Chuyện "bát canh cá hụt" và tiếng khóc mẹ già trên sân thượng: Người già dễ dỗi hay "thế hệ F1" quá đỗi vô tâm?

(Tổ Quốc) - Trường hợp như chị Hoa và anh Phong không phải là hiếm. Cha mẹ nếu sống cuộc đời của mình thì bị cho rằng "có lỗi" với con cháu. Hoặc nếu có yêu thương bao nhiêu thì con cái cũng nghiễm nhiên cho rằng đó là điều tất yếu và "bóc lột" cha mẹ đến tận cùng...

Nàng dâu than thở "bà nội kiểu gì cháu không muốn trông"

Thanh Hoa (21 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) kể cô có bà chị dâu nhưng luôn coi như việc trông cháu là việc của bà nội. Do anh chị ở cùng nhà với bố mẹ cô, dù không muốn ác ý làm “bà cô bên chồng” nhưng có nhiều việc nhìn thấy cũng khiến cô cảm thấy chướng tai gai mắt. Anh trai thì vô tâm, không quan tâm đến mọi việc trong nhà, chị dâu làm gì anh cũng không để ý.

Mẹ Hoa là 1 phụ nữ cấp tiến thích nhảy đầm, tụ tập bạn bè nhưng lại có tính thương con, thương cháu kiểu truyền thống. Nên dù bà đã sắp xếp thời gian để trông cháu được tốt nhất nhưng nàng dâu dường như vẫn không hài lòng.

Hôm ấy, vào ngày cuối tuần chị dâu trong bữa cơm nói với mẹ chồng: “Mẹ, mai mẹ trông Chích Bông cho con với được không ạ? Vợ chồng con có đám cưới buổi trưa”. Mẹ Hoa liền nói rằng sao không bảo sớm, bà đã có lịch hẹn đi nhảy với hội bạn của mẹ rồi, không hủy được. Chị dâu không nói gì thêm liền buông đũa đứng lên, mặt sưng như cái mâm.

Lúc lên phòng đi qua phòng anh chị, thấy cửa phòng anh chị mở tiếng chị dâu cao giọng như để mẹ chồng nghe thấy vậy: “Bà nội kiểu gì suốt ngày chỉ ham đi nhảy đầm, cháu không muốn trông”.

Nghe lời hờn mát “bà nội suốt ngày chỉ lo nhảy đầm, cháu không trông” câu nói thẳng "ném lại" khiến nàng dâu thay đổi thái độ - Ảnh 1.

"Đừng lạm dụng lòng tốt của cha mẹ, kể cả là chính mẹ chị. Họ không có nghĩa vụ theo con cháu cả đời, họ còn cần sống cuộc đời của họ".

Hoa lúc này cảm thấy không thể đứng ngoài cuộc liền lên tiếng: “Đúng lúc em đi qua đây và nghe thấy điều chị vừa nói. Con cái là con chị, anh chị phải xác định tự chăm nuôi được hãy đẻ. Mẹ đã sống cả 1 đời vì con vì cái, việc chăm sóc cháu là quyền tự nguyện của bà, chứ không thể coi là nghĩa vụ. Bà có quyền đi nhảy đầm như việc chị muốn đi đám cưới. Anh chị có thể chọn cách 1 người đi đám cưới cũng được, sao lại đổ trách nhiệm lên đầu bà bằng sự vô ơn như thế.

Em không có ý hỗn láo hay nhiều chuyện, nhưng đó là sự thật. Đừng lạm dụng lòng tốt của cha mẹ, kể cả là chính mẹ chị. Họ không có nghĩa vụ theo con cháu cả đời, họ còn cần sống cuộc đời của họ. Em xin lỗi vì nhiều lời, nhưng mong anh chị cũng nên suy nghĩ 1 chút. Anh chị 'tiêu xài' lòng tốt của mẹ đừng hoang phí và vô lý như thế chứ”.

Hoa kể, sau câu nói của mình, thì dường như sau đó bà chị dâu dù tức tối nhưng thấy cũng đúng. Có vẻ vợ chồng anh chị hiểu chuyện hơn và biết chủ động trong việc trông con hơn chứ không tiện tay là đẩy trách nhiệm sang bà nội nữa, thái độ cũng mềm mỏng dễ chịu hơn mà coi việc bà chăm sóc cháu như 1 sự nhờ vả chứ không còn là trách nhiệm.

