(Tổ Quốc) - Cháy nắng nghiêm trọng có thể làm phồng rộp da, phát ban và dẫn tới các triệu chứng giống cúm.
Nếu quên không dùng kem chống nắng hoặc không bôi lại sau mỗi 2-4 giờ tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy da chuyển sang màu đỏ và bong tróc. Đây là những dấu hiệu cơ bản cho thấy da bị tổn thương do tia cực tím.
Nếu các triệu chứng này đi kèm với hiện tượng sốt và nổi mụn nước, bạn rất có thể đang phải đối mặt với tình trạng ngộ độc nắng, một vấn đề sức khỏe bắt nguồn từ cháy nắng nghiêm trọng.
Vậy làm thế nào để phân biệt cháy nắng với ngộ độc nắng? Dưới đây là lời giải thích của các chuyên gia da liễu về tình trạng này, cách nhận biết và khắc phục:
Thế nào là ngộ độc nắng?
John Zampella, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ da liễu tại Trung tâm NYU Langone giải thích, thuật ngữ ngộ độc nắng thường được dùng trong giới không chuyên và "sách giáo khoa da liễu" không đề cập tới vấn đề này. Nhìn chung, ngộ độc nắng xảy ra khi một ai đó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, cơ thể phản ứng rất mạnh với tia cực tím và gặp phải các triệu chứng giống như cúm.
Nhiều người không biết bản thân đang phải đối mặt với ngộ độc ánh nắng vì các triệu chứng có thể xuất hiện sau 72 giờ kể từ khi bị cháy nắng. Bác sĩ Zampella cho biết, mọi người cần nhận biết những dấu hiệu cơ bản để có thể phân biệt rõ hai vấn đề sức khỏe này. Trên thực tế, ngộ độc nắng chỉ xảy ra khi bạn bị cháy nắng.
Triệu chứng cháy nắng và ngộ độc nắng là gì?
Cháy nắng bình thường khiến da chuyển sang màu đỏ, ngứa, viêm và nhạy cảm từ 30 phút đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp nặng hơn, da sẽ phồng rộp và thậm chí nổi mụn nước.
Trong khi đó, ngoài các dấu hiệu cháy nắng này, ngộ độc nắng còn dẫn tới một loạt những triệu chứng, phản ứng toàn thân bao gồm: Sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, khó chịu, mất nước và chóng mặt.
Đâu là nguyên nhân gây ngộ độc nắng?
Một số người dễ bị ngộ độc ánh nắng hơn những người khác. Brian Brosnan, chuyên gia y khoa kiêm trưởng khoa da liễu tại Trung tâm y tế Kaiser Permanente Panorama ở Nam California cho biết, những người sở hữu làn da trắng sáng dễ gặp phải các vấn đề về da do tác động từ ánh nắng mặt trời. Hơn nữa, nếu gia đình có tiền sử mắc ung thư da, bạn có nguy cơ cao phải đối mặt với ngộ độc nắng.
Nhạy cảm ánh sáng thường bị nhầm lẫn với ngộ độc nắng. Những khu vực phát ban, viêm ở người mắc phải tình trạng này sẽ làm tăng khả năng phải đối mặt với các bệnh về da nếu họ dành quá nhiều thời gian hoạt động trong môi trường nắng nóng. Hai dạng nhạy cảm ánh sáng chủ yếu là phát ban đa dạng do ánh sáng (PMLE) và mề đay ánh sáng (SU).
PMLE gây phát ban, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Theo chuyên gia Brosnan, tình trạng này thường xuất hiện và trở nên tồi tệ hơn vào đầu mùa hè. Các đợt phát ban có xu hướng giảm dần sau hai đến ba tuần. Trong khi đó, SU thực chất là một tình trạng dị ứng, có thể gây phát ban chỉ sau vài phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bác sĩ Zampella giải thích, chứng hiếm gặp hơn nhiều so với PMLE.
Theo bác sĩ Zampella, không ít người lầm tưởng phát ban đa dạng do ánh sáng và mề đay ánh sáng giống với ngộ độc nắng hoặc nghĩ đây là một dạng của ngộ độc nắng. Trên thực tế, mọi người nên coi ngộ độc nắng như một triệu chứng xảy ra do tiếp xúc lâu dài với ánh sáng mặt trời. Trái lại, nhạy cảm ánh sáng khiến bạn có thể dễ dàng bị ngộ độc nắng dù không ra ngoài trời lâu.
Làm thế nào để điều trị ngộ độc nắng?
Hầu hết các triệu chứng ngộ độc nắng có thể được điều trị bằng những biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây:
- Ngâm mình trong nước mát hoặc đắp khăn lạnh.
- Dùng nha đam hoặc các loại kem dưỡng ẩm để làm dịu da và duy trì độ ẩm.
- Uống nhiều nước, tránh mất nước.
- Dùng thuốc chống viêm như ibuprofen nhằm giảm đau và khó chịu.
Nếu các triệu chứng ngộ độc nắng ngày càng leo thang, dẫn tới những phản ứng rất nghiêm trọng như tụt huyết áp, tim đập nhanh, chóng mặt hay ngất xỉu, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
Cách ngăn ngừa ngộ độc nắng
Việc làm đầu tiên và quan trọng nhất là hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt những người sở hữu làn da nhạy cảm. Cực Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị, mọi người nên tránh ra đường trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, thời điểm ánh nắng mặt trời mạnh nhất.
Hơn nữa, bạn cũng đừng quên sử dụng kem chống nắng thường xuyên, mỗi lần bôi cách nhau hai giờ và có chỉ số SPF tối thiểu 30 để chống lại cả tia cực tím UVA và UVB.
Theo Prevention
Mai Nhung