(Tổ Quốc) - Ông Chương làm nên sự nghiệp từ những bộ vest đắt tiền. Giàu có, nhiều đam mê nên ông cũng nhiều thú chơi xa xỉ như chim màu, bonsai, cá Koi, đồ cổ và cực kỳ mê hát. Ông nói: “Tôi chơi chim chứ không bán chim”, tức chơi vì đam mê chứ không nhằm chứng minh sự giàu có.
Tòa nhà Chương Tailor nổi bật trên phố Cửa Bắc với thiết kế theo phong cách Phục Hưng mang vẻ đẹp đặc trưng của quý tộc phương Tây. Đây là nơi ông chủ Dương Văn Chương kinh doanh, tiếp những vị khách yêu thích bộ vest sang trọng của thương hiệu Chương Tailor, cũng là nơi gia đình ông sinh sống với thú chơi xa xỉ như chim màu, cá koi, đồ cổ…
Tòa nhà này đồng thời là một lời khẳng định cho ước mơ xây dựng thương hiệu thời trang lớn của ông Chương từ 20 năm trước.
Nhắc đến Chương Tailor, người ta có một sự tò mò không nhỏ đối với những bộ vest có giá từ 100- 600 triệu đồng. Từ khi nào ông bắt đầu sản xuất những bộ vest đắt tiền như vậy?
10 năm trở lại đây, khi các thương hiệu vải cao cấp của nước ngoài du nhập vào Việt Nam, tôi mới có thể làm ra những bộ đồ đắt tiền đó.
Vải để may bộ vest đắt nhất ở Chương Tailor là Vicuña – loại vải hảo hạng nhất trên thế giới, được biết đến với cái tên "sợi vàng của chúa trời". Sợi vải được dệt từ lông tơ của lạc đà không bướu được nuôi tự nhiên ở độ cao trên 1800m so với mặt nước biển. Trong 3 năm, người ta mới lấy được 2 gram lông và phải mất 4 tháng để dệt nên 4 mét vải bằng một loại máy dệt cổ, đủ may 1 bộ vest.
Ngoài vải, một bộ vest đắt tiền còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Không chỉ tay nghề của nghệ nhân mà còn là loại máy may, loại chỉ, cúc khuy, phom dáng, dịch vụ…
Khi khách đặt may bộ đồ 400 – 500 triệu, chúng tôi sẽ tặng một bộ bình thường có giá 10-20 triệu làm "demo". Bộ đồ này cũng được cắt và chỉnh sửa để khách mặc trước, sao cho vừa vặn nhất, ưng ý nhất. Tới khi họ không thể chê điều gì nữa, chúng tôi mới dựng bộ vest cao cấp hoàn thiện. Đó là bộ đồ hoàn hảo nhất, chỉn chu nhất từ đường kim đến mũi chỉ.
Tham vọng của ông là 5 năm nữa có thể mở một cửa hàng may bespoke tại Savile Row – con phố thời trang nổi tiếng ở Anh. Những bộ vest 600 triệu có phải là sản phẩm để thực hiện tham vọng này?
Những bộ vest cao cấp khẳng định thương hiệu của Chương Tailor. Nhưng khi ra nước ngoài, tôi định vị giá sản phẩm của Chương Tailor sẽ ngang hoặc thấp hơn so với giá của những thương hiệu tại nước sở tại, bởi trước hết, Việt Nam có chi phí sản xuất và nhân công rẻ hơn.
Trong khi đó, nói một cách khách quan, với những sản phẩm có tính thủ công thì Việt Nam luôn vượt trội về chất lượng. Tôi đã đi thăm cả phố Savile Row của Anh (một con phố giống như phố Hàng Trống tại Hà Nội). Tôi thấy rằng, vest tại những cửa hàng của họ không thể chi tiết, tỉ mỉ như của mình. Và họ sản xuất kiểu công nghiệp chứ không yêu nghề như những người thợ may của Việt Nam.
Cho nên, nếu làm tốt về định vị giá, đó sẽ là một vũ khí lớn để mang thương hiệu Việt ra thế giới và cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.
Vest là sản phẩm thời trang phương tây, nếu đi ra nước ngoài, một thương hiệu Việt có thể chinh phục khách hàng phương Tây bởi điều gì?
Bởi chất lượng của sản phẩm, dịch vụ đi kèm và cách làm thương hiệu nữa.
