(Tổ Quốc) - Từng được xem là bi kịch của xã hội hiện đại Nhật Bản, thế nhưng ở thời điểm này, "Hikikomori" lại chính xác những gì mà chính phủ xứ sở hoa anh đào cần để phòng chống dịch Covid-19.
Hikikomori là thuật ngữ dùng ám chỉ những người Nhật Bản từ chối tiếp xúc với xã hội bên ngoài và không đi học hoặc không có việc làm. Họ trung thành với căn phòng của mình, sống bám vào bố mẹ, chỉ nhìn đời thông qua… màn hình máy tính, điện thoại.
Với lối sống cố thủ thụ động ấy, không ít Hikikomori rơi vào trạng thái bất ổn về tâm lý, nảy sinh ra các hành vi tiêu cực, thậm chí là cả tội ác. Theo thống kê, số lượng Hikikomori tại Nhật Bản ngày nay đã lên đến hàng triệu. Và đó cũng chính là lý do mà nó vốn được xem là bi kịch của xã hội Nhật thời hiện đại.
Tuy nhiên, vũ trụ xoay vần, đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, để tìm ra cách giữ người dân ở nhà hạn chế ra ngoài tiếp xúc làm tăng nguy cơ lây nhiễm thì chính phủ Nhật lại quay sang “cầu cứu” Hikikomori.
Cụ thể hơn, mới đây, Dakura Maki (36 tuổi, Tokyo) - một Hikikomori chính hiệu có đến 16 năm kinh nghiệm tự “nhốt” mình trong phòng đã được bổ nhiệm làm... chủ tịch “Hội đồng khẩn cấp chiến lược cách ly” tại Nhật Bản. Công việc của Dakura là tìm ra cách ngăn không cho người Nhật ra khỏi nhà càng nhiều càng tốt.
Và không nằm ngoài mong đợi, Dakura đã làm rất tốt công việc của mình khi đưa ra hàng loạt ý tưởng táo bạo như đề nghị chính phủ Nhật thay vì tập trung sản xuất khẩu trang thì chuyển sang sản xuất… gối ôm. Vâng! những chiếc gối ôm quyến rũ có in hình các nhân vật trong truyện tranh hoặc anime.
“Nếu mọi người có những chiếc gối ôm như thế để âu yếm, điều đó sẽ giúp họ hạn chế việc tiếp xúc thân thể với bạn tình và giảm nguy cơ lây nhiễm” - Son Nawakenai, phó chủ tịch “Hội đồng khẩn cấp chiến lược cách ly” lý giải.
Ngoài ý tưởng trên, đề xuất khác của Dakura hiện cũng đang được ban hành là việc phát triển một trình giả lập hẹn hò, bắt buộc đối với mọi công dân Nhật tải xuống, chơi và hoàn thành trước khi họ được phép “tái hòa nhập cộng đồng”.
Ấy thế, để thu được các phương pháp phòng dịch xuất sắc như trên từ Dakura, Nhật Bản phải xây dựng một phòng ngủ trong văn phòng chính phủ để anh ta làm việc nhưng vẫn có cảm giác ở nhà. Ngày đầu tiên, thú vị thay, có lẽ vì chưa quen, anh ta đã trốn dưới gầm giường.
Cho đến nay, hầu như mọi đề xuất của Dakura đều được đón nhận duy chỉ có một bất đồng. Khi anh được hỏi “phải làm gì để giải quyết bài toán kinh tế cho người lao động trong giai đoạn này”. Dakura khăng khăng: “Chỉ cần nhận tiền từ bố mẹ”. Câu trả lời của anh đã khiến mọi người một phen sững sờ.
“Nghe đã thấy sai sai”, ý kiến này nhanh chóng bị bác bỏ. Tuy nhiên, không chấp nhận sự thật ý tưởng “hay ho” của mình bị bác bỏ, Daruka tức giận đăng đàn kể lể, chì chiết. Các bài đăng của anh khiến dân mạng xứ sở hoa anh đào xôn xao.
Cũng chính từ vụ việc bi hài này, phó chủ tịch “Hội đồng khẩn cấp chiến lược cách ly” lại nảy ra thêm một ý tưởng giúp “giữ chân” người Nhật ở nhà:
“Chúng tôi đã tìm thấy phương án phòng dịch tốt nhất chứa đựng đặc sắc tinh thần Hikikomori. Đó là những bài viết lố bịch gây tranh cãi trên mạng xã hội. Từ đây trở đi, chúng tôi sẽ dành cả ngày lẫn đêm để đăng những thứ khủng khiếp ấy để khiến mọi người bận rộn ở nhà theo dõi và chỉ trích chúng tôi. Điều đó có thể cứu lấy hàng trăm mạng sống!”.
Theo S.N
Old Fashioned