(Tổ Quốc) - Với những kinh nghiệm được chỉ tận tay từ một giám đốc sáng tạo thời trang thế này, chắc chắn sẽ giúp chị em mua được hàng thùng độc lạ mà không tốn quá nhiều thời gian tìm hiểu.
Bắt đầu quan tâm và mê hàng thùng (hay còn được gọi với cái tên khác là đồ si) từ 2011, Hữu Cảnh (29 tuổi đang làm giám đốc sáng tạo cho một số thương hiệu thời trang) cho biết: Do thời điểm đó thời trang trong nước chưa phát triển rầm rộ nên đồ si là một nguồn “tư liệu” rẻ, đẹp và lạ để kết nối anh với thế giới. Đến hiện tại là tròn 10 năm Cảnh đi săn lùng và "chơi" đồ si. Đây cũng là 10 năm làm việc trong ngành thời trang của chàng trai trẻ này.
"Mỗi ngày mình đều làm việc với trang phục cao cấp, điều đó khiến mình luôn muốn tìm một không gian hoàn toàn khác biệt để trải nghiệm và tạo ra giá trị mới cho nghề nghiệp của mình. Với đồ si không có khái niệm Fake hay Authentic, không có PR Marketing phù phiếm và các chi phí ảo, nó chỉ có Real, giá trị thật của nó nằm ở chính nó và bản thân người mặc.
Mình thích phong cách độc đáo không giống ai, sự phấn khích khi săn được những món đồ hiếm nhưng trên hết mình thích sự chân thật và cảm giác tương tác trực tiếp với người bán hàng tại chợ. Những chuyến đi mua đồ si dạy cho mình rất nhiều điều, từ kiến thức tới kĩ năng giao tiếp, ngoài ra nó còn là cách giảm thiểu rác thải, sống xanh và bảo vệ trái đất nữa", Hữu Cảnh cho biết.
Cảnh bắt đầu có niềm đam mê với đồ si từ 2011 và chủ yếu đi mấy chợ nhỏ mua khăn choàng với túi da. Mãi tới năm 2014 mới có bước đột phá vì biết tới chợ Hoàng Hoa Thám (chợ HHT). Sau này Cảnh gần như đã đi hết tất cả các chợ ở Sài Gòn, shop đồ si, thậm chí là lan man xuống khui hàng ở Châu Đốc, qua chợ Campuchia lẫn mua đồ si ở Philippines và Bangkok, Chiang Mai.
Trong bài viết này, Hữu Cảnh sẽ chia sẻ cho chị em tất tần tật kinh nghiệm của anh chàng trong việc săn lùng và tìm kiếm đồ si ở chợ Hoàng Hoa Thám - một trong những chợ đồ si lớn nhất Sài Gòn.
Cứ đi là được?
Đây hoàn toàn là một suy nghĩ sai lầm. Theo Hữu Cảnh, chị em phải cố gắng gọn nhẹ nhất, dù đi chợ nào chứ không chỉ chợ si. Áo thun ba lỗ ở trong, áo khoác mỏng, quần ôm túi sâu, legging, dép lào, khẩu trang. Bằng cách này chị em có thể thử quần, áo váy vào cho nhanh lại còn tránh nóng, tránh mất đồ, mất dép, thay giày rất cực và tốn thời gian.
Chợ Hoàng Hoa Thám chỉ có quần áo đổ đống?
Cũng sai. Chợ có hàng mới, hàng cũ đã lựa theo trend và làm sạch, hàng nước 1, nước 2, hàng treo, hàng đổ đống (nước 3).
Bao gồm quần áo, giày dép giày thể thao, túi xách, vali, đồng hồ, dây nịt, nón, khăn quàng, kính mát và các thứ khác nữa…
Đến chợ rồi đi đâu?
Lời khuyên cho chị em, khi đến chợ nên gửi xe rồi đi ăn trước. Vì chợ HHT bán ốc rất ngon, bún mắm gỏi vịt cũng ngon luôn nên chị em có thể tranh thủ bổ sung năng lượng trước khi "sấp mặt" vì đống đồ si.
