Chồng là F0, cô vợ "xách" 2 con nhỏ ra vườn ăn ngủ cùng cây: Kết quả chốt đơn quất ấm tích ầm ầm, kiếm đủ tiền tiêu Tết

(Tổ Quốc) - Mùa quất năm nay được cho là các chủ vườn đã hạ giá so với năm ngoái, nhưng quất vẫn tiêu thụ chậm. Thế nhưng, có bà mẹ Hà Nội vừa trông 2 con nhỏ lại vẫn chốt đơn quất ấm tích cực nhanh.

Đây là câu chuyện của chị Hà (Hà Nội), một phiên dịch viên tiếng Nhật bỏ nghề chuyển sang nghiệp bốc đất, trồng cây. Khởi nghiệp với nghề này nhiều khó khăn, nhưng chị Hà không nản và vụ quất ấm tích năm nay càng khiến chị thêm tự tin đường đi của mình là đúng.

"Tiểu xảo" biến quất ấm tích nhà mình thành hàng... độc bản, bán chạy ầm ầm

Năm nay, dự đoán được xu hướng nhiều khách hàng sẽ thích trưng Tết là quất mini và quất ấm tích vì sự nhỏ gọn, xinh xắn của nó. Vì thế, ngay từ đầu vụ chị Hà đã đón đầu sớm. Chị đi tìm và nhập ấm tích từ đầu vụ.

Cách của chị Hà là chon hàng tuyển loại 1 mặc dù thị trường quất ấm tích ở Hà Nội không nhiều, hàng loại 1 lại hiếm, nhưng vì chọn sớm nên chị vẫn có nguồn hàng ưng ý.

Chị Hà tự tay chọn từng cây quất đủ tứ quý: quả vàng, xanh, hoa, lộc, có thế đẹp khiến chị em thích. Sau khi lấy tại nhà vườn về, chị thêm đất tự trộn đất dinh dưỡng và thoáng xốp, thêm xỉ đất nung trải mặt. Vì sản phẩm bán khá sớm, tâm lý khách là muốn chơi lâu, chơi được cây đến Tết và cả sau Tết nên việc chọn cây kĩ, tỉ mỉ ở khâu chất lượng đất trồng là vô cùng quan trọng.

Chồng là F0, cô vợ

Vì chồng chị Hà lại làm mộc, anh nói "có ấm tích làm sao thiếu được khay trà" và mang khay gỗ pallet ra cho vợ bày ấm, bày chén và chụp sản phẩm. Chị Hà thấy cũng hợp lý nên bán thành set quất ấm tích cùng với khay gỗ do chồng sản xuất, hàng này thành ra độc quyền chỉ riêng nhà chị có.

Quất ấm tích Bát Tràng là món quà Tết đặc thù rất Việt Nam, giờ kết hợp cùng khay gỗ tạo thành set sản phẩm mà bên khác không có đã mang lại nét đặc trưng riêng và khiến chị Hà thắng lớn.

Chị Hà không treo thêm các dây trang trí, mà chỉ đặt ấm quất vào khay gỗ gắn chữ 2022 và thêm chiếc chén, đặt thêm đế gỗ kèm tượng Phật tạo thành set sản phẩm rất riêng, được nhiều chị em ưa thích.

Vì cây được nuôi trong bình từ nhỏ nên đã thuần chậu, bền khỏe, ấm dày, thêm khay gỗ nhà sản xuất làm giá đỡ nên khi chằng buộc vào xe rất dễ và chắc. Chính vì thế di chuyển hàng không rụng không vỡ, việc vận chuyển dễ dàng và an toàn hơn khiến khách hài lòng, người bán không gặp rủi ro.

Chồng là F0, cô vợ

Khởi động "mùa quất ấm tích" từ rằm tháng 11 âm lịch, đến rằm tháng 12 âm, chị Hà đã xuất được khoảng 200 bình quất gồm cả ấm tích và mini (đa số là ấm tích). So với "chỉ tiêu" ban đầu chị Hà định đưa ra thì đã vượt mức mong đợi.

