(Tổ Quốc) - Để hướng tới một đời sống tài chính thảnh thơi, không áp lực thì bạn có thể tuân theo lộ trình chi tiêu và tiết kiệm đã được chuyên gia vạch sẵn dưới đây.
Vấn đề hoạch định tài chính cá nhân luôn gắn liền với mục tiêu khác nhau và ưu tiên lựa chọn của mỗi người. Để hướng tới một đời sống tài chính thảnh thơi, không áp lực và giàu có thì vẫn cần đảm bảo một số nguyên tắc quản lý tài chính cơ bản.
Với mức lương và mục tiêu này, chuyên gia tài chính Kim Liên hiện đang là Founder của Amy Advise - Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân khuyên bạn lộ trình cụ thể như sau:
Bước 1: Sau khi nhận lương, dùng ngay 2 triệu vào quỹ dự phòng
Phụ nữ U30 còn độc thân sẽ thường có nhu cầu mua sắm hưởng thụ nhiều, không hay nghĩ đến các vấn đề rủi ro, thậm chí cho rằng chưa cần thiết.
Tuy nhiên đây lại là thời điểm tốt để bắt đầu cho những kế hoạch về tài chính. Bởi lợi ích dễ thấy nhất là: Sau khi có gia đình với nhiều thứ cần chi tiêu hơn thì quỹ dự phòng sẽ giúp bạn không bị quá áp lực nữa. Kể cả muốn đầu tư bất động sản, chứng khoán hay vay nợ mua nhà, mua xe… cũng có thể yên tâm vì đã sẵn quỹ phòng trừ rủi ro cho bản thân không làm ảnh hưởng đến danh mục đầu tư/khoản vay trong bất cứ tình huống xấu nhất nào.
Quỹ dự phòng sẽ bao gồm quỹ khẩn cấp dùng trong những lúc cấp bách. Bạn gửi dần mỗi tháng khi lĩnh lương đến khi đủ từ 3-6 tháng chi tiêu thì dừng lại. Tiếp theo sẽ là mua hợp đồng bảo hiểm. Mức hợp lý để tham gia cho độ tuổi này là khoảng 1 tháng lương (tương đương 8% - 10% thu nhập/năm). Bạn chia đều số tiền ra 12 tháng để tích lũy, cuối năm có đủ tiền để đóng thì sẽ nhẹ gánh tài chính hơn.
Bước 2: Dùng 3 triệu vào quỹ hưu trí
Chị Kim Liên tính toán nếu từ năm 25 tuổi bắt đầu để dành 3 triệu/tháng gửi vào quỹ hưu trí thì 50 tuổi sẽ có khoản tiền là 2,8 tỷ. Số tiền này dựa trên tỉ suất sinh lời trung bình 8%/năm, gửi liên tục không rút trong 25 năm của các quỹ hưu trí hiện có trên thị trường.
Năm 50 tuổi, bạn đã có 2,8 tỷ tiền gửi từ quỹ hưu trí. Bạn có thể rút số tiền này và gửi tiết kiệm với lãi suất 5,5%/năm ở ngân hàng, thì sẽ rút được 16 triệu/tháng trong 30 năm tiếp theo.
Số tiền này đủ giúp bạn chi tiêu thoải mái cho việc sinh hoạt cho tới năm 80 tuổi.
Tự chuẩn bị cho cuộc sống khi về hưu không bao giờ là quá sớm. Thực tế, thu nhập từ lương hưu của bạn chỉ có thể trang trải khoảng 1/3 nhu cầu chi tiêu thiết yếu nên việc lên kế hoạch và thực hiện quỹ hưu trí từ khi còn trẻ là khôn ngoan nhất.
10 triệu còn lại sẽ chi tiêu thế này
Với 10 triệu còn lại, bạn có thể sử dụng để chi tiêu như sau:
- 8 triệu chi tiêu các khoản thiết yếu. Bao gồm tiền ăn, tiền ở, chi phí đi lại và các hóa đơn tiện ích như điện, nước.
- 2 triệu dành cho các dự định cá nhân. Có thể dùng để đầu tư vào bản thân tiếp tục tăng thu nhập, tiết kiệm mua nhà, mua xe hay du lịch trải nghiệm.
Lưu ý:
- KHÔNG NÊN vay mua nhà chung cư với tỉ trọng cao, lên tới 60% - 80% giá trị tài sản, dòng tiền trả nợ hàng tháng không phù hợp với mức thu nhập, áp lực trả nợ lớn nhiều khi phải bán lại nhà giá rẻ.
- Với các bạn U30 thì quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí hết sức thiết yếu, cần phải ưu tiên đầu tiên bởi khi hoạn nạn, ốm đau không có sẵn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài sản đang có. Khi về già, không còn nguồn thu nhập chủ động nào nữa thì quỹ hưu trí chính là thứ giúp bạn trang trải cuộc sống nếu không muốn phải dựa vào con cái. Vì vậy 2 mục tiêu này nên được coi là thiết yếu trước tất cả những kế hoạch mua nhà, mua xe hay tiêu dùng khác.
- Bạn hãy tập thói quen đánh giá xem điều gì là cần thiết, phù hợp với giá trị sống của mình để ưu tiên cho nó, thay vì chạy theo xu hướng rồi khi trải nghiệm mới thấy không phù hợp, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
Hồng Nhung