Xong xuôi, hãy tiến thẳng vào 1 cái sạp nào đó giữa ngã 3 đổ đống đồ (hãy nhớ là ngã 3), chụp lấy cái rổ nhựa liền, bỏ hết đồ đạc giày dép vào đó càng tốt và cứ thế ôm rổ xông lên.
Chợ có mấy khu?
Theo Hữu Cảnh, chợ có thể tạm chia là 3 khu theo hình chữ L, từ đầu đường Hoàng Hoa Thám theo con hẻm lớn bên trái chợ đi vào. Tùy cá tính và túi tiền thích đi khu nào cũng được, đi hết thì cả chợ vui.
Khu hàng nước 1: Sạch sẽ, gọn gàng, treo sẵn như shop, nằm đầu chợ. Giá trên 150k/items, chắc chắn sạch, xịn, còn đẹp/xấu tùy mắt thẩm mỹ.
Khu hàng nước 2: Bao gồm giày dép, túi xách, phụ kiện nằm giữa chợ.
Khu nước 3: Thập cẩm, cũng là khu nổi tiếng nhất với cái Ngã 3 mà mọi người hay đi, khu này nằm gần khu bán thịt cá, đồ ăn.
Mua sao cho tiện?
Nếu chị em đi chợ lựa thấy “cũng được” là phải quăng vào túi giỏ đựng ngay. Khi nào hết thử lại một lần luôn rồi mới kiểm sau. Bởi lẽ những ngày hàng về, quần áo đẹp độc sẽ phải tranh nhau mua, Hữu Cảnh đã nhiều lần chứng kiến 1 món đồ mà 10 người tranh nhau.
Chính vì thế, lời khuyên là: Mua hết. Đi chợ si chỉ sợ không mua được cái nào vì cơ hội mình gặp lại món đó là số âm, âm vô cùng vô cực.
Mua gì khi nào?
Ngược đời là mùa hè nắng nóng thì chợ xổ đồ đông, mùa đông, mùa mưa thì xổ toàn đồ hè, đồ bơi. Đúng mùa mưa mà xổ áo da, áo khoác nỉ xịn thì dù ở khu 3 có khi lên tới 300.000 đồng/cái, còn mùa hè nó chỉ vào khoảng 50.000 đồng/cái. Nên ai có kế hoạch xa xa vài tháng thì sẽ thấy rất lợi khi đi chợ.
Mua gì cho đúng?
10 năm đi chợ, 12 năm làm thời trang không chỉ đi mua đồ mặc mà còn đi mua đồ phối cho model, lời khuyên chân thành của Hữu Cảnh là chị em nên thử hết 3 khu chợ.
Cần thì mua, không cần coi như đi xả stress lẫn tập thể dục, vì xới đồ lên mệt và tốn sức nữa. "Những thứ mình thấy đáng giá nhất không phải rẻ hay mắc mà là những thứ xài được, không hư, khỏi sửa và độc lạ.
Áo khoác (Blazer, Bomber, Jacket), khăn choàng, sơ mi lụa, sơ mi mùa hè, đầm dài và váy là những thứ đáng mua nhất. Vì độ hao mòn ít hơn túi/giày/quần/áo thun cùng level.
Hàng si của Hàn Quốc hoặc của Pháp/mấy nước nói tiếng Latin là loại chất lượng nhất và khá trendy, còn hàng Mỹ, Nhật rất chán và cũng rất tã", Hữu Cảnh cho hay.
Đồ si mà sang?
Áo sơ mi sida 30.000 đồng, quần sida 30.000 đồng. Blazer có giá 50.000 đồng. Quần bigsize mua 30.000 đồng được Hữu Cảnh đem đi sửa hết 80.000 đồng thành quần ống rộng cực trendy.
Chị em nên có định hướng phong cách rõ ràng để đỡ tranh giành lựa đồ với người khác và sẽ mua được đồ rất rẻ.
Ví dụ, phần lớn sẽ ít người giành mua cái áo khoác tweet đính đá lấp lánh, gắn 4 lớp lông đà điểu và cái áo đó sẽ phiêu dạt từ sạp 200.000 đồng xuống sạp 30.000 đồng. "Mình mua nó và nửa tháng sau mặc đi dự Fashion Week. Nên mới nói nếu bạn có cái phong cách không đụng hàng, thì rất dễ mua được đồ rẻ và đẹp lạ là như vậy".