Bán được khoảng hơn 100 ấm quất, thì gia đình chị có 3 người mắc Covid, trong đó có chồng chị. 3 mẹ con tiếp xúc quá gần, nhưng chẳng có cách nào khác là giữ tâm thế vững để cả nhà vượt qua dịch bệnh, cứu cây, cứu vốn. Đỉnh cao của đợt bán quất chị Hà đã có 5 ngày bán thần tốc dù hay tin người nhà mắc Covid, lúc đó chị vừa phải theo dõi bản thân, vừa theo dõi 2 con, lo cơm, lo học cho con.

Mặt bằng chung chị Hà tự biết giá set quất của mình bán cao hơn so với thị trường nói chung, nhưng vì tính đặc biệt của sản phẩm kĩ lưỡng trong việc chọn từ cây đến ấm tích Bát Tràng nên dù giá cao hơn nhưng khách vẫn chọn sản phẩm nhà chị.

Chồng là F0, cô vợ

"Đây là năm bán quất đầu tiên nhưng được mọi người giới thiệu nhau quất ấm tích và quất mini nhà mình nhiều như thế. Khách quen, khách lạ rồi khách lạ giới thiệu bè bạn, khách quen cũng giới thiệu bạn, nhiều khách lạ còn gửi ảnh sau khi nhận quất, kèm lời nhắn kèm yêu thương", cô chủ sung sướng kể.

Hiện tại số lượng quất chị Hà nhập là 250 bình và đã bán được trong chớp mắt, chính chị cũng ngạc nhiên về mức chớp đơn thần tốc nhất từ trước tới giờ. Khi nói về lợi nhuận thu được từ vụ quất năm nay (dù chưa kết thúc) chị Hà tiết lộ đủ để chi tiêu Tết cũng như trang trải 1 số chi phí cận Tết khác như tiền biếu Tết ông bà nội ngoại, tiền bảo hiểm, đóng tiền nhà, tiền mua điện thoại...

Vì dịch Covid-19 mà phải ăn ngủ cùng quất, vừa chăm con, vừa bán quất vẫn mang lại kết quả ngoài mong đợi

Điều đáng nói, do dịch Covid, gia đình chị có chồng và bố mẹ chồng đều trở thành F0. Chị Hà cùng 2 con nhỏ thành F1, nên cả nhà đã tính phương án cách ly để 3 mẹ con ra cửa hàng ở. Vì thế chị đã ăn ngủ cùng quất, vừa chăm cây, vừa bán hàng, vừa chăm con, vừa kèm con học...

Lúc rảnh cả 3 mẹ con cùng làm vườn, chăm quất. Chị Hà cười: "Tuy cực nhưng mà cũng vui. Năm nay là 1 năm đầy kỉ niệm vì lần đầu gia đình phải xa cách. Vắng chồng là mất đi 1 nhân sự quan trọng, lại phải kiêm thêm cả việc chăm sóc 2 con, nhưng mình vẫn đạt thành tích bán quất ấm tích ngoài mong đợi. Cũng may gia đình sức khỏe mọi người cũng ổn".

Nhớ lại những ngày ngổn ngang vì người nhà là F0, những ngày bắt đầu cuộc sống ăn ở ở nơi trước chỉ là vườn và bán hàng. Chị Hà kể: "Những ngày ở cửa hàng tắm không có bình nóng, đèn sưởi nhà tắm không có, trời thì lạnh nhưng 3 mẹ con vẫn tìm cách khắc phục bằng cách đun từng ấm nước siêu tốc để tắm. Ngày thứ 2 tại vườn bị mất nước đang bối rối thì may mà tối có nước về.

Sau hơn 1 ngày ra vườn xử lý hòm hòm dẹp bớt ngổn ngang để có thể vừa ở vừa chăm quất vừa bán hàng thì điện thoại mình bị hỏng. Điều này khiến mình không chụp được ảnh sản phẩm gửi cho khách thế là mình phải mua điện thoại mới.

