(Tổ Quốc) - "Nay mình nấu món này, mai nấu món khác, chị chuẩn bị quần quật cả ngày, mệt nhưng rất vui. Mình có điều kiện hơn thì sao không giúp đỡ người ta, giờ ra đường thấy nhiều người tội nghiệp lắm, bữa có anh kia đói quá, tay cầm hộp cơm run run nói cảm ơn", chị Tưởng chia sẻ.
8 ngày Sài Gòn giãn cách cũng là thời gian chị Đỗ Thị Tưởng (52 tuổi, quê Bến Tre) cùng một số chị em gần nhà rủ nhau nấu cơm để đi tặng những hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư.
Công việc bắt đầu từ tờ mờ sáng kéo dài đến tận khuya, tuy mệt, vất vả nhưng lúc nào trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Trần Phú (quận 5) cũng đầy ắp tiếng cười.
Sài Gòn những ngày giãn cách chứ không giãn lòng, mọi người đều yêu thương, san sẻ cho nhau từng hộp cơm, chai nước
Cột lại từng phần thức ăn đã múc sẵn để vô từng hộp, chị Tưởng tỉ mỉ đếm lại số hộp cơm đã chuẩn bị được, bên kia là mấy trăm phần dành cho khu phong tỏa ở quận 4, bên này là gửi đến BV Phục hồi chức năng (quận 8), còn 120 phần để đi phát cho người vô gia cư.
Mỗi người một công việc, ai cũng vui vẻ, hồ hởi để giúp đỡ mọi người
"2h sáng tụi chị đã dậy nấu cơm, ngủ được một lúc thì 6h dậy để làm tiếp các phần việc còn lại, sao cho trước 10h, đủ 600 phần để chia đi các nơi. Như hôm nay chị nấu gà kho, mai thì đổi thịt heo để mọi người đỡ ngán, chuẩn bị quần quật cả ngày, mệt nhưng rất là vui", chị Tưởng chia sẻ.
Chuyện ấm lòng khi Sài Gòn giãn cách: Hội chị em miệt mài nấu hàng trăm phần cơm, đi khắp nơi để tặng cho người khó khăn
Vốn đã quen với công việc bếp núc, lại được sự ủng hộ của các chị em hàng xóm, nên khi Sài Gòn bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, chị Tưởng không ngần ngại đứng ra nấu cơm để hỗ trợ mọi người, nhất là khi chị tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương, sống lay lắt trên vỉa hè, đường phố.
Mỗi phần gồm cơm, thức ăn và nước suối, đảm bảo chất dinh dưỡng tối thiểu cho người dân
"Ra đường bây giờ chị thấy nhiều người tội nghiệp lắm, có người không có tiền để mua cơm, sống nương nhờ vào các nhóm từ thiện. Bữa chị đi phát cơm, gặp mấy bà cụ trong hẻm, nhận được cơm họ mừng lắm. Có nhiều người khổ quá, chị cho thêm 1 hộp để chiều ăn, giờ Sài Gòn đang dịch bùng phát nặng, mọi người giúp được gì nhau cứ giúp, nó ấm áp lắm em", chị Tưởng tâm sự.
Từng phần cơm được nhóm chị Tưởng đưa đến tận tay người nghèo, vô gia cư
Để có được nguồn kinh phí để nấu cơm, hỗ trợ quà cho người lao động nghèo, khu phong tỏa, cách ly, chị Tưởng cho biết sau khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, YouTube, rất nhiều cô chú, anh chị đã gửi rau củ, cá thịt, tiền mặt..., để bếp cơm của chị Tưởng có thêm nguồn lực để tiếp tục.
"Như hôm nay chị đi nhận 21 kiện hàng từ bà con miền Tây gửi lên, cá thịt, rau củ nhiều lắm, thấy vui vì mọi người đều chung tay, hướng về Sài Gòn. Mấy chị em ở đây không có của nhiều thì góp công, ai làm được gì cứ làm, thời buổi khó khăn, thấy nhiều người khổ chị không cầm lòng được.