Còn nếu chị em đã có tủ đồ nền các món cơ bản (trắng đen kem xám) rồi thì có thể thỏa sức mà chọn đồ lạ đồ độc để phối, còn lúc mà chưa đủ thì nên mua đồ “thuận mắt” thôi, tại cơ hội mặc mấy món “lạ” mà không “ghê” nó hiếm lắm.
Bí quyết Si = Sang là nên thử kết hợp chỉnh sửa tại chỗ. Ví dụ trường hợp phổ biến nhất: Cái đầm này mất nút, cái áo kia hơi quê mà nút quá đẹp thì nên mua luôn cả 2 về thay nút. Tại không ở đâu mà cái kho “phụ liệu” nó nhiều như ngoài chợ và thường 1 trong 2 món đó sẽ rất rất rẻ. Hữu Cảnh đã kết hợp rất nhiều combo nút, dây đai, khăn, quai túi khác nhau và kết quả chưa bao giờ làm anh phải thất vọng.
"Kinh nghiệm làm đồ cao cấp của mình là 1 món đồ basic lên giá cực kì với mấy cái nút đẹp, cái ghim cài đẹp hoặc vài sợi dây đeo tinh xảo, mà thường mấy món đồ hàng dạt vì hư hỏng nặng thì mấy cái phụ liệu lại rất “xịn sò”. Mình và mẹ mình có cả một bộ sưu tập “phụ liệu” như vậy", Cảnh chia sẻ.
Bí quyết thứ 2 là vừa vặn. Không phải mặc đồ oversize là mặc rộng đâu, nó có chỗ cần phải vừa vặn hết. Thường mọi người mua đồ si sẽ sai nhiều nhất ở chỗ vai áo, độ dài tay áo, độ dài ống quần/chân váy. Mấy cái này cực kì quan trọng để biến đồ si thành đồ “ngàn đô” luôn. Đó là lí do vì sao một bộ đồ Cảnh mua tại chợ đồ si có giá 80.000 đồng nhưng công sửa đồ ngoài tiệm vest tới 800.000 đồng mà vẫn rất sẵn lòng vì mê cái vải.
Check đồ làm sao?
Cứ không phải đồ rách, trừ jeans rách là được. Chị em phải phân biệt được dơ và ố. Dơ còn chà giặt sạch được, ố là thua.
Đo cổ, ướm thử, mặc vào, phải trừ hao 1 chút, bằng hoặc trên 1 size. Còn lại đồ sửa được là đồ to hơn so với mình 1 – 2 size. Quá to hay quá nhỏ đều không đủ vải để lắp ghép nó lại cho vừa vòng eo, vòng mông, vòng nách của mình được.
Giá nào là rẻ?
Với Hữu Cảnh thì đồ si là rẻ lắm rồi, nhưng cũng có khoảng giá để bạn nhắm chừng dễ tìm đồ rẻ mà vẫn đẹp.
Món | Giá |
---|
Blazer/trench coat | 80.000 đồng/chiếc |
Đầm | 50-70.000 đồng/chiếc |
Quần- váy - sơ mi lụa | 30-50.000 đồng/chiếc |
Khăn | 10.000 đồng/ chiếc |
Những món đồ khác | 5-10.000 đồng/chiếc, giá nào cũng có |
Và muốn thật sự rẻ nên đi mua lúc không ai cần, toàn bộ blazer, áo lông và coat Cảnh đều mua vào mùa nắng 40 độ. Nó không khác gì Zara hay Massimo Dutti sale trong Vincom.
Ngày khui đồ là thứ 4 và thứ 7
Cũng đúng, nhưng không phải toàn bộ chợ. Có vài sạp khu 2 là khui thứ 5. Ngoài ra, vì có những lúc tuần nào Cảnh cũng đi vài ngày, sạp nào cũng lựa và luôn luôn xới hết để đãi cát tìm vàng nên: Người ta nói khui mới chưa chắc là khui mới.
Nó có khi là hết tuần đóng vào kiện, tuần sau lại rã cái kiện đó ra, hoặc cái kiện đó từ nhà này đi sang nhà kế bên.
Và cái khu ngã 3 thần