(Tổ Quốc) - Chuyên gia cho rằng, quan niệm mâm ngũ quả ngày Tết bắt buộc phải có đủ 5 loại quả với các màu khác nhau như trong truyền thống là cứng nhắc.
Theo quan niệm của dân gian, mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán sẽ gồm có năm loại quả, tượng trưng cho năm yếu tố ngũ hành cấu thành nên vũ trụ là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Qua mâm ngũ quả, con cháu trong gia đình cũng muốn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính của con cháu đối với các bậc tổ tiên.
Ý kiến khác thì cho rằng, ngũ còn là ước muốn của người Việt về ngũ phúc, gồm Phúc - Quý - Thọ - Khang - Ninh.
Chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt từng chia sẻ trên báo Thanh niên, năm loại quả trong mâm tượng trưng cho sự sống, theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Ngoài ra số 5 là số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi, nảy nở.
Trên mâm ngũ quả chỉ đặt hoa quả, chứ không đặt thêm hoa hay thực phẩm khác. Ông Kiệt lưu ý, nhiều gia đình hay có thói quen rửa sạch hoa quả khi bày biện, song việc này khiến hoa quả bị nước đọng lại, nhanh hỏng. Do vậy, chỉ nên dùng khăn ẩm lau sạch hoa quả.
Với mâm ngũ quả, nhiều chuyên gia khuyên tuyệt đối không bày hoa quả giả trên ban thờ; không để các loại quả bày mâm ngũ quả lăn lóc ở góc bếp rồi lại mang lên bày trên ban thờ. Có thể bày nhiều loại quả, với số lượng phù hợp với ban thờ gia đình, chứ không cứng nhắc theo một nguyên tắc nào.
Chuyên gia phong thủy Tam Nguyên trong một lần trao đổi với PV Dân trí cho hay, không ai biết mâm ngũ quả gồm những quả gì, mà tùy vào đặc trưng vùng miền, gia chủ chọn những quả ngon ngọt, to tròn để bày biện.
Theo chuyên gia này, quan niệm mâm ngũ quả ngày Tết bắt buộc phải có đủ 5 loại quả với các màu khác nhau như trong truyền thống là cứng nhắc. Các loại trái cây hiện nay khá phong phú, nên mâm ngũ quả trưng Tết có thể là bát, cửu hay thập quả.
"Việc bày biện mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong ngày Tết cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam. Dù sinh sống ở phương trời nào, người dân Việt vẫn không quên tục lệ này trong dịp Tết Nguyên Đán. Điều quan trọng nhất trong việc bày biện không phải là hoa quả đắt tiền hay sự cầu kỳ tốn kém mà là tấm lòng thành tâm, tưởng nhớ đến ông bà Tổ tiên", Dân trí dẫn lời chuyên gia phong thủy Tam Nguyên.
Đồng quan điểm với ông Nguyên, nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Cung Hà chia sẻ trên Lao động, tên gọi "ngũ quả" ăn sâu vào tiềm thức người Việt bao đời nên người ta vẫn gọi mâm ngũ quả, còn ngày nay hoa quả ngày càng phong phú, mâm ngũ quả có thể trở thành mâm thập quả.
Nguồn trên cũng nêu một số điểm khác nhau giữa mâm ngũ quả của miền Bắc và miền Nam. Ở miền Bắc, nải chuối xanh bắt buộc có trong mâm ngũ quả, nhưng miền Nam lại kỵ, vì cho rằng loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi", thể hiện sự nguy khó. Người miền Bắc thường chọn số quả lẻ khi bày mâm, còn người miền Nam không quan trọng số quả lẻ hay chẵn, họ chủ yếu chọn theo ý nghĩa của loại quả.
(Thông tin mang tính chất tham khảo)
(Tổng hợp)
Thanh Tú