(Tổ Quốc) - "Mới 6 giờ sáng, mẹ tôi đã nằng nặc xách túi quần áo đòi về quê. Tôi chạy theo can ngăn bà thế nào cũng không được" - Anh chồng kể lại.
Có thể nói, người đau đầu và khó xử nhất khi mẹ chồng - nàng dâu bất hòa đó chính là anh chồng. Họ không biết xử lý thế nào để không ai bị mất lòng. 2 người phụ nữ trong nhà có thể thông cảm và hàn gắn quan hệ thân thiết như trước kia?
Mấy ngày nay, anh Lương (30 tuổi, Hà Nội) đều trăn trở đến mất ăn mất ngủ khi mẹ đẻ và vợ anh bất hòa. Nguyên nhân cũng chỉ vì một nụ hôn trên má đứa trẻ.
Anh Lương tâm sự: "Mình lên Hà Nội lập nghiệp và quen vợ mình bây giờ. Sau khi kết hôn, cả hai quyết định vẫn sẽ ở trên đây để lập nghiệp. Chính vì vậy, 2 vợ chồng mình đã gom góp mua 1 căn chung cư nhỏ gần trung tâm thành phố.
Vợ mình rất tốt, chăm con, chăm chồng đều khéo. Lấy vợ có hơn năm mà trông mình có da có thịt hơn rất nhiều so với thời còn độc thân. Tuy nhiên, cô ấy hơi khó tính. Đặc biệt rất sạch sẽ.
Từ ngày yêu đến lúc cưới cô ấy, mình thay đổi khá nhiều. Mẹ mình cũng nhận ra, bà còn khen cô ấy giỏi trị chồng. Ngày xưa mình lôi thôi lắm, chăn màn ngủ dậy không gấp bao giờ, quần áo cũng vậy. Nhưng bây giờ thì khác. Chắc ở với vợ lâu nên mình lây tính của cô ấy. Giờ nhìn nhà cửa bừa bộn, giường chiếu chăn màn không chỉn chu là mình "ngứa mắt'' lắm.
Tuy nhiên cái tính sạch sẽ, cùng sự thẳng tính của cô ấy nhiều khi lại gây ra rắc rối.
Vợ mình mới sinh em bé. Lúc đầu mình tính thuê giúp việc để chăm sóc 2 mẹ con cô ấy, nhưng nhà mình lại bảo tiết kiệm vì điều kiện kinh tế chưa dư dả. Cô ấy gọi diện nhờ mẹ đẻ lên chăm sóc. Nhưng gần đến ngày lên Hà Nội, thì bố vợ mình lại ốm nặng, thành thử mẹ chồng lên chăm thay.
Mẹ mình ở quê, tính xuề xòa, chân chất. Thấy con dâu vẫn còn đau nên nhận bế cháu. Bà vừa bế vừa cho thằng bé bú bình.
Khi mình đưa cho mẹ bình sữa, không ngờ bà lại ngậm đầu ti bình vào mồm để thử xem sữa có bị nóng hay nguội quá không? Vợ mình nằm trên giường thấy thế nói ngay: "Sao mẹ lại ngậm vào bình sữa của cháu nó. Nhỡ bà có bệnh gì thì sao''.
Mẹ mình nghe thế thì có phần phật ý. Bà tặc lưỡi: "Ôi dào, trước tao nuôi 4 đứa con như vậy có sao đâu. Chị cứ cẩn thận quá". Nghe xong câu đó, vợ mình không đáp trả gì hết. Nhưng mình biết cô ấy cũng không vui.
Một lúc sau, thằng bé lại khóc, dỗ thế nào cũng không chịu, chắc là gắt ngủ. Mẹ mình lại bế nó lên để nựng, bà vừa bế ẵm vừa hát ru. Thế là một lúc sau nó ngủ ngon lành.
