(Tổ Quốc) - Theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM cần phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9, Hà Nội trước ngày 25/8.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.
Theo đó, dịch bệnh COVID-19 với sự xuất hiện của biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường.
Đặc biệt, dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số người bị nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Những ngày qua Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng chia sẻ để cùng nhau phòng, chống dịch của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.
Đặc biệt biểu dương các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, cán bộ ở cơ sở và đội ngũ tình nguyện viên đã tận tâm, nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không ít cơ quan, đơn vị, địa phương còn thực hiện chưa thật nghiêm, thật dứt khoát, thực chất các biện pháp theo quy định, thậm chí còn chủ quan, lơ là, thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương.
Thời gian tới dịch bệnh dự báo còn phức tạp, do đó việc phòng chống dịch được Chính phủ xem là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.
Theo Nghị quyết 86/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021.
Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021.
Các tỉnh, thành phố khác trong đó có Hà Nội phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.
Yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm "chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10", bảo đảm chặt chẽ, thực chất.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc "chặt ngoài, lỏng trong". Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các "vùng xanh".
Có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh", "vùng cam" thành "vùng vàng" và khoanh chặt, thu hẹp "vùng đỏ".
Trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các "vùng đỏ" ở phạm vi hẹp nhất.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói.
Đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; chủ động chuẩn bị oxy y tế (nhất là hệ thống oxy tập trung) ở các tầng điều trị.
Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Duy trì hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh an toàn.
Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, oxy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh.
Căn cứ chỉ đạo, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế kịp thời phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp.
Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế điều chỉnh việc phân bổ.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ưu tiên các đối tượng tiêm vắc xin phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch bệnh.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi.
Tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vaccine, thuốc điều trị COVID-19.
Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm định, cấp phép, bảo quản và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức chiến dịch tiêm vaccine miễn phí cho người dân.
Các Bộ Y tế, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức thử lâm sàng cùng với các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất và với giá thấp nhất có thể.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, bảo đảm công bằng trong chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị; tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, đơn vị, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong nước.
Hoàng Lê