(Tổ Quốc) - Đôi khi, chúng ta thổ lộ nhiều điều về bản thân với Google hơn là những người thân thiết nhất.
Có thể mơ hồ "vơ đũa" một chút rằng: Chúng ta thích... nói chuyện với Google hơn hẳn việc kể lể cùng người khác. Chuyện này còn đúng hơn nếu vấn đề của bạn có phần nhạy cảm.
Theo ABC News, cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới nắm giữ hầu như toàn bộ hoạt động trên internet của người dùng - do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi Google hiểu con người hơn cả bác sĩ tâm lý.
Tiến sĩ tâm lý Michael Birnbaum đến từ Học viện Feinstein (Mỹ) cho hay:
"Dữ liệu về tìm kiếm trên Google cho ta thấy cách một người suy nghĩ và cảm nhận cuộc sống".
Bên cạnh vấn đề công việc, ngày càng nhiều người tìm kiếm lời khuyên hoặc thông tin liên quan tới sức khỏe của họ. Điều này đặc biệt đúng khi nhắc tới khía cạnh nhạy cảm, dễ bị phán xét như sức khỏe tâm thần.
Nghi ngờ ai đó có vấn đề tâm thần? Lịch sử tìm kiếm trên Google của họ có thể nói lên đôi điều
Các nhà nghiên cứu đã so sánh 32.733 kết quả tìm kiếm trên Google giữa các tình nguyện viên khỏe mạnh và bệnh nhân mắc chứng Rối loạn Phổ Tâm thần phân liệt (SSD - đặc trưng bởi các triệu chứng rối loạn tâm thần).
Dữ liệu cuối cùng cho phép xác định các cá nhân mắc SSD, thậm chí dự đoán sự tái phát rối loạn tâm thần.
Theo chuyên trang sức khỏe tâm thần JMIR:
- Người Rối loạn Phổ Tâm thần phân liệt (SSD) tìm kiếm trên Google rất ít, từ ngữ trong câu cũng hạn chế hơn bình thường
- Trong thời gian tái phát, người mắc SSD nhiều khả năng sử dụng các từ liên quan đến thính giác, nhận thức và tức giận...
Không chỉ Google, những nền tảng MXH khác cho phép người dùng tìm kiếm cũng được nghiên cứu.
Lấy ví dụ như hoạt động của một người trên Facebook cũng nói lên nhiều điều về sức khỏe tâm thần của họ, vấn đề tương tự cũng diễn ra trên Twitter và Instagram. Tóm lại, cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận chính xác.
Người dùng: "Google, vấn đề của tôi là..."
GOOGLE: "QUẢNG CÁO, QUẢNG CÁO VÀ QUẢNG CÁO"
Không đơn giản là bỏ tiền ra mua thứ hạng từ khóa, kết quả tìm kiếm trên Google còn phụ thuộc vào thuật toán cá nhân hóa dữ liệu người dùng.
Hiểu đơn giản, bạn bước vào các website và để lại thông tin liên quan về bản thân mà đôi khi không hay biết.
Theo Don't Track.US, nhiều website lớn như MSN, Yahoo và cả CNN cài đặt trung bình... 64 cookie* để lấy thông tin về hành vi trực tuyến của người dùng.
*Cookie: file tạm để lưu thông tin người dùng khi truy cập trang web như tên đăng nhập, mật khẩu, thiết lập...
Khi ta tìm kiếm gì đó trên Google, nhấp vào 1 trong những kết quả, cụm từ liên quan sẽ bắn thẳng về máy chủ kèm IP, vị trí, thông tin... và âm thầm trở thành "sổ thông tin" trực tuyến của từng người dùng.
Việc thông tin này có bị bán cho các bên thứ ba để chạy quảng cáo hay không thì chịu, nhưng sản phẩm liên quan sẽ đeo đuổi bạn đến phát hờn thì thôi.
Và thông tin của chúng ta không chỉ bị lợi dụng để chạy quảng cáo.
Profile của nhóm người dùng nào cao cấp hơn sẽ bán được giá hoặc nhìn thấy nhiều sản phẩm đắt tiền hơn. Ví dụ, người dùng sản phẩm Apple như iPhone và Macbook đời mới luôn được giới thiệu các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đắt tiền.
Tổng hợp từ Don't Track.US/ABC News
JJJ