(Tổ Quốc) - Trong tiệc cưới có tiết mục trao quà cho đôi trẻ, bà nội anh lên nắm tay em, đặt vào tay em một vật nhỏ nhỏ. Em chỉ nghĩ là đôi chỉ vàng, vì bà làm gì có tiền đâu. Không ngờ...
Mọi người có bao giờ nghe chuyện, bạn gái của cháu trai phải chăm bà nội anh ròng rã 3 tháng trời ở bệnh viện chưa ạ? Thế mà chính em đã rơi vào cảnh ngộ như vậy đấy.
Em và người yêu bên nhau được hơn 3 năm. Thời điểm bà anh ốm, anh đang học nâng cao ở nước ngoài. Chỉ đợi cuối năm anh về là tụi em tổ chức lễ cưới.
Hôm đó, em bất ngờ nhận được điện thoại từ bố bạn trai, muốn em tới nhà có chuyện cần bàn. Em còn vô tư nghĩ rằng, 2 bác hỏi em chuyện liên quan đến đám cưới cơ. Nào ngờ, khi em có mặt, thì họ hàng đằng nội nhà bạn trai đều đến đông đủ.
Và em ù ù cạc cạc trở thành đối tượng bị chỉ đích danh đi chăm sóc bà nội anh đang nằm viện. Bà nội anh có con trai, con gái, cháu chắt đủ cả. Nhưng ai cũng bận, người bận con nhỏ, người bận đi làm, người bận chăm sóc chồng con. Người không bận thì ốm đau, mệt mỏi, tuổi cao sức yếu.
Chốt lại, em vừa trẻ khỏe, vừa độc thân rảnh rang, lại là dâu trưởng tương lai trong nhà. Bạn trai em là cháu đích tôn mà. Việc này không tới tay em thì tới tay ai? Đã thế mẹ người yêu còn nhắc nhở em: “Cháu chịu khó tạo ấn tượng tốt với mọi người, sau này về đây sẽ dễ sống hơn”.
Nói thật em thấy mọi người quá nực cười. Nhưng thôi em chả buồn cãi cọ, tranh luận. Em chỉ nghĩ thương bà, cả đời vất vả mà giờ ốm đau cần con cái ở bên chăm sóc, vậy mà ai cũng trốn tránh. Đồng thời nghĩ đến bạn trai em, em yêu anh nên sẽ cố gắng chăm sóc bà thay anh vậy.
Và thế là em khăn gói vào viện, ăn ngủ ở viện luôn. Ngày đi làm, trưa và tối lại vào viện với bà. Chạy như con thoi, ban đầu cũng mệt lắm. Nhưng dần dà thành quen. Bà rất vui tính, tâm lý, 2 bà cháu thủ thỉ với nhau đủ thứ chuyện cả ngày không chán.
Hết 3 tháng bà đã khỏe hẳn, ra viện về nhà. Sau đó không lâu bạn trai em cũng về nước. Vì có chuyện em chăm bà mà không ai dám chê bai, dị nghị gì về đám cưới của chúng em cả. Chồng sắp cưới còn xúc động, cảm kích em mãi. Em thấy thế là thỏa mãn rồi.
Trong tiệc cưới có tiết mục trao quà cho đôi trẻ, bà nội anh lên nắm tay em, đặt vào tay em một vật nhỏ nhỏ. Em chỉ nghĩ là đôi chỉ vàng, vì bà làm gì có tiền đâu. Nhưng khi xòe tay ra, em thẫn thờ biết đó là một chiếc chìa khóa nhà.
“Bà chả có gì, có căn hộ tặng 2 cháu làm tổ ấm riêng”, bà mỉm cười nói với em. Các thành viên trong gia đình chồng em đều kinh hãi không thốt nên lời. Sau đó rào rào truy vấn bà lấy đâu ra tiền, tại sao lại giấu họ, quan trọng hơn tại sao lại cho cháu dâu mà con trai, con gái đây không cho.
Bà thản nhiên nhìn họ, đáp: “Lúc tôi ốm, giá kể các anh chị sốt sắng được như này nhỉ”. Câu nói của bà thành công khiến mọi người đều xụ mặt lui về.
Rồi em mới biết, căn hộ bà tặng vợ chồng em trị giá hẳn 1,5 tỷ. Thời trẻ, bà xông pha buôn bán ngược xuôi, tích góp được kha khá. Nhưng tư tưởng bà muốn con cái tự lập, thành ra đến tài sản bà có bao nhiêu, các con cũng chẳng hay biết. Thế mà nhờ đó lại biết được lòng dạ các con đối với mẹ già thế nào.
Em với chồng ngỏ ý trả lại món quà vì ngại với các chú bác, nhưng bà nhất quyết không nhận về. Bà nói, tiền của bà, bà muốn cho ai thì cho. Sau này cũng không phải bắt vợ chồng em nuôi bà, vì số tiền tiết kiệm của bà thừa dưỡng già.
Chồng em nghĩ nghĩ rồi đồng ý nhận, còn em vẫn thấy áy náy quá. Nhất là em sẽ trở thành đối tượng bị cả họ hàng nhà chồng nhìn chằm chằm, em cảm thấy không yên lòng chút nào. Em có nên nhận món quà của bà không?
P.G.G