(Tổ Quốc) - Rất nhiều vấn đề như rối loạn giấc ngủ, khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc hoặc hành vi của trẻ đều bắt nguồn từ việc xem điện thoại, ipad quá sớm.
Điện thoại di động, máy tính bảng và các loại thiết bị kỹ thuật số ngày càng trở nên thông minh và thông dụng. Nó là vật phổ biến được các cha mẹ sử dụng với chức năng "cô giữ trẻ" trong các trường hợp cần giữ con ngồi im khi ăn hoặc bất cứ khi nào con cáu kỉnh khóc lóc. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu cho thấy việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc với màn hình các thiết bị công nghệ có tác động không tốt đến sức khỏe, cảm xúc và hành vi của trẻ.
Vào đầu năm nay, các nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Singapore và Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (KKH) đã công bố kết quả nghiên cứu của mình về sự ảnh hưởng của việc tiếp xúc giữa màn hình điện thoại, ipad với tâm trí trẻ.
Theo đó, từ năm 2015 đến năm 2017, các nhà khoa học đã quan sát 367 đứa trẻ ở độ từ 2 – 5 tuổi ở Singapore bị rối loạn phát triển thần kinh như tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển toàn diện và bị rối loạn trong học tập. Cha mẹ những đứa trẻ này cũng được mời tham dự trong các cuộc hẹn cùng với con của họ tại khoa phát triển trẻ em ở KKH.
Kết quả cho thấy có 52% trong số 367 đứa trẻ đã tiếp xúc với điện thoại, Ipad từ khi mới được 18 tháng, thậm chí có bé còn tiếp xúc sớm hơn. Hơn một nửa trẻ có ít nhất một thiết bị màn hình trong phòng ngủ.
Dựa trên câu trả lời của cha mẹ, các nhà khoa học phát hiện ra có hơn 70% trẻ tham gia nghiên cứu có vấn đề về giấc ngủ và gần 60% trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc hoặc hành vi.
Mức độ nhận thức của cộng đồng về các tác hại của việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh liên quan đến giấc ngủ, cảm xúc, hành vi hiện đang bị hạn chế. Do vậy, việc nâng cao nhận thức của phụ huynh và mọi người là điều cần thiết để giúp giảm tác động tiêu cực của các thiết bị thông minh này lên trẻ nhỏ.
Nói một cách đơn giản, những đứa trẻ dành nhiều thời gian xem điện thoại, ipad đều bị rối loạn giấc ngủ, hay gặp ác mộng, mất ngủ… Tình trạng này kéo dài dẫn đến trẻ mệt mỏi và gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình, chẳng hạn như giận dữ, tăng động thái quá và mất khả năng tập trung.
Ngoài ra, những đứa trẻ trong nghiên cứu cũng được yêu cầu hoàn thành một bảng câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu của mình để các nhà khoa học xác định được tình trạng cảm xúc và hành vi của chúng. Điểm càng cao nghĩa là đứa bé đó càng có nhiều vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ tiếp xúc với điện thoại, Ipad trước 18 tháng tuổi và những đứa trẻ bị rối loạn giấc ngủ có điểm số cao hơn so với những bé tiếp xúc với màn hình công nghệ sau 18 tháng tuổi là 10%. Những đứa trẻ được phép xem các thiết bị thông minh trong phòng ngủ và những trẻ bị gián đoạn giấc ngủ có điểm số cao hơn so với những bé khác là 13%.
Tiến sĩ Mae Wong cho biết thêm: "Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những đứa trẻ hội tụ cả hai yếu tố xấu là xem điện thoại, ipad trước 18 tháng tuổi và có các thiết bị điện tử trong phòng ngủ đều bị rối loạn giấc ngủ cũng như gặp những khó khăn về cảm xúc và hành vi hơn so với những trẻ chỉ trải qua một trong số các yếu tố gây hại".
"Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi chỉ tập trung xoay quanh những đứa trẻ bị rối loạn thần kinh, nhưng kết quả mà chúng tôi đưa ra phù hợp và trùng khớp với các nghiên cứu khác được thực hiện trên trẻ phát triển bình thường. Điều này có nghĩa là xem điện thoại, ipad nhiều sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trên tất cả trẻ em".
Riêng đối với trẻ em bị rối loạn phát triển thần kinh, việc thường xuyên tiếp xúc với màn hình các thiết bị công nghệ thông minh chỉ khiến cho bệnh của các em ngày thêm trầm trọng. Do đó, các cha mẹ nên hạn chế tối đa không cho con mình được xem điện thoại và ipad nữa, để tránh con bị rối loạn giấc ngủ, tăng động thái quá hay mất tập trung trong học tập.
Nguồn: W.O.B, Today
B.T