Những hình ảnh thật sự ấm lòng trong ngày giãn cách xã hội...
Hiện tại, chị có thể nấu được khoảng 600 phần/ngày thôi vì có mấy chị em vòng vòng xóm không hà, không có sức để nấu thêm. Có nhiều chỗ cũng ngỏ ý xin cơm nhưng chị chỉ có thể chia sẻ rau củ, thịt cá, gạo để họ tự nấu thôi, giờ ai cũng là người thân của mình cả, san sẻ nhau cùng vượt qua mùa dịch", chị Tưởng nói.
Các phần cơm được phường 10, quận 4 tới lấy để đưa vào khu phong tỏa, cách ly
Sau khi hoàn thành việc phân chia cơm cho các khu vực, chị Tưởng cùng chị Duyên chở nhau trên chiếc xe máy cũ, rong ruổi khắp các con hẻm, khu phố ở Sài Gòn để phát hơn 100 phần cơm dành cho người vô gia cư, lao động nghèo.
Cầm trên tay phần cơm được chị Tưởng gửi tặng, chú Phong xúc động: "Mấy bữa nay cũng may có mấy chị này ghé ngang gửi cơm, chú biết ơn nhiều lắm. Chứ giờ thất nghiệp, nhà trọ không có tiền đóng, phải ở ngoài đường, đâu có tiền đâu mà mua cơm, một lần tắm ké đã tốn 10 ngàn rồi.
Ngày nào chú cũng trông các chị ấy ghé qua cho cơm, hôm nào chậm là đói, hộp cơm quý lắm con ơi".
Niềm hạnh phúc của những người lao động nghèo khi được tặng cơm miễn phí
Cuộc sống của những người nghèo, vô gia cư thêm phần khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát
Hộp cơm nhỏ, nghĩa tình lớn...
Có lẽ không chỉ riêng chú Phong mà với những người lao động nghèo, vô gia cư, dịch bệnh khiến cuộc sống của họ thêm phần lay lắt. Nếu như không có những phần cơm nghĩa tình của chị Tưởng hay phần sữa bánh, gạo mì..., của rất nhiều nhóm từ thiện khác đã và đang nỗ lực dang rộng vòng tay che chở, cưu mang họ thì có lẽ, họ đã không thể nào trụ nổi.
Sài Gòn lúc nào cũng vậy, dẫu cho gặp bao nhiêu khó khăn, thử thách, những người ở Sài Gòn vẫn luôn biết cách để bao bọc nhau. Người có của giúp người khó khăn, người có nhà phụ người không nơi nương tựa, tất cả đều cố gắng để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19.
Người Sài Gòn tốt lắm!
Một người đàn ông vô gia cư đứng trước ngã tư đường cảm ơn ríu rít chị Tưởng khi được phát cơm miễn phí
Các phần cơm được chị Tưởng mang vào BV Phục hồi chức năng (quận 8)
Một người phụ nữ trên đường Trần Hưng Đạo xin 2 phần cơm cho 2 mẹ con, tuy nhiên sau khi thấy anh shipper đến trễ, hết cơm, chị sẵn sàng nhường lại 1 phần cho anh shipper, vui vẻ nhận 1 hộp cơm về để 2 mẹ con ăn trưa. Một câu chuyện tuy nhỏ nhưng đủ để ai chứng kiến đều ấm lòng
Hộp cơm trao đi, niềm vui ở lại, người Sài Gòn luôn vậy, đong đầy yêu thương dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn ra sao...
Theo chị Tưởng, mọi người nhận cơm đều có ý thức, chỉ xin đúng số phần của mình cần, không chen lấn, tranh giành, sẵn sàng nhường nhau trong mùa dịch
Mọi người luôn tin tưởng và đợi Sài Gòn khỏe lại, cố lên!
Văn Tiên - Clip: Kingpro