Cho rằng con còn nhỏ bấm lỗ tai sẽ không đau, ai ngờ bé suýt mất mạng khiến mẹ day dứt cả đời

(Tổ Quốc) - Ngay từ khi còn đỏ hỏn các "công chúa" đã được mẹ cho bấm lỗ tai để xinh đẹp hơn. Tuy nhiên bác sĩ nhi không khuyến khích điều này.

Có rất nhiều bà mẹ quan niệm rằng, lúc con còn nhỏ nên tranh thủ cho chúng đi bấm lỗ tai. Càng nhỏ tuổi càng tốt bởi chúng sẽ không biết đau. Việc bấm lỗ tai sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Tuy nhiên thực tế thì không phải vậy!

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thị Kim Huyên, bác sĩ chuyên khoa Nhi cho biết, trẻ con tuy nhỏ nhưng chúng cũng biết đau. Chỉ là chúng không nói được và cha mẹ hiểu lầm là con không đau.

"Con nít nó vẫn biết đau đó. Bằng chứng là quý vị bẹo cái éc nó cũng khóc ré lên vậy. Cái suy nghĩ con không đau là do quý vị phán chứ. Để người ta lớn lên người ta sẽ quyết định có đeo khuyên tai không nha. Cái đó là quyền quyết định của người ta nha. Có cần tôi nói luôn là quyền quyết định của trẻ con không? Người ta đau lắm luôn lên người ta mới é lên khóc. Chính vì vậy tôi không ủng hộ việc bấm, xỏ lỗ tai cho trẻ sơ sinh" - Vị bác sĩ nêu quan điểm.

Bấm lỗ tai cho bé sơ sinh có nên không

Vào tháng 9/2018, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đã đón nhận một ca bệnh khá nghiêm trọng. Bệnh nhân là một bé gái 15 ngày tuổi bị nhiễm trùng nặng, thậm chí có nguy cơ bị ảnh hưởng tính mạng do xỏ lỗ tai. Khi đến bệnh viện, em bé đang trong tình trạng thở yếu, rên rỉ, da nổi mẩn và chẩn đoán là viêm mô tế bào vùng mặt, theo dõi nhiễm trùng máu. Sau đó, nguyên nhân được xác định là bị nhiễm trùng vết xỏ lỗ tai, vi trùng lan nhanh ra xung quanh và vào máu, gây nhiễm trùng nặng. Bệnh nhi được điều trị tích cực, tình trạng bệnh cải thiện dần.

Điều đó có nghĩa là, việc bấm/xỏ lỗ tai cho trẻ sơ sinh không chỉ khiến chúng đau đớn mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của chúng?

Cho rằng con còn nhỏ bấm lỗ tai sẽ không đau, ai ngờ bé suýt mất mạng khiến mẹ day dứt cả đời - Ảnh 2.

Nhiều người quan niệm khi mới đẻ xong, bắn lỗ tai cho trẻ sẽ được tiến hành dễ dàng hơn. (Ảnh minh họa)

Vậy bấm lỗ tai cho con như thế nào mới là đúng?

1. Phải biết chọn thời điểm

Với sự mong manh của các bé sơ sinh thì chỉ một cú chích nhỏ cũng khiến chúng bị tổn thương, đau đớn. Chỉ là các con dễ quên hơn, không nói được nên ba mẹ hiểu lầm là con không đau.

Hơn nữa, con càng nhỏ thì hệ miễn dịch càng yếu. Chính vì vậy tỉ lệ nhiễm trùng khi bấm lỗ tai càng lớn. Các chuyên gia thường khuyên mẹ hãy đợi khi bé đủ 6 tháng mới bắt đầu bấm lỗ tai, dù trước đó bé có khỏe mạnh đến thế nào đi nữa. Còn nếu ba mẹ nào muốn con tự đưa ra quyết định về việc bấm lỗ tai thì tốt nhất, hãy chờ cho tới khi con khoảng 10 tuổi để bạn và con cùng bàn luận về vấn đề này. Trẻ càng lớn sẽ càng có ý thức trong việc giữ cho tai và khuyên tai của mình sạch sẽ.

2. Phải bấm lỗ tai đúng cách

Xỏ lỗ tai truyền thống ở vị trí dái tai: Ngày nay, nhiều người chạy theo "mốt", cho con bấm nhiều lỗ trên cùng 1 tai, thậm chí là trên cả vành tai. Điều này rất nguy hiểm vì chúng tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hỏng vành tai.

Không dùng kim chỉ để xỏ lỗ tai. Bởi chúng ta không thể chắc chắn được rằng, chiếc kim nay đã sạch sẽ, tiệt trùng.

Khi muốn bấm lỗ tai cho con, các ba mẹ nên chọn địa chỉ uy tín. Người làm có tay nghề, kỹ thuật.

Để tránh khu vực bấm lỗ tai bị sưng hoặc chảy mủ do nhiễm trùng, cha mẹ cần rửa sạch mặt trước và mặt sau dái tai của bé hai lần một ngày bằng nước muối sinh lý. Trước khi vệ sinh tai cho bé, người lớn cũng cần chú ý rửa tay sạch với xà phòng.

3. Giảm bớt cơn đau khi bấm lỗ tai

Một mẹo nhỏ được các bà mẹ truyền tai để giúp con gái yêu giảm đau khi bấm lỗ tai đó là dùng một ít kem mỡ có thành phần lidocaine thoa lên trước và sau dái tai bé khoảng 30-60 phút trước lúc thực hiện bấm lỗ tai.

Cách khác, có thể dùng khăn lạnh chườm đá đặt lên dái tai bé trước lúc bấm lỗ tai khoảng 15-30 phút.

Hướng Dương HT

Tin mới