Các khách hàng đến showroom Chương Tailor luôn được phục vụ như giới quý tộc: Thưởng thức rượu, hút cigar trong một không gian sang trọng. Sản phẩm được bảo hành trọn đời từng đường kim mũi chỉ, giặt là khô miễn phí trọn đời.
Hơn thế, chúng tôi luôn nghiên cứu học hỏi những thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất thế giới về vest để tìm ra cách thức tạo nên những sản phẩm tốt hơn.
Với những người không có nhiều hiểu biết về vest sẽ cảm thấy bộ nào chẳng giống nhau? Vậy sức sáng tạo để tạo ra sự khác biệt đối với sản phẩm chỉ có một kiểu như vest được thể hiện như thế nào?
Trong giới thời trang, vest là một trường hợp đặc biệt. Với một chiếc váy, nhà thiết kế có thể lấy cảm hứng từ đóa tulip hay đóa hoa sen để tạo hình sản phẩm độc đáo.
Nhưng vest thì khác. 300 năm nay cấu trúc cơ bản của vest không hề thay đổi, nên tính sáng tạo của bộ vest phải đạt đến ngưỡng vô cùng tinh tế sao cho một nét sáng tạo nhỏ không hề phá vỡ cấu trúc kinh điển của bộ vest mà vẫn thể hiện chất nghệ thuật riêng của nhà thiết kế.
Ví dụ như sự phá cách trong chất liệu và đường nét, cúc áo mạ vàng, đường cong của tay áo hay lót áo… Nếu để tôi tóm gọn lại sáng tạo vest là gì thì đó là "nét chấm phá tuân thủ giá trị kinh điển và phát huy sức sáng tạo cá nhân trong một điểm nhỏ nhất."
Nếu ai đó nói rằng, khát vọng đưa thương hiệu thời trang Việt Nam đến thánh địa của những bộ vest chỉ là chém gió, ông nghĩ gì?
Không sao. Tôi là người nói đi đôi với làm, không có chuyện chém linh tinh.
"Đem chuông đi gõ xứ người" không bao giờ là câu chuyện dễ dàng nhưng mình sống thì phải có mục tiêu, hoài bão và giấc mơ một cách rõ ràng.
Nếu đạt được, đó là điều tốt. Còn nếu xảy ra vấn đề, mình cũng phải biết xoay chuyển để vượt qua. Trong cuộc sống, chúng ta không thể khẳng định lúc nào cũng khỏe mạnh, không xảy ra bệnh tật hay chuyện nọ kia để làm được tốt mọi thứ.
Tôi cho rằng, để thực hiện khát vọng thì thế và lực là điều kiện cần và đủ. Những hiệp định thương mại song phương mà Chính phủ ký kết đã mở một con đường rộng để doanh nghiệp Việt như chúng tôi vươn ra biển lớn. Đó là "thế".
Với chữ "lực", điều tôi quan tâm nhất là nội lực. Và tôi tin tưởng nội lực của công ty, của hệ thống được tôi xây dựng và vận hành trơn tru ngay cả trong sóng gió như đợt dịch vừa qua.
Thời gian sẽ chứng minh tôi đạt được mục tiêu hay không. Cách đây 20 năm, khi tôi nói muốn xây dựng tòa nhà của Chương Tailor với thương hiệu đặc trưng như cửa hàng của Louis Vuitton, có ai tin đâu. Nhưng tôi đã làm được.
Từng có lời quảng cáo như sau: "Sản phẩm cao cấp của Chương Tailor sẽ góp phần nâng cao giá trị hình ảnh đàn ông Việt". Trong góc nhìn của ông, giá trị đàn ông Việt bao gồm những gì?
"Giá trị đàn ông Việt" là một khái niệm rộng, nhưng với tôi có thể tóm gọn trong 3 chữ: Tâm – Tầm- Tài. Bộ vest không nâng cao giá trị đàn ông Việt, nó thể hiện giá trị đàn ông Việt.
Giá trị của người đàn ông phải do người đàn ông mài giũa trên con đường chinh phục thành công mới có được. Và bộ vest là phương tiện tốt nhất để truyền tải tất cả giá trị đó ra bên ngoài.
Tức là ông đánh giá một người đàn ông qua bộ vest họ mặc?