Ngắm cháu trai đáng yêu, hoặc có lẽ do phấn khích quá, mẹ mình mới hôn lên má thằng bé một cái. Vợ mình thấy vậy liền ngồi dậy đòi cháu lại. Cô ấy vừa ôm con vừa làu bàu: "Mẹ đừng tự tiện hôn hít lên mặt cháu như vậy, mất vệ sinh. Nó còn nhỏ, sức đề kháng yếu dễ bị nhiễm bệnh lắm".
Mẹ mình nghe xong, không nói gì, bà đứng dậy đi về phòng.
Tờ mờ sáng hôm sau, bà sang phòng vợ chồng mình, yêu cầu mình đưa bà ra bến bắt xe để về quê. Mẹ mình nói không ở được với con dâu. Cô ấy chê bà là nhà quê bẩn thỉu, rước bệnh cho cháu.
Mình không ngờ một câu nói của vợ lại khiến mẹ giận như vậy. Mình cố giải thích cho bà rằng, là do cô ấy kĩ tính và lo lắng cho đứa bé thái quá thôi. Vợ mình trước giờ luôn thẳng tính, bà cũng biết. Nhưng mẹ mình không chịu, bà nhất quyết đòi về quê.
Mình chạy về phòng, gọi vợ dậy và bảo cô ấy giữ mẹ lại. Mình cũng muốn vợ mình xuống nước với bà một chút. Nhưng không ngờ cô ấy lại nói 1 câu thế này: "Nếu mẹ đã không muốn ở thì cứ để mẹ về. Chứ điều em nói là đúng. Bây giờ người ta đâu có khuyến khích việc hôn hít lên mặt đứa trẻ đâu, nhất là thời buổi dịch như thế này.
Em mới nói có thế mẹ đã tự ái thì em không chắc sau này còn xảy ra chuyện gì nếu mẹ vẫn ở đây. Con mình còn nhỏ, sức đề kháng yếu, người già thì lắm bệnh tật, làm như vậy là không tốt.
Bà thương cháu bà thì phải giữ gìn cho thằng bé chứ. Thôi mất lòng trước, được lòng sau, anh cứ đưa mẹ về. Nao hết cữ thì em với con về quê chơi".
Mẹ mình nghe thấy thế thì thút thít khóc. Bà bảo, từ nay sẽ không làm phiền vợ chồng mình nữa.
Còn mình thì đứng giữa 2 người phụ nữ mà không biết phải xử lý ra sao. Thương mẹ, nghĩ khổ thân. Vừa mới lên chăm cháu hôm qua, nay đã đùng đùng đòi về. Mà mẹ về quê, ai hỏi thăm không biết bà sẽ nói những gì nữa. Càng nghĩ mình càng giận vợ.
Nhưng cô ấy nói cũng đúng. Là mẹ, vợ mình muốn điều tốt nhất cho đứa trẻ cũng là dễ hiểu. Cô ấy bị ám ảnh vụ đứa bé nọ phải nhập viện vì người lớn mớm cơm, rồi lây bệnh.
Cuối cùng mình vẫn phải đưa mẹ ra bến xe. Từ qua đến nay mẹ chồng không gọi điện lên, mình gọi về bà cũng không bắt máy. Vợ mình gọi cũng vậy.
Mình biết, ai cũng có cái đúng, cái sai nhưng bây giờ, thật sự mình bối rối không biết xử lý thế nào?".
Câu chuyện mà anh Lương đăng lên mạng xã hội nhanh chóng nhận được sự chú ý của mọi người nhất là các bà mẹ bỉm sữa. Có rất nhiều trường hợp cũng thừa nhận rằng từng rơi vào tình huống khó xử giống như anh.
Người lớn có yêu trẻ thì mới cưng nựng và thơm má chúng. Nhưng sự tiếp xúc gần như vậy rất dễ khiến trẻ con bị nhiễm bệnh. Sức đề kháng của chúng còn yếu nên càng nguy hiểm. Nhưng nhiều người cũng khuyên các bà mẹ, nhất là nhưng cô vợ tính nóng nảy nên lựa chọn câu nói là sao để không mất lòng "người lớn".
Hiện câu chuyện của anh Lương vẫn xôn xao mạng xã hội.
Hướng Dương HT