(Tổ Quốc) - Nếu không khéo léo trong giao tiếp, đối phương sẽ có thể khinh thường, đánh giá thấp chị em hoặc thậm chí là thao túng nữa đấy!
Ngoài cố gắng trong công việc, hòa đồng với đồng nghiệp và hành xử đúng mực chốn văn phòng thì giao tiếp tốt cũng là một yếu tố hình thành nên nhân viên xuất sắc. Kể cả khi một ai đó đã làm việc lâu thì giao tiếp không được thái quá, vô lễ mà càng cần cẩn trọng hơn.
Còn đối với những chị em mới vào công ty, hẳn là bạn sẽ muốn lễ phép nhất có thể để các "ma cũ" hài lòng, không gây khó dễ trong quá trình làm việc. Tuy nhiên nhún nhường thái quá và tỏ ra lễ phép một cách thừa thãi chưa hẳn đã tốt. Thậm chí nó còn gây ra hệ lụy là bản thân bạn trở nên thảo mai, giả tạo trong mắt đồng nghiệp. Hoặc với những người khó tính, họ sẽ cho rằng bạn kém tinh tế và không có một sự chuyên nghiệp nào cả.
Mới đây, trên MXH Facebook chia sẻ rầm rộ bài đăng của một người về việc xưng hô chốn công sở. Cụ thể, anh này đã chia sẻ về việc nếu không dùng từ "nhé ạ" thì nên nói thế nào để thể hiện sự lễ phép.
Quả thực, "nhé ạ" chẳng phải cụm quá xa lạ với chị em công sở đúng không nào? Chắc hẳn bạn đã từng bắt gặp cụm từ này qua ngôn ngữ giao tiếp thường nhật và thậm chí cả trên email. Có thể bạn cho rằng cụm "nhé ạ" bình thường nhưng trên thực tế là hoàn toàn sai đó nha! Cùng lắng nghe ý kiến trong status của chàng trai kể trên để hiểu hơn về cụm từ này:
"NẾU KHÔNG XÀI “NHÉ Ạ” thì xài gì để tỏ ra lễ phép?
Đại loại “nhé ạ” là một từ sai của tiếng Việt, bạn nào xài cứ xài nhưng đừng có cãi là “ơ quê em ai cũng xài, em không "nhé ạ" thì người ta mắng em vô phép”.
Kệ em, kệ người ta với mớ lý lẽ kỳ cục đó. Sợ vô phép thì xài kính ngữ, nhưng “nhé ạ” lại không phải kính ngữ nha.
Ủa kính ngữ là gì?
Chị-cô-anh-chú-bác-ông-bà chính là kính ngữ.
Một cách đơn giản, nó chỉ là từ xác định vị thế của người được đề cập tới trong giao tiếp. Gọi trống không, hoặc chỉ gọi tên là sai, là thiếu tôn trọng người lớn hoặc người chưa kịp thân với mình. Người Hàn, Nhật, Trung cũng thế. Chủ tịch V, giám đốc C, trưởng phòng T hay ông chủ X, Z tổng, Y tổng, Q tỷ... đều là kính ngữ.
Mấy cái "ạ, vâng ạ"... không cần mở miệng ra là nói. Kiểu ạ ạ dạ dạ đó dành cho người nhỏ với người lớn, nhưng nó tuyệt đối không phải là thứ cần dùng trong quan hệ giao tiếp. Cư xử chừng mực, cẩn trọng và ngang hàng mới là điều đúng đắn.
“Ok anh” là đúng, ngoan thì thêm “Dạ, ok” hoặc “Dạ, ok anh”. Nhẹ nhàng hơn thì “ok nha anh” hay “ok nhé chị”. Xài “ok” thì nó cụt lủn, nghe tụt hứng.
Một số cụm dùng ổn: Dạ chị, Dạ ok chị, Dạ, Vâng, Ok chị ơi, Em cảm ơn chị, Em nghe nè chị, Chị ơi, Ok chị, em noted nha, Em nhận thông tin nha chị, Em biết rồi chị ơi...
Mới đi làm lúc nào cũng ạ ạ dạ dạ, nghe cũng ngoan mà cũng chán. Khi nào bỏ được ạ ạ dạ dạ thì bắt đầu thấy trưởng thành hơn rồi, bắt đầu cư xử ngang hàng và có thái độ đánh chiếm vũ trụ được rồi, tin cậy được rồi."
Đoạn status kể trên nhận được hàng trăm lượt tương tác lẫn nhiều chia sẻ. Đa phần mọi người đều đồng tình với ý kiến của anh chàng.
Như vậy, tổng kết lại, ở chốn công sở chị em nên giao tiếp theo lối bình đẳng, chuyên nghiệp, không nên quá nhún nhường dễ khiến người khác bắt nạt, thao túng. Đặc biệt, việc dùng từ chuẩn xác còn cho thấy bạn thực sự tinh tế và chỉn chu về ngôn ngữ đấy!
Nguồn: Facebook Phan Hải - Founder and Managing Director của Xanh Marketing
Quiry