(Tổ Quốc) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn chỉ ra, nguyên nhân của đề xuất này chắc hẳn là do VNA lo sợ mất thị phần. Họ e ngại, sau khi các đường bay được khôi phục, các hãng hàng không tư nhân sẽ sẵn sàng giảm giá để tạo điều kiện cho người tiêu dùng đi lại thuận tiện hơn, từ đó thu hút khách hàng, tìm lại doanh thu.
VIETNAM AIRLINES CẦN CHẤP NHẬN CẠNH TRANH
Đề xuất về mức giá sàn vé máy bay được Vietnam Airlines đưa ra lần đầu vào hồi tháng 7. Theo đó, Hãng kiến nghị mức giá sàn sẽ bằng 44% giá tối đa trong khung giá vé máy bay. Tuy nhiên, Cục Hàng không cho rằng mức giá tối thiểu nêu trên là quá cao, hạn chế việc đi lại bằng máy bay của một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp… Vì vậy, cục đề xuất áp dụng giá sàn là 20% giá tối đa hiện nay. Thời gian áp dụng 12 tháng, có thể kéo dài thêm nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gây khó khăn cho ngành Hàng không.
Chuyên gia kinh tế Phạm chi Lan phản đối đề xuất áp giá sàn vé máy bay. ảnh: VCCI.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn chỉ ra, nguyên nhân của đề xuất này chắc hẳn là do VNA lo sợ mất thị phần. Họ e ngại, sau khi các đường bay được khôi phục, các hãng hàng không tư nhân sẽ sẵn sàng giảm giá để tạo điều kiện cho người tiêu dùng đi lại thuận tiện hơn, từ đó thu hút khách hàng, tìm lại doanh thu.
"Đề xuất này nếu được thông qua sẽ làm mất hết tính cạnh tranh. Đây là điều vô cùng phi lý".
Bà Chi Lan nhấn mạnh, việc duy trì hãng Hàng không Quốc gia là rất cần, nhưng duy trì như thế nào mới là vấn đề. "VNA phải sẵn sàng chia sẻ thị phần với các hãng khác và chấp nhận cạnh tranh. Chính phủ chỉ nên duy trì hãng Hàng không Quốc gia trên tinh thần chấp nhận cạnh tranh chứ không phải duy trì trên cơ sở bảo trợ, ưu đãi, đặc quyền đặc lợi".
CẦN MỞ RỘNG ĐƯỜNG HƠN NỮA CHO HÀNG KHÔNG TƯ NHÂN
Nói về việc phục hồi kinh tế sau dịch, bà Lan cho rằng, chúng ta cần tăng tốc để lấy lại vị trí cũ. Tuy nhiên, cần tăng tốc theo hướng mới.
"Không chỉ do Covid-19, xu hướng thế giới những năm gần đây có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Là một nền kinh tế rất mở, hội nhập quốc tế rộng và sâu, nước ta cũng đang thay đổi, hướng tới những mục tiêu cao hơn trong phát triển, như Nghị quyết Đại hội XIII đã vạch ra. Phục hồi sau Covid cũng phải theo hướng đó.
Sự hỗ trợ không nên bị cào bằng. Có những ngành/doanh nghiệp có sức sống, năng lực cạnh tranh tốt hơn, hiệu quả cao hơn cho chính bản thân doanh nghiệp cũng như nền kinh tế thì Chính phủ nên tiếp sức cho họ bật lên. Những ngành nào thực sự không có tương lai, hoặc ngành nào gây hậu quả nặng về môi trường, không tạo nhiều GTGT, hoặc không có khả năng nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động thì có thể xem xét bỏ dần đi, chuyển sang làm cái khác hiệu quả hơn".
Bà Lan thẳng thắn: "Những câu chuyện như Vietnam Airlines dứt khoát phải xem lại".
Bà Lan cho rằng VNA nên rút lui khỏi những chặng bay kém hiệu quả.
Để duy trì hãng bay của nhà nước hiệu quả hơn, bà Lan kiến nghị VNA nên rút khỏi những đường bay kém hiệu quả. "Vì có nhiều địa điểm không thực sự đông khách. Nhưng ông doanh nghiệp nhà nước đã có ở đấy rồi thì các doanh nghiệp tư nhân khác không vào được".
Thay vì bù lỗ để VNA hoạt động ở những chặng kém hiệu quả, Chính phủ nếu thấy cần duy trì đường bay đó thì chỉ cần đưa ra các chính sách khuyến khích phù hợp để hàng không tư nhân tham gia. Điều này không chỉ đúng với các chặng bay nội địa, mà theo bà Lan, nên được áp dụng rộng trên cả những đường bay ra thế giới
"Hãng Hàng không Quốc gia đâu cần phải nối tới tất cả các địa điểm trong nước. Cũng không cần có quá nhiều chuyến bay trong một ngày ở một số chặng đã có các hãng khác bay, để bớt lãng phí và tránh "dồn toa", gây khó khăn cho khách.
Thứ hai, họ cũng không nhất thiết là hãng duy nhất, hoặc có quyền bay đến tất cả các nơi khác nhau trên thế giới. Chúng ta cần có cơ chế để hãng nào cạnh tranh được thì hãng đó bay. VNA không nên ôm đồm những việc mà mình làm không xuể. Vì như vậy sẽ gây vất vả tốn kém cho mình, cho nhà nước và thực tế cũng là cho người dân. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thì tiền đó lấy ở đâu? Chính là thuế của người dân đấy".
Theo bà Lan, nhân dịp này, Chính phủ rất cần rà soát lại các doanh nghiệp nhà nước khác để có chính sách thật sự phù hợp, xác đáng, vì sự phát triển của nền kinh tế và của chính bản thân các DNNN trong giai đoạn tới.
Trước đó, theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, quy định giá sàn các đường bay nội địa là cần thiết nhằm hỗ trợ khó khăn cho các hãng, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines).
Dù vậy, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận giải pháp mang tính chất tình huống này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thu Hường