Người xưa có dạy: Y phục xứng kỳ đức. Trang phục thể hiện tính cách của người mặc. Khi nhìn một bộ vest, tôi có thể phân tích phần nào về chủ nhân bộ đồ.
Ví dụ, một người đa phong cách sẽ mặc mỗi ngày một bộ kẻ khác nhau. Nhìn người mặc vest có màu sắc rực rỡ, mình biết ngay người này có tính cách hơi sến. Người chuyên mặc màu đen sẽ có tính cách kỷ luật. Những người thích màu ghi, be hay màu sáng có thể là những người làm nhà nước vì tính chất công việc…
Nhìn chung, khi một người có gu, quan tâm đến trang phục thì trước tiên họ tôn trọng bản thân và đối tác. Và như vậy, họ chắc chắn sẽ có ít nhất một số đức tính tốt. Bên cạnh đó, theo ý kiến cá nhân của tôi thì những người ăn mặc đẹp là những người kiếm ra tiền.
Ngoài công việc kinh doanh kiếm ra tiền, ông có những thú chơi gì?
Tôi có nhiều đam mê nên cũng nhiều thú chơi như chơi chim màu, chơi cây bonsai, chơi cá Koi, chơi đồ cổ và đặc biệt là hát. Tối nào tôi cũng có bạn bè là các nghệ sỹ đến hát cùng. Khá thú vị.
Về cá, tôi có 3 bể cá Koi, 1 bể ở Sài Gòn và 2 bể ở Hà Nội. Mỗi lúc cho cá Koi ăn, tôi thấy lòng rất thoải mái. Đó là loại cá nhiều màu sắc, thuộc một trong những loài đẹp nhất thế giới và cũng khá đắt tiền. Ngắm nó, tôi cảm nhận được nhiều giá trị.
Còn khi nuôi chim, chúng ta phải tinh ý, hiểu về đặc tính từng loài, phải đủ tinh tế để phân biệt tiếng hót, đủ sắc sảo để thưởng thức cái đẹp của màu lông. Mình phải hiểu, những con chim giá 500 triệu khác với những con 50 triệu như thế nào.
Ví dụ, 1 con chim khuyên bình thường có lông màu xanh. Loài đột biến có lông màu cốm, nếu chân, mỏ vẫn là màu nâu bình thường thì giá khoảng 20-30 triệu, tương đương với điểm 2, 3.
Còn trên mức đó, lông hơi ánh vàng nhưng mắt vẫn đen thì lên đến điểm 4, khoảng 60-70 triệu đồng. Nếu ánh vàng hơn nữa, mỏ hơi nâu và mắt nâu hơn thì lên điểm 6, giá 80 -100 triệu. Còn lên đến điểm hoàng (lông vàng) mà mỏ vẫn nâu, mắt nâu đỏ tức là điểm 8, giá hơn 100 triệu. Khi hoàng hết mà mắt nâu, giá 200-250 triệu.
Còn lên đến mắt đỏ, hoàng hết, chân hồng, mỏ hồng thì giá khác hẳn rồi. Cộng thêm bộ hót, bộ đấu và bộ dáng tạo nên sự hoàn hảo thì giá phải đến 500 triệu, tùy thuộc vào người thích nữa. Khi cái gì đã đẹp và độc một cách hoàn hảo thì trở thành vô giá.
Có vẻ như người giàu thường bị hấp dẫn bởi những dòng đột biến?
Đột biến là sự khác biệt. Con chim đột biến sẽ pha màu khác bình thường và đẹp hơn. Giống như mình mặc một bộ cánh đẹp, làm một mái tóc đẹp.
Bên cạnh đẹp còn là độc. Thông thường, người có điều kiện muốn sở hữu những thứ đó để thỏa mãn đam mê và chứng minh sự giàu có.
Với ông, những thú chơi trên có nhằm chứng minh sự giàu có?
Không, tôi chơi bằng cái tâm. Từ hồi 6-7 tuổi, tôi đã thích nuôi chim chứ không phải đến khi có tiền mới chơi.
Có thể có những người chơi xa xỉ để làm thương hiệu bán hàng. Còn tôi chơi chim chứ không bán chim, chơi cây không bán cây, chơi cá không bán cá. Nó khác nhau.
