(Tổ Quốc) - Các chuyên gia kinh tế nhận định, doanh nghiệp Việt Nam cần có một hướng đi mới trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, trong đó "người Việt dùng hàng Việt" được xem là chiến lược khả thi nhất.
Covid-19 không chỉ là đại dịch đe doạ tính mạng nhân loại, mà còn được coi là thảm họa kinh tế toàn cầu chưa từng có gần trăm năm qua. "Nó" ập đến không báo trước và khiến mọi nền kinh tế, mọi ngành nghề trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, từ khi dịch bệnh bùng phát đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Nhiều lĩnh vực như hàng không, du lịch, vận tải bị trì trệ nặng nề.
Là một nền kinh tế nhỏ phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu và các đối tác thương mại, đầu tư lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu giữa "cơn lốc" mang tên Covid-19.
Điển hình, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2020 đã giảm một nửa, xuống mức 3.8% so với mức 6.9% cùng kỳ năm 2019. Nhiều chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Việt Nam cần có một hướng đi mới trong giai đoạn này, trong đó "người Việt dùng hàng Việt" được xem là chiến lược khả thi nhất.
"Người Việt nào cũng yêu nước, cũng thấy hãnh diện khi được sử dụng hàng Việt có chất lượng"
Thạc sỹ kinh tế Trần Sĩ Chương cho hay, sau đại dịch này, các nước trên thế giới đều có xu hướng hướng nội, tự chủ cao hơn để không lệ thuộc quá nhiều vào yếu tố nước ngoài. Trong hoàn cảnh này, việc phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được xem là cần thiết.
Ông Chương phân tích, phong trào này đã được phát động nhiều năm, mặt tích cực rất cao. Trong giai đoạn các nước đóng cửa để chống dịch, doanh nghiệp Việt điêu đứng, thì thị trường nội địa, hàng triệu người tiêu dùng trong nước chính là phao cứu sinh của họ.
"Vấn đề này nêu lên trách nhiệm cho doanh nghiệp trong nước", ông nhấn mạnh.
Để tồn tại phục vụ lợi ích chung, theo ông Chương, doanh nghiệp trong nước phải nắm bắt được cơ hội này với tinh thần trách nhiệm cao và thể hiện tinh thần yêu nước của họ bằng cách cung cấp được sản phẩm dịch vụ chất lượng cao.
"Phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trong lúc này là cần thiết. Tôi phải nói rằng, không phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà hàng Việt Nam phải chinh phục người Việt. Hàng Việt Nam muốn chinh phục người Việt Nam trước tiên mỗi doanh nghiệp họ phải yêu sản phẩm họ làm ra", ông nói.
Một giá trị nào muốn tồn tại cũng phải dựa trên hai yếu tố được "yêu" và được "quý". Được yêu chưa đủ, doanh nghiệp cần phải được người tiêu dùng quý.
"Sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của họ, khi sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu thì người mua chỉ dùng một lần rồi quay lưng lại. Cái chính là mỗi doanh nghiệp phải làm hài lòng người tiêu dùng.
Doanh nghiệp có lợi thế trước hết là tinh thần, bởi người Việt nào cũng yêu nước cả, họ cũng thấy hãnh diện khi được sử dụng hàng Việt có chất lượng.
Người Việt sẵn sàng yêu nhau, sẵn sàng đùm bọc nhau, nó là cái gen văn hóa dân tộc mình vẫn còn đó khi cần mình vẫn hỗ trợ nhau được. Nhưng cái gì cũng cần phải có chiến lược, không phải chỉ nhất thời", Thạc sỹ kinh tế Trần Sĩ Chương phân tích.
Đánh giá về quá trình phục hồi kinh tế, ông Chương cho biết Việt Nam có thể là nước phục hồi nhanh hơn các nước khác. Tuy nhiên trong chuỗi toàn cầu, Việt Nam khó có thể bứt phá được so với thế giới.
"Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm xem mình là chiến sỹ trong tuyến đầu sự nghiệp xây dựng kinh tế"
Ông Hoàng Trọng Thủy – nguyên Tổng biên tập Tạp chí nông thôn mới cho hay, giai đoạn dịch bệnh này, người Việt dùng hàng Việt là lối đi rất thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Thuỷ phân tích, từ lâu nay doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nên bỏ rơi thị trường trong nước, có những mặt hàng trong nước người tiêu dùng cần nhưng lại không có để cung ứng. Người Việt đành chấp nhận sử dụng hàng nhập khẩu với chi phí đắt đỏ.
Thị trường trong nước đang bị mất, bị chiếm dụng bởi các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt thua trên sân nhà, bao năm chật vật để tìm lối ra.
"Không phải lúc này thì không bao giờ, đây là lúc hoàn toàn cần thiết, người Việt phải dùng hàng Việt, phải làm quen với hàng Việt. Trong bối cảnh dịch bệnh giao thương ngừng trệ đây là giải pháp đúng đắn", ông nói.
Theo ông Thuỷ, người Việt có cảm nhận hàng Việt tốt hơn, hàng nội địa giá thanh rẻ hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn là một lợi thế thu hút người tiêu dùng. Đã đến lúc nông sản Việt, hàng hóa Việt phải nắm lấy cơ hội này để thúc đẩy tinh thần yêu nước.
"Qua đợt ATM gạo ta thấy rằng trong đợt dịch khó khăn, trách nhiệm của người Việt với người Việt đã được nâng lên. Chúng ta sống có trách nhiệm với dân tộc với đồng loại mình rất cao. Không ai làm ngơ trước những khó khăn của dân tộc, họ biết các công ty phá sản thì người thân họ thất nghiệp, rồi kéo theo gia đình và cả một hệ lụy phía sau", ông cho hay.
Hơn thế nữa, bao năm qua các doanh nghiệp của mình chỉ túm lấy giá trị cuối cùng để trở thành con buôn. Họ chưa thiết lập được hệ thống bán lẻ trong nước để miếng mồi ngon này rơi vào tay những doanh nghiệp nước ngoài.
Lúc này là giai đoạn khó khăn nhất, các doanh nghiệp Việt Nam phải có trách nhiệm xem mình là chiến sỹ trong tuyến đầu sự nghiệp xây dựng kinh tế. Và khi tiền tuyến không ngại xông pha tuyến đầu, thì người dân hãy có trách nhiệm là một hậu phương vững chắc chung tay với tiền tuyến.
Ông Thuỷ nói thêm, các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại sau mùa dịch thay đổi thị trường như thế nào. Người mua quan tâm đến sức khỏe, đến dinh dưỡng, thay đổi tiêu dùng, họ phải biết được sự thay đổi này để xây dựng được mô hình tăng trưởng. Phải thay đổi sản phẩm của mình xem sản phẩm nào tương ứng với thị trường nội địa, sản phẩm nào có thể xuất khẩu được.
Các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, doanh nghiệp với doanh nghiệp hợp tác xã với hợp tác xã theo đường đi của sản phẩm, hiện nay liên kết này là kém.
"Với đất nước với sức mua lên đến cả trăm triệu dân thì tại sao doanh nghiệp Việt không chinh phục họ trước rồi hãy chinh phục thị trường nước ngoài. Chúng ta hãy xem nền kinh tế nước ta như con tàu bị đắm, mỗi doanh nghiệp là một chiến sỹ không ngại gian khổ, mỗi người dân là một hậu phương. Cả hai đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì ngày con tàu đắm băng băng trên mặt sóng chắc chắn sẽ không còn xa.
Hãy phục hồi kinh tế như cách chúng ta đã và đang đoàn kết một lòng đẩy lùi dịch Covid -19 từng ngày qua", ông Thuỷ nói.
Ngọc Thắng