Chưa hết tự hào vì con có tay chân "củ sen", bà mẹ kinh hoàng nghe bác sĩ nói: "May còn kịp"

(Tổ Quốc) - Theo bác sĩ, chỉ cần để thêm 1 thời gian ngắn nữa thôi là đứa trẻ sẽ bị cắt cụt chi vì hoại tử.

Sau 3 năm kết hôn, cuối cùng Khả Vi (sống ở Vân Nam, Trung Quốc) cũng mang thai trong niềm vui tột độ của chồng và gia đình. Trong thời gian bầu bí, cô được mẹ chồng chăm bẵm tận tình. Cứ thế, cân nặng của Khả Vi tăng lên nhanh chóng. Cuối cùng, mẹ bầu này phải sinh mổ vì em bé quá to, nặng hơn 4kg.

Nhìn cháu trai bụ bẫm, nặng cân nhất bệnh viện tại thời điểm đấy, mẹ chồng Khả Vi cười tít mắt. Thằng cháu đích tôn to béo mà bà mong ngóng bấy lâu nay cuối cùng cũng đã chào đời.

Một tháng sau sinh, Khả Vi nhận thấy tay chân của con mình chia thành nhiều khúc trông như củ sen. Hai cánh tay tuy không rõ rằng lắm nhưng các "củ sen" ở chân thì lại phân chia rất rõ ràng với các đường vân rất sâu. Cô hỏi mẹ chồng xem tay chân của con như thế thì có bị làm sao không, bà liền bảo: "Trẻ con đứa nào béo mà chẳng thế. Con lo cái gì cơ chứ".

Chưa hết tự hào vì con có tay chân

Con đầy tháng, Khả Vi thấy tay chân con được phân chia thành nhiều khúc trông như củ sen (Ảnh minh họa).

Nghe mẹ nói vậy, Khả Vi cũng yên tâm hơn phần nào. Tuy nhiên, khi bé trai được 3 tháng tuổi, các "củ sen" trên chân của bé càng được phân chia rõ ràng hơn, các đường ngấn phân chia sâu hơn đến mức cứ như bị dây thun buộc chặt lại. Song, Khả Vi vẫn cho rằng hiện tượng này xảy ra là do con trai mình mập quá. Cho đến trong một lần tắm cho con, bà mẹ 1 con mới phát hiện ra da ở các khe ngấn sâu bị lở loét.

Khả Vi vô cùng lo lắng nên quyết định ngày hôm sau sẽ đưa con vào bệnh viện khám. Không ngăn được con dâu, mẹ chồng cô đành phải đi cùng.

Câu đầu tiên khi bác sĩ nhìn thấy chân tay của đứa trẻ chính là: "May quá, mọi người đã đưa bé đến kịp lúc". Câu nói này đã làm cho hai mẹ con Khả Vi kinh hoàng. Thì ra, bé trai bị mắc phải một căn bệnh có tên là "hội chứng dải sợi ối" – một tình trạng bất thường ở túi ối có khả năng gây dị tật nghiêm trọng cho thai nhi, chứ không phải là do mập mạp mà sinh ra có ngấn. Chưa hết, bác sĩ còn yêu cầu người nhà bệnh nhi làm thủ tục nhập viện cho đứa trẻ được phẫu thuật điều trị ngay. Vì nếu để lâu hơn, tình trạng bệnh sẽ trở nên trầm trọng đến mức phải cắt cụt chi.

Chưa hết tự hào vì con có tay chân

Trong lần tắm con, Khả Vi phát hiện da ở các khe ngấn sâu bị lở loét, vì thế cô đã đưa con đến bệnh viện khám (Ảnh minh họa).

Lúc này, Khả Vi và mẹ chồng mới thật sự sợ hãi. Nhưng họ vẫn không tin lời bác sĩ nói. Mẹ chồng cô còn cho rằng bác sĩ "làm tiền". Đây chẳng phải là vì cháu trai của bà mập quá nên có ngấn chân ngấn tay thôi sao? Sao lại phải phẫu thuật? Và bà cương quyết bắt Khả Vi qua bệnh viện khác khám.

Qua thêm 2 bệnh viện nữa, các bác sĩ đều có kết luận giống y hệt nhau. Đến lúc này, không còn cách nào khác, Khả Vi đành phải làm thủ tục cho con nhập viện để con còn kịp phẫu thuật. May mắn là ca mổ thành công, vài ngày sau, đứa trẻ đã được xuất viện về nhà.

Hội chứng dải sợi ối là gì?

Hội chứng dải sợi ối (Amniotic Band Syndrome - ABS) hay còn được biết đến với các tên gọi khác như hội chứng dải màng ối, vòng thắt bẩm sinh là một tình trạng hiếm gặp ở thai nhi với tỷ lệ mắc là từ 1/1200 – 1500 trẻ.

Chưa hết tự hào vì con có tay chân

Hội chứng dải sợi ối là do lớp màng ối bên trong bị vỡ ra, các sợi ối vô tình quấn vào tay chân và cơ thể của thai nhi (Ảnh minh họa).

Thông thường, màng ối có 2 lớp: Màng trong và màng ngoài. Song, vì một lý do nào đó, mà lớp màng trong ối bị vỡ ra khiến các dây màng ối lơ lửng trong túi ối. Trong trường hợp các sợi dải ối này vô tình quấn vào các bộ phận của thai nhi sẽ khiến phần cơ thể đó không thể lưu thông máu, từ đó dẫn đến dị tật như dính ngón, khèo chân, cụt chi… Thậm chí, có một số trẻ vừa chào đời đã phải phẫu thuật cắt bỏ chân tay do bị hoại tử.

Còn nếu sợi dải ối bám vào đầu, mặt, cổ thì sẽ dẫn đến các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch. Nguy hiểm hơn nữa là khi những sợi dây này bám vào dây rốn hoặc thân mình, gây cản trở cắt đứt nguồn cung cấp máu thì thai nhi sẽ bị chết lưu.

Còn triệu chứng rõ ràng nhất của hội chứng sợi dải ối chính là tay chân của bé được phân chia từng khúc trông như củ sen.

Siêu âm là cách hiệu quả nhất để chẩn đoán hội chứng dải sợi ối. Vì vậy, đi khám thai thường xuyên, đúng định kỳ chính là cách thức để các bác sĩ dễ dàng phát hiện ra em bé có bị mắc phải hội chứng nguy hiểm này hay không. Nếu chẳng may thai nhi bị hội chứng dải sợi ối, bác sĩ sẽ theo dõi và có phương án thích hợp cho từng thời điểm.

Nguồn: QQ, Fetus

H.H

Tin mới