(Tổ Quốc) - Được hoạt động trở lại sau quãng thời gian dài đóng cửa để phòng chống dịch, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, bar, Internet ở Hà Nội buồn vui lẫn lộn. Có nơi rục rịch dọn dẹp mở cửa, nơi vẫn "án binh bất động".
Chiều 6/4, UBND TP Hà Nội ra thông báo cho phép mở cửa các dịch vụ karaoke, massage, bar, Internet từ 0h ngày 8/4. Việc cho mở lại toàn bộ dịch vụ trên địa bàn, thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh trên phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Karaoke hoạt động trở lại: Vừa mừng vừa lo
Sau thời gian phải ngừng hoạt động vì dịch, các cơ sở dịch vụ karaoke, massage, bar, Internet đang chạy đua chuẩn bị cho ngày mở cửa. Còn chưa đầy 12 tiếng trước khi mở cửa trở lại, trong khi nhiều cơ sở kinh doanh đang cố gắng chuẩn bị để hoạt động kinh doanh có thể đi vào nề nếp thì một số cơ sở vẫn "cửa đóng then cài".
Nghe tin thành phố cho phép mở cửa trở lại, chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (38 tuổi, chủ quán karaoke trên đường Nguyễn Khang) thở phào nhẹ nhõm. Chiều nay (7/4) chủ cơ sở kinh doanh này đang cùng nhân viên tất bật lau dọn, tu sửa lại trang thiết bị sau gần 1 năm đóng cửa kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
Không khí chuẩn bị sôi nổi trở lại sau nhiều tháng ngày im lìm do dịch bệnh Covid-19, nhân viên trong quán người sơn sửa lại nhà, có người sửa lại khóa cửa, người thử mic, kiểm tra âm thanh.
"Việc được mở cửa trở lại khiến những người kinh doanh ngành nghề giải trí như chúng tôi rất vui, phấn khởi. Tuy nhiên, xen lẫn với đó chị có chút hồi hộp, lo lắng.
Trải qua 4 đợt dịch kéo dài suốt hơn 2 năm qua, quán liên tục hoạt động cầm chừng. Cứ được ít ngày khi dịch bệnh bùng lên lại đóng cửa. Sự chờ đợi không có mốc thời gian cụ thể nào thành thử ra các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn.
Hiện tôi có chút lo lắng bởi cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, các trang thiết bị bị chuột cắn phá hoặc lâu không sử dụng hỏng hóc nhiều phải thay mới, tái đầu tư lại thêm khoản chi phí", chị Thủy chia sẻ.
Nữ chủ quán chia sẻ trước đây có 3 cơ sở kinh doanh karaoke, được đầu tư với số tiền khá lớn. Tuy nhiên, trải qua 2 năm do dịch bệnh 1 quán đã phải dừng hoạt động vĩnh viễn. Trong thời gian đó, chị vẫn phải chịu các khoản chi phí phát sinh như tiền nhà, tiền thuê người trông coi bảo vệ tài sản… khá lớn.
"Ngành nghề karaoke có đặc thù khi đầu tư rất lớn, liên quan đến giấy phép, phòng cháy chữa cháy… khi mở kinh doanh ở cơ sở nào dù dịch bệnh hay dừng hoạt động nhưng tiền thuê mặt bằng chúng tôi vẫn phải cố gắng cầm cự, chi phí nhiều nếu bỏ sẽ mất trắng.
Hơn 2 năm qua tôi phải mất khoảng 1,5 năm chi trả mỗi tháng hàng trăm triệu đồng tiền thuê nhà. Cách đây nửa năm không thể lo nổi nên xin chủ nhà bớt cho 50%", chị Thủy bày tỏ.
Trước đây mỗi quán karaoke của chị Thủy có khoảng 15-20 nhân viên từ bảo vệ, đến bồi bàn, bar, kho, quản lý, thu ngân… đem lại khá nhiều việc cho bạn trẻ trong đó có nhiều bạn sinh viên, nhiều bạn sinh viên làm khi học xong chọn công việc đã theo đuổi.
Tuy nhiên, khi quán dừng hoạt động không ít người phải vật lộn mưu sinh. Chủ cơ sở kinh doanh karaoke chia sẻ: "Có thời gian đầu tôi bị stress do quá căng thẳng".
Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn "cửa đóng then cài".
Bên cạnh đó, theo chị Thuỷ, thời gian nghỉ dừng hoạt động, nhiều nhân viên về quê, thay đổi công việc khác không trở lại. Chỉ còn ít giờ nữa dịch vụ giải trí được mở cửa không biết khách thế nào.