Chiếc điện thoại 10 triệu với mình là "to tiền" lúc này. Mình cũng không giỏi công nghệ nên mất thời gian vài ngày để tải cài được các app dùng trong công việc. Có lúc ngồi xếp hàng test Covid lần 1 ở nhà, lần 2 ở trạm y tế, mình vẫn ngồi gọi điện, nhắn tin xử lý đẩy quất, đề phòng trường hợp mình chuyển thành F0".

Sau khi test âm tính 2 lần, 3 mẹ con chuyển đồ ra vườn cách ly theo dõi tiếp, đồng thời cũng chăm sóc được cho cây ở vườn (gồm cả cây nội thất) và đặc biệt là hàng trăm gốc quất. Ngoài việc bảo vệ, lo cho con, cho bản thân, chị còn cứu được cây, cứu được tiền mình đã đổ vào, thậm chí còn có một khoản tiêu Tết cực tốt.

Những ngày tại vườn theo dõi cách ly, người mẹ bốc đất không ngừng gửi lời cầu nguyện cho bản thân, chồng con, bố mẹ nội ngoại 2 bên. Bản thân chị thì nỗ lực tập thể dục, bổ sung ăn uống, giữ thái độ bình tĩnh lạc quan, tích cực. Hết ngày thứ 8, điều kỳ diệu là 3 mẹ con vẫn âm tính với Covid.

Chồng là F0, cô vợ

Cô chủ không "mang cây bỏ chợ" tư vấn về cách giữ quất bền và đẹp

Khâu chăm sóc khách hàng với chị Hà rất quan trọng, vì chị hiểu đa phần khách không biết cách chăm cây, chưa hiểu nhu cầu cây cần và có khi tưới cây theo cảm tính. Hiểu đặc tính cây cần về dinh dưỡng, nước, ánh sáng, nên chị rất nhiệt tình với khách hàng từ đầu đến khâu cuối chứ không phải chỉ bán được sản phẩm là xong như "nhà người ta".

Nhờ hỗ trợ tích cực mọi người chăm cây, cứu cây khi không may tưới thiếu nước hay để trong nhà lâu không cho ra ngoài làm cây ốm, nên khách hàng yên tâm với sản phẩm của chị "đắt 1 tí nhưng chất lượng và chăm sóc chu đáo cũng đáng".

Chị Hà ví dụ khách chưa biết tưới nước như nào là đủ, ngoài lượng nước cần tưới thì còn phải xem không gian đặt cây có thoáng để nước bay hơi nhanh hay chậm, thời tiết ẩm hay khô. Một số khách thì quên tưới cây, nên có vài cây bị khô rụng, nhưng quan trọng hơn là chị luôn dặn khách tương tác lại với mình khi không may "cây ốm" để có thể hỗ trợ cứu cây kịp thời.

Chồng là F0, cô vợ

Chồng là F0, cô vợ

Bí quyết chăm quất bền với "công thức chung" được cô chủ tiết lộ là: "Quất là cây ngoài trời nên nhu cầu cây ở ngoài cao hơn cây trong nhà. Đến người còn cần ra ngoài để tránh trầm cảm nên cây cũng thế. Mà dù là cây trong nhà hay cây ngoài trời đều có nhu cầu ra ngoài hít gió tắm nắng. Nên để chăm quất bền chơi được lâu, hàng ngày bạn hãy cho cây uống đủ nước, giữ ẩm nhẹ cho cây. Ngày cho cây trong nhà trưng ngắm, nhưng tối cho cây ra ngoài hít sương hít gió. Tết thường có mưa xuân, cây sẽ mơn mởn nhờ mưa, đâm chồi nảy lộc".

Cứ gần đến Tết những gì mang giá trị truyền thống đều khiến người ta thích thú và hưởng ứng. Nhâm nhi li trà, ngồi bên cây quất xinh xắn trong chiếc ấm tích Bát Tràng, ăn miếng mứt và chúc nhau những lời chúc đầu năm mới thì thật thanh tao.

Đằng sau hình ảnh bình an này có những câu chuyện rất riêng của những người phụ nữ như chị Hà, người đã biến rủi thành may trong lúc khó khăn do dịch bệnh để có cái Tết tròn đầy.

Ảnh: NVCC

Chồng là F0, cô vợ

ĐX

Tin mới