Tại sao tôi không chơi siêu xe hay cái gì khác mà lại là chim, là cá? Nói về sở thích, về đam mê thì không thể ép buộc được. Thực tế, tính cách của tôi là tình cảm, thích sống hướng về gia đình. Chơi xe, bạn có thể để xe trong gara nhiều ngày không sờ đến cũng không sao. Nhưng khi nuôi một sinh vật sống, mình phải yêu và chăm sóc nó hàng ngày như chăm con bởi nếu không chăm, nhỡ nó ra đi, mình sẽ vô cùng đau buồn, day dứt.
Tính cách như vậy nên ông thích và nối nghiệp may của bố?
Đúng thế. Trong 7 anh em, tôi là người duy nhất đam mê thời trang và nối nghiệp may của bố trong khi các anh chị em đều làm chính trị. Từ khi còn nhỏ, tôi đã theo bố, cặm cụi từng đường kim mũi chỉ.
Khi đó, ông có thấy mình khác biệt so với các bạn trai cùng tuổi?
Khác biệt là một điều tốt, không khác biệt thì không thể thành công, đặc biệt trong ngành nghề thiết kế thời trang và giai đoạn hội nhập sâu trong trường quốc tế.
Nghĩ lại tôi phải cảm ơn những ánh mắt lạ lẫm ấy của đám bạn bè, vì nó rèn luyện cho mình bản lĩnh dám khác biệt trước mọi ánh nhìn của người khác, ngay từ nhỏ.
Ông có kể rằng trong giai đoạn đầu khó khăn, chưa có tiền thuê người, ông là thợ cả, tự tay làm tất. Một ngày đêm, ông cắt tay được 52 bộ vest, cắt tới giãn cả cơ tay. Tại sao ông làm việc với cường độ như vậy?
Hồi ấy, vất vả thì rất vất vả nhưng tâm trí thì vô cùng thoải mái vì tôi có mục tiêu rõ ràng, định hướng cụ thể để thực hiện giấc mơ của mình, đó là có đủ số vốn để xây dựng thương hiệu thời trang lớn.
Mọi người vẫn hay đùa "chẳng ai đánh thuế giấc mơ, tội gì mà không mơ lớn". Với tôi, kể cả giấc mơ bị đánh thuế 50% thì cũng phải mơ ước lớn. Và nếu như chỉ biết mơ mà không dám thực hiện, tôi chắc chắn không có được như ngày hôm nay.
Với sản lượng 52 bộ/ngày, hẳn ông kiếm được rất nhiều tiền?
Số tiền tôi kiếm được từ việc cắt 52 bộ/ ngày đủ để nằm trong nhóm thu nhập cao của thành phố bấy giờ. Nhưng khi đó, giá trị tôi nhận được và muốn nhận được nhiều hơn không phải giá trị về kinh tế, về con số bao nhiêu tiền mà là giá trị lòng tin của khách hàng.
Mọi người nói uy tín quý hơn vàng với tôi là hoàn toàn chính xác. Sống dư dả nuôi gia đình là cái tốt nhưng xây dựng được cái riêng của mình cho đời mới là cái đẹp. Tôi thì luôn thích cái đẹp.
Khi ta nỗ lực hết mình, mọi sự hưởng thụ của bản thân đều là xứng đáng. Nỗ lực rồi, hưởng thụ rồi, giờ ông muốn điều gì?
Các thú chơi của tôi không chỉ là sự hưởng thụ. Tại ngôi nhà này, tuy ở phố cổ, diện tích nhỏ nhưng cũng đủ thú chơi như đồng hồ cổ, cây, bể cá, phòng hát... để không chỉ phục vụ cho bản thân tôi mà còn cho chính vợ con, bố mẹ. Vào chủ nhật, con tôi vẫn đi tỉa cây, chăm chim giúp bố. Làm như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ giúp ích cho việc bồi đắp tâm hồn con.
Suy cho cùng, giá trị cuộc đời là làm những điều tốt nhất trong khả năng và trí tuệ của mình. Quan điểm của tôi, đầu tiên là phải làm tốt cho gia đình, sau đó là no ấm cho nhân viên. Trên nữa là chia sẻ được nhiều thứ hơn cho xã hội.
Tôi không đặt giới hạn cho ước mơ của mình. Và hiện tại tôi đang đặt những viên gạch đầu tiên cho thương hiệu Chương Tailor, để những thế hệ sau tiếp nối và phát triển thương hiệu ngang tầm với những thương hiệu hàng đầu thế giới.
Hương Nguyễn - Ngô My; Photo & Design: Riverside