(Tổ Quốc) - Người lớn đôi khi nhầm tưởng trẻ con không biết gì, không để ý đến chuyện bố mẹ mâu thuẫn, cãi vã nhau. Thế nhưng, câu nói của một cậu bé trong câu chuyện dưới đây khiến nhiều người phải xem xét lại bản thân.
Trong các gia đình, việc vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí cả hành vi bạo lực là điều không phải hiếm có.
Áp lực cuộc sống, cơm áo gạo tiền, hay sự bất đồng trong quan điểm, tư tưởng sống…là một trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột của các cặp vợ chồng. Nếu không học cách kiềm chế, kiểm soát cảm xúc và cơn nóng giận thì "chiến tranh lạnh", hay bạo lực gia đình là điều dễ xảy đến.
Khi ấy, người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất chính là những đứa trẻ trong gia đình. Đừng nghĩ "trẻ con thì không biết gì", "chắc con không để ý"…đó chỉ là những lý do mà người lớn nghĩ ra để tự bào chữa và bỏ qua cho chính lỗi lầm của mình.
Việc cha mẹ bất hòa, căng thẳng, thậm chí cãi nhau, đánh nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực (Ảnh minh họa)
Câu chuyện về một cậu bé dưới đây đã khiến nhiều người phải tự xem xét lại mình. Theo đó, chị của cậu bé đã lên mạng kể lại câu chuyện của chính gia đình mình:
"Mình sinh ra trong một gia đình mà ba mẹ không hạnh phúc, cãi vã, chửi bới, có cả đánh đập nhau từ năm mình học lớp 5 cho tới bây giờ đã 24 tuổi.
Trong ảnh là em trai mình năm nay học lớp 3, hôm nay nó ngủ với mình. Ba mẹ cãi vã trước mặt nó, tại nghĩ nó cũng vô tư và không quan tâm mấy.
Nhưng mình thấy mắt nó ướt, hỏi thì nó bảo: "Mắt pepsi ướt hoài khó ngủ quá"; "Pepsi thấy lo cho mẹ"…"
Cô gái trẻ chia sẻ, hai câu nói của cậu em trai khiến cô vô cùng bất ngờ. Cô và cả bố mẹ cô đều cho rằng cậu bé 8 tuổi còn hồn nhiên, vô tư nên sẽ không để ý đến chuyện bố mẹ mâu thuẫn, to tiếng với nhau.
Thế nhưng, cậu bé sớm hiểu chuyện gì đang diễn ra trong tổ ấm nhỏ của mình, thậm chí, trong tâm trí non nớt ấy đã hình thành nỗi lo lắng, bất an mơ hồ.
Cô gái trẻ cảm thấy xót xa sau câu nói của em, cô dẫn em trai vào phòng ngủ: "Mình chỉ biết xoa đầu cho nó ngủ và không cho phép bản thân khóc, dù trong lòng mình cũng đang muốn vỡ tung".
Kèm theo câu chuyện là bức ảnh cậu bé 8 tuổi đang nằm trên giường, tay vẫn đang giữ chặt lấy chiếc khăn để lau khô những giọt nước mắt.
Hình ảnh khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ đã nhận nhiều sự đồng cảm, xót xa từ phía cộng đồng dành cho những đứa trẻ không may sinh ra và lớn lên trong gia đình mà giữa bố mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã.
Mối quan hệ của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm sinh lý của con cái. Cha mẹ bất hòa, căng thẳng, thậm chí cãi nhau, đánh nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Với trẻ nhỏ, việc chứng kiến bố mẹ thường xuyên tranh cãi, gia đình thường xuyên căng thẳng sẽ khiến các em cảm thấy chán nản uất ức, từ đó ảnh hưởng đến việc học hành.
Còn với các bạn lớn hơn một chút, việc này thậm chí có thể dẫn đến khả năng trẻ tự làm hại chính mình.
Dân mạng cũng chia sẻ hoàn cảnh gia đình và cảm xúc bất an, chán chường khi bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn
Chính bởi lẽ đó, khi đứng trước nguy cơ nảy sinh xung đột, phải làm sao để tránh làm tổn thương đến con cái là việc mà người làm bố mẹ rất cần lưu tâm. Khi bố mẹ cãi nhau, nếu đôi bên có thể bình tĩnh trở lại và thảo luận vấn đề phát sinh theo lý trí thì đây chính là giải pháp tốt nhất.
Từ câu chuyện trên, nhiều người cũng tự ngẫm lại chính bản thân mình. Liệu bạn đã và đang học bài học không hề đơn giản: Học làm cha, làm mẹ trước khi quyết định kết hôn và sinh con hay chưa?
Ngân Hà