"Quán bị dừng hoạt động cho tới khi có thông báo mới nhưng phải chờ bao giờ thì không có hồi kết nên rất căng thẳng. Chắc chắn không riêng tôi mà nhiều cơ sở khác đều như vậy. Trước mắt chúng tôi rất khó khăn mong mọi thứ trở lại bình thường.
Nhiều khách thời gian qua nghỉ dịch đã thay đổi thói quen giải trí. Họ đã chọn hình thức giải trí khác không biết có còn muốn ca hát như trước đây không hay phải một thời gian dài khách hàng quay trở lại với thói quen giải trí này.
Một thời gian dài không chỉ karaoke mà một số ngành nghề khác bị dừng hoạt động chắc chắn bị ảnh hưởng. TP.HCM đã mở cửa trước, sau 3 tháng tín hiệu kinh tế phục hồi rất khả quan.
Lần này, chúng tôi hy vọng Hà Nội dù có chậm đi chăng nữa thì 4 tháng sau mong rằng mọi thứ sẽ phục hồi, gần như trở lại trạng thái bình thường để chủ quán karaoke… như chúng tôi có kinh tế trang trải cho khoản đầu tư hiện nay", chị Thủy hy vọng.
Tuân thủ phòng dịch là "chìa khóa" để kinh doanh lâu dài
Trên phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), chiều cùng ngày, anh Nguyễn Đình Phố (27 tuổi, quản lý quán karaoke) nhắc nhở nhân viên tích cực lau dọn bàn ghế, phòng ốc để cơ sở kinh doanh sớm đi vào hoạt động.
Anh Phố cho hay, suốt gần 1 năm đóng cửa, quán vẫn phải duy trì nhân sự, dọn dẹp bảo trì phòng ốc, tiền nhà vẫn phải đóng đều đặn hàng tháng. Cơ sở do anh Phố quản lý có tất cả 10 phòng, chi phí thuê mặt bằng mỗi tháng lên đến hàng trăm triệu đồng.
"Máy móc đã lâu không được sử dụng, vì vậy chúng tôi phải kiểm tra và bảo dưỡng để xem cái nào còn dùng được, nếu hư hỏng sẽ phải thay thế.
Được mở cửa trở lại chúng tôi rất vui, mòn mỏi chờ đợi suốt một năm qua. Chúng tôi cảm ơn thành phố đã cho ngành nghề giải trí hoạt động trở lại. Quán cũng sẽ tuân thủ phòng chống dịch, thực hiện các biện pháp 5K", anh Phố phấn khởi.
Như nhiều cơ sở khác, do thời gian đóng cửa quá lâu nên các thiết bị âm thanh, loa đài hỏng nhiều. Hàng tháng cửa hàng phải cắt cử nhân viên lau dọn, bảo dưỡng liên tục để tránh hỏng hóc các thiết bị điện tử.
"Tôi thèm không khí được đón khách trở lại, nhớ cảm giác tất bật khi khách đông. Điều lo lắng hiện tại đó là nhiều nhân viên vẫn chưa kịp xuống, người thì chuyển sang công việc khác", anh Phố chia sẻ.
Chủ quán vui 1 thì có lẽ nhân viên, người lao động vui gấp 10 lần, bởi được đi làm sẽ giúp họ có thêm thu nhập trang trải trong giai đoạn khó khăn này.
Nhân viên quán karaoke phấn khởi khi sắp sửa được đi làm trở lại.
Tất bật lau dọn bàn ghế trước "giờ G", Hoàng Anh Tú (quê Yên Bái) cho hay, đã làm công việc phục vụ này được 4 năm. Tuy nhiên, khi quán karaoke đóng cửa anh Tú chuyển đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội).
"Hiện tôi rất vui vì công việc này tôi làm quen rồi. Chúng tôi cũng chờ đợi giây phút này lâu rồi. Tôi mong dịch qua đi để mọi người như mình được quay trở lại công việc và không phải chịu cảnh lúc đóng lúc mở", anh Tú chia sẻ.
Tại quận Hoàn Kiếm không khí chuẩn bị mở cửa cũng gần như hoàn thiện những công đoạn cuối cùng. Chiều cùng ngày, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cùng lực lượng ban ngành trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc việc đảm bảo công tác phòng chống dịch cũng như kiểm soát khách ra vào quán bar trên phố Tạ Hiện.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cùng lực lượng ban ngành trực tiếp đi kiểm tra các quán bar trước giờ các cơ sở kinh doanh này mở cửa trở lại.
Gia Đoàn