"Nếu hôm đấy mình không nói thẳng chắc anh chị còn lấn lướt hoặc nghĩ rằng mình đúng, trách nhiệm trông cháu của ông bà mãi mất, mà tính bà thì muốn giữ hòa khí, chỉ lo sợ mình nói này nọ lại mang tiếng bắt nạt nàng dâu", Hoa nói.

Mẹ già khóc trên sân thượng "osin còn sướng hơn tôi"

Anh Phong (37 tuổi, Thanh Hóa) do điều kiện hạn hẹp về thời gian và tài chính nên phải nương nhờ vào mẹ. Ngoài việc hỗ trợ về tài chính, mẹ anh còn từ quê lên chăm sóc cháu lúc anh chị đi làm. Thế nhưng, được yêu thương, chiều chuộng mãi thành thói quen mà anh chị đâm ra anh lại coi như chuyện nghiễm nhiên mẹ sẽ là người bao bọc mình và con. Đôi lúc chuyện nuôi con cách của người già khác, người trẻ khác. Cách của mẹ là thói quen, còn của vợ chồng anh là khoa học.

Dù không trực tiếp chăm con, nhưng nghe vợ càm ràm, bênh vợ mà anh lời qua tiếng lại, anh thấy mẹ giận nhưng anh vẫn cho rằng là vợ và mình đúng: Nuôi con phải theo khoa học, chứ đâu thể như cách ngày xưa mãi. Hôm đó anh có lớn tiếng với mẹ: “Mẹ thì già rồi bảo thủ, cháu mẹ đấy mà mẹ không biết xót à?”.

Nghe lời hờn mát “bà nội suốt ngày chỉ lo nhảy đầm, cháu không trông” câu nói thẳng "ném lại" khiến nàng dâu thay đổi thái độ - Ảnh 2.

Tranh minh họa

Anh kể: “Thế rồi cũng tối hôm đó vô tình mình lên sân thượng, thấy mẹ đang gọi điện cho bố. Giọng mẹ rưng rưng, có vẻ mẹ đang khóc: “Tôi thương nó, từ bé đã đau ốm, sức khỏe không tốt, biết có dỗi mà về lúc này thì vợ chồng nó vất vả nhưng nhiều lúc ở lại thì nó cũng đâu có nghĩ chút nào cho tôi.

Đôi lúc thấy con trai, con dâu đối xử với mẹ như ô sin vậy, mà thực ra ô sin còn có lương, mình đây chăm nó không công, chăm con cho nó, cho nó tiền mua bỉm sữa cho cháu, mà 1 lời nhẹ nhàng cũng không nhận được. Nhiều lúc cũng tủi thân lắm khi cứ phải nhìn mặt chúng nó mà sống. 

Mình đâu cần nó báo hiếu bằng tiền bạc đâu mà chỉ cần lời nhẹ nhàng, thấu hiểu cha mẹ 1 chút mà cũng khó quá. Giờ mà về thì thương cháu mà thương cả nó, không biết xoay xỏa như thế nào. Nhưng ở lại thì ức…”. Thế rồi tôi còn nghe tiếng bố cũng rất "cáu", ông nói rằng mẹ thương con không phải lối, cứ o bế nó mãi vào để giờ nhận lại được sự đền đáp như thế đấy. Ông còn bảo bà về luôn, chúng nó lớn rồi hãy tự mà lo liệu lấy cuộc sống. Giọng bố đầy vẻ bất lực: "Chúng ta già rồi. Hãy sống cuộc đời của mình đi".

Anh Phong mới giật mình vì thực ra mình đã quá vô tâm. Anh nhớ ra những lần cau mày thấy đồ đạc của mẹ vương vãi trên bậu cửa, những lúc cáu nhặng vì mẹ gắp đồ ăn cho mình... Bao lâu nay nhận sự yêu thương, quan tâm từ cha mẹ như việc nghiễm nhiên mà thành ra thiếu sự biết ơn, không thực sự cảm thấy cha mẹ cũng cần được đền đáp lại, cần được sự tôn trọng, kiên nhẫn và dịu dàng biết bao.

Khi cha mẹ "phung phí" yêu thương, con cái "hào phóng"... sự vô tâm

Trường hợp như của chị Hoa, với câu nói thẳng “chị cảm thấy tự chăm nuôi được hãy đẻ” khiến chị dâu tỉnh ngộ về việc bòn rút lòng tốt của cha mẹ một cách nghiễm nhiên. 

