch từ đất nhà lại phải tốn kém.
Muốn sở hữu những vườn rau xanh tươi mát trên sân thượng là cả niềm ao ước của những ai đang sở hữu nhà phố.
Theo kinh nghiệm của anh Phan Minh, người làm trong lĩnh vực nhà vườn đã nhiều năm tại Hà Nội cho biết, trồng rau tại nhà phố không khó. Tuy nhiên, chị em cần khéo léo trong cách sử dụng đất để giữ các vi sinh vật sống được phát triển.
Nếu biết cách làm với điều kiện ban công, sân thượng chị em sẽ không phải thay đất định kỳ hàng năm. Thay vào đó chỉ cần bổ sung tối thiểu những thứ mà đất mất đi theo năm tháng. Như vậy không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà giảm thiểu vấn đề về môi trường.
Một vài kinh nghiệm hữu ích mà chị chia sẻ dưới đây biết đâu có thể giúp cho chị em đang sở hữu một khoảng sân vườn rộng có thể áp dụng tại nhà ngay lập tức.
"Với mình người nào mà trồng cây trong chậu mà tới được khi đất bạc màu thì đã là thành công một nửa. Phần lớn, cây sẽ chết trước khi có cơ hội làm bạc màu đất. Lý do phổ biến là do chị em lấy nguyên đất tự nhiên, đất phù sa cho vào chậu để trồng cây mà không trộn thêm thành phần làm rỗng và thoáng đất. Đất tự nhiên, phù sa khi cho vào trong chậu tưới sẽ bị nén chặt xuống theo thời gian khiến rễ cây bó chặt, không lấy đủ oxy và nước nên ngưng phát triển và chết.
Với trường hợp này các bạn buộc phải nhấc cây ra và làm lại đất bằng cách trộn đất tự nhiên phù sa với mùn và các vật liệu làm rỗng đất. Bạn có thể làm rỗng dưới đáy và làm rỗng trong đất với cá loại đá như Perlite hay Vermiculite hoặc sỏi nhẹ Keramzit", anh Phan Minh cho biết.
Sau khi đã có đất trộn phù hợp về độ thoáng như trên, để đất không bạc màu hoặc đã bạc màu thì chị em cần áp dụng cách để bù trả lại dinh dưỡng cho đất mà cây trồng lấy đi.
Cách thứ nhất:
Với chậu cây lớn, trải một lớp phân hữu cơ trên bề mặt (xa gốc cây) rồi phủ một lớp giá thể xơ dừa hoặc trải một lớp phân compost.
Để sạch hơn thì trải một lớp đất vi sinh mỏng trên mặt hoặc phủ một lớp sỏi nhẹ. Phần phân bón có nguồn gốc hữu cơ và mùn sẽ phân hủy từ từ theo thời gian và bổ sung vào đất. Với đất đã bạc màu thì tỷ lệ phân nhiều hơn chút, phân hữu cơ tốt thì nên ở dạng lỏng hoặc nghiền nhỏ.
Với chậu cây nhỏ thì bón phân hữu cơ dạng lỏng, hoặc thay sang cây chậu lớn hơn với đất trộn mới.
Cách thứ hai:
Bổ sung thêm trung, vi lượng. Thường đất trồng trong chậu lâu ngày sẽ thiếu vi lượng. Vi lượng không chỉ tham gia quá trình chuyển hóa của cây mà nó còn góp phần kích thích các vi sinh vật trong việc cải tạo đất lâu dài.
Bạn nên áp dụng cả hai cách này định kỳ vào mỗi tháng sẽ giúp đất cân bằng và cây trồng luôn luôn khỏe mạnh.
Quá trình bổ sung cơ bản không nhiều nhưng theo thời gian thì đất cũng đầy hoặc đất từ những chậu nhỏ cũ thải ra thì nên gom vào một thùng trộn với phân trùn, vỏ củ quả, lá cây mùn dừa đậy nắp lại. Đến mùa sau sẽ phân hủy thành dạng compost để lại áp dụng theo cách thứ nhất.
Nếu khi mở thùng ra thấy ướt quá thì chị em có thể cho thêm mùn dừa, lá cây khô hoặc bìa carton xé nhỏ, còn thấy khô quá thì cho thêm ít phân gà chiết xuất và vỏ củ quả nhà bếp.
Lưu ý cho các chị em: Nếu sân thượng thì nên sử dụng thùng to cỡ từ 100-200 lít. Ban công thì nên sử dụng thùng cỡ nhỏ hoặc cỡ vừa là phù hợp nhất.
Ảnh: Fami Farm
NuNu