(Tổ Quốc) - Phụ nữa ấy mà, nói là mềm yếu chẳng sai nhưng lúc không còn ai là họ sẵn sàng "cân" cả thế giới. Họ không cần gì to tát, họ cần sự tự giác của các anh.
01
- Tôi đố các ông nhá, con gì càng già càng xấu miệng kêu tiền tiền, không tiền là gây phiền...
- Con gì, đố vớ vẩn thế!
- Con vợ chứ còn con gì nữa, anh em "zô" cái nào...
Thư đứng trong bếp mà nước mắt lã chã, những gã đàn ông cười khả ố trên bàn nhậu trong sự "châm ngòi" của Khang khiến Thư biết mình cần phải làm gì.
Nếu nói đúng nhất thì Khang là lão chồng "ba phải", ai nói gì cũng gật gù. Anh ta không có quá nhiều điểm xấu, xét cho cùng vẫn là gã đàn ông "dùng được", nhưng chỉ 1 chút rượu vào là thích "nâng cao sĩ diện".
Vợ chồng Thư sống xa cả nhà nội nhà ngoại. Thu nhập của cô gấp đôi chồng nhưng chẳng ai biết. Cô xinh đẹp, giỏi giang nhưng luôn nhún nhường, biết điều để chồng mình không bị mặc cảm. Tiền của ai làm ra cũng là lo cho gia đình chứ đi đâu mà sợ.
Hôm 20 tháng Chạp Khang đã giục vợ sắm sửa để về Tết 2 bên nội ngoại, nhà chị em. Mọi thứ cũng đã tươm tất, gần như xong các khoản lớn phải tiêu. Nhưng vì bố con Khang về quê sớm nên ở Hà Nội cô không mua bán nhiều.
Có điều, cả cái Tết mình Thư cáng đáng, chồng cô nói năm nay dịch bệnh các công ty khó khăn nên lương bị chậm.
Thư mong ngóng mãi đến hôm qua là 28 Tết kế toán bên công ty Khang mới gọi điện báo đã chuyển 13 triệu cả lương cả thưởng. Thư phấn khởi hỏi han chồng nhưng anh tuyên bố 1 câu xanh rờn: "Anh không đưa tiền cho em đâu, mọi thứ xong hết cả rồi còn gì, có phải tiêu pha gì nữa. Cái này anh còn có việc của anh". Song khi Thư hỏi việc gì thì Khang nhất định không nói.
Tối đến, khi khách khứa về hết, Thư mang tiền ra trả nợ chị chồng khoản mua nhà, tiện miệng cô than thở không biết đến đồng lương tháng này của chồng ra sao. Vậy mà Khang chửi vợ thậm tệ trước mặt mọi người.
"Cô lúc nào cũng chỉ tiền, tháng nào tôi cũng nộp đủ lương cho cô, mỗi tháng Tết này tôi giữ tôi tiêu thì đã làm sao. Tôi tiêu gì mặc xác tôi, cô có quyền gì mà hỏi. Bố láo tôi đuổi thẳng cổ", không biết là Khang nói hay "rượu nói" nhưng nó chẳng khác nào "giọt nước tràn ly" cho cuộc hôn nhân này.
02
Sáng 29, khi Thư đang dọn dẹp cùng mẹ chồng thì Khang dậy. Cô vẫn để phần đồ ăn sáng cho anh. Thực chất Thư mong chờ 1 lời xin lỗi vì có thể hôm qua anh quá chén nên lỡ lời. Nhưng không, Khang không liếc nhìn vợ lấy 1 cái.
Mai là 30 rồi nên hôm nay còn việc gì mọi người xắn tay vào làm cho nốt. Chẳng thấy bóng dáng chồng đâu, Thư lên tận tầng 3 thì Khang đang tưới cây và nói chuyện điện thoại rất sôi nổi.
"Ừ tôi biết rồi, ông yên tâm, vợ tôi 1 phép, láo tôi trả về nơi sản xuất. May mà nghe lời anh em tư vấn, đang định đưa nó 10 triệu. Mùng 3 lại tập trung nhà tôi nhé... rồi... ok", nụ cười còn chưa kịp hé đã tắt lịm khi Khang nhìn thấy Thư.