Hoặc như anh Phong là những đứa con không chịu lớn, luôn coi mình là 1 đứa trẻ để được nhõng nhẽo, vòi vĩnh mẹ cha. Anh nhận ra mình đã nhận sự yêu thương vô điều kiện từ mẹ nhưng đối đáp lại bằng sự vô tâm với cha mẹ mình. Anh nói: “Hôm đó mình mới để ý rằng tóc mẹ có vẻ thêm sợi bạc và dạo này dường như mẹ hay kêu nhức mỏi tay chân nhiều hơn. Lúc đó mình mới nghĩ, thực ra mẹ đã làm 1 việc vô lý. Đó là việc bao bọc mình quá lâu... cũng vì quá yêu thương mình thôi, chứ chính ra mình phải tự lập, phải lớn lên từ lâu rồi”.

Trường hợp như chị Hoa và anh Phong không phải là hiếm. Cha mẹ yêu thương con cái là tất yếu nhưng những đứa con thì có cảm giác rằng đó là điều nghiễm nhiên mình được hưởng. Hoặc có khi cũng yêu thương mẹ đấy nhưng cách thể hiện ra lại không đúng mà càu nhàu, cau có với mẹ cha. Chúng ta chẳng phải luôn niềm nở với người ngoài nhưng lại khó chịu lớn tiếng với cha mẹ đó sao?

Nghe lời hờn mát của nàng dâu "bà gì cháu không muốn trông”, câu nói thẳng "ném lại" bất ngờ khiến cục diện tình hình đổi thay trong tích tắc - Ảnh 3.

Chẳng phải ngày nhỏ chúng ta xem bộ phim "Người giàu cũng khóc", còn ngày nay chính chúng ta tự viết kịch bản cho bộ phim từ cuộc đời "Người già cũng khóc" đấy sao?

Trong khi điều gần như duy nhất cha mẹ mong nhận lại được là sự tôn trọng và ít nhất có thể cảm thấy tình yêu ngược lại từ con cái mình. Ngay cả vật chất cũng thế, khi có thể hãy biếu cha mẹ 1 chút, đừng đợi có thật nhiều mới dám chi tiền cho cha mẹ mình.

Bởi nói đi thì cũng phải nói lại làm sao có thể mong mẹ chồng đối đãi với nàng dâu như con đẻ trong khi tâm thế nàng dâu luôn nghĩ rằng đó chỉ là mẹ chồng mình, đúng không?

Còn con cái nói chung với cha mẹ, đừng nghĩ rằng vì họ là cha mẹ mình mà có quyền lớn tiếng, có quyền để họ nhận sự tổn thương vì sự vô tâm và ích kỉ của chính chúng ta.

Thời gian của chúng ta còn nhiều, nhưng cha mẹ thì ngày càng rút ngắn đi rồi. Nếu ngay từ lúc này không thể hiện ngay thì đợi đến bao giờ? Xin trích lời tâm sự của chị Vân Anh (Phương Mai, Hà Nội) như thế này: "Mẹ bảo ra chợ mua cá vì nghe mình nói thèm món canh cá, thế rồi mẹ bị tai nạn và... không về nữa. Sau này nghĩ mãi mình cũng không biết mẹ thích ăn món gì. Nhiều lúc sau này nghĩ tới điều đó nước mắt vẫn trào ra. Mẹ vì mình mà muốn nấu món canh cá rồi ra đi, đến lúc mình muốn nấu món ăn mẹ thích để đặt lên bàn thờ bà mà không biết bà thích ăn gì. Thực ra chúng ta không thể biết cha mẹ ở bên mình bao lâu, hãy quan tâm đến họ lúc còn có thể, đừng để đến lúc... muộn rồi".

Chẳng phải ngày nhỏ chúng ta xem bộ phim "Người giàu cũng khóc", còn ngày nay chính chúng ta đang tự viết kịch bản cho bộ phim từ cuộc đời "Người già cũng khóc" đấy sao?

Cha mẹ có thể "lỡ" phung phí sự bao dung, hy sinh và tình yêu thương cho con mình. Nhưng là con cái đừng hào phóng báo hiếu, đáp lại bằng... sự vô tâm. Hãy thấu hiểu nỗi khổ của người già và cố gắng đừng để phải nói 2 chữ "giá như" với chính bậc sinh thành ra mình.

ĐX

Tin mới