Giờ thì cô mới hiểu, chồng cô định "nổi loạn" nhưng cô sẽ chứng minh cho anh ta thấy, anh ta chọn sai người mà sai luôn thời điểm rồi.
"Anh cứ giữ lấy 13 triệu 500 lại mà tiêu. Nếu anh cảm thấy số tiền đó đủ mua hạnh phúc gia đình, sĩ diện của 1 thằng đàn ông chỉ nghe lời người ngoài chứ không nghe người nhà. Tôi sẽ lo cái Tết này bằng tiền của tôi làm ra. Tôi đã từng nghĩ đó là tiền của chúng ta nhưng giờ thì nó là của riêng mình tôi thôi nhé. Nhân tiện anh xem mùng mấy tòa án mở cửa để tôi mừng tuổi anh cái đơn ly hôn. Chứ sống với người đàn ông được mình chăm sóc từ kẽ răng đến bàn chân mà lại đi nghe dăm ba lời ngu ngốc của thiên hạ thì tôi chả thiết", nói xong Thư xuống dưới nhà, làm nốt công việc còn lại.
Quan trọng là thái độ của cô vẫn hết sức bình tĩnh và tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Thư muốn chứng minh cho Khang thấy, không có mấy đồng lương của anh cô vẫn 1 tay lo toan được. Thế nên, có phải ly hôn cô cũng chẳng "ngán ngẩm" gì hết.
03
Cái dại nhất của chúng ta là có tâm tư tình cảm gì vợ chồng không chia sẻ cùng nhau lại đi kể hết với người ngoài. Họ không sống trong cuộc sống của chúng ta, họ chỉ có cái nhìn phiến diện, chưa kể có những kẻ còn nhân cơ hội này để "chọc gậy bánh xe" hoặc tư vấn những cách khiến mọi thứ rơi vào bế tắc.
Trong 1 gia đình, chuyện thu nhập của vợ hơn chồng không hiếm. Cũng đừng mang cái khoảng cách ấy ra mà đánh giá người đàn ông đó phải nhún nhường, không có tiếng nói, cần vùng lên... Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào hành động của chính chúng ta. Mà trước tiên, để có những hành động chuẩn mực thì cần xây dựng suy nghĩ đúng đắn.
Các anh ạ, phụ nữ đã độc lập kinh tế hay kể cả những bà vợ ở nhà nội trợ, lương 3 cọc 3 đồng đôi khi người ta không hẳn là cần tiền của các anh đâu. Thứ họ cần là sự quan tâm, trách nhiệm của các anh với gia đình, với vợ con. Mà 1 trong những thứ làm nên trách nhiệm ấy chính là vật chất.
Vợ các anh có thể thông cảm việc các anh TẠM THỜI không đóng góp kinh tế nhưng phải có 1 lý do thỏa đáng. Mình là đàn ông, đã không làm ra nhiều tiền thì đừng để vợ gồng gánh bao áp lực trên vai. Các anh "trả vợ về nơi sản xuất" được thì phụ nữ cũng "trả chồng về cho bố mẹ chồng" được.
Hôn nhân muốn bền lâu phải được vun đắp trên nền tảng tôn trọng. Tình yêu có thể như cây củi bốc cháy nghi ngút rồi lịm dần nhưng sự tôn trọng, tình nghĩa dành cho nhau phải được duy trì đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Phụ nữ ấy mà, nói là mềm yếu chẳng sai nhưng lúc không còn ai là họ sẵn sàng "cân" cả thế giới. Họ không cần gì to tát, họ cần sự tự giác của các anh.
Là đàn ông cần có lập trường riêng, tiếp thu cái hay, cái tốt chứ không phải học cái xấu về làm khổ vợ con. Đến phải - trái, trắng - đen các anh còn không phân biệt được thì sau này sao dạy dỗ được con nên người, khiến cho vợ mình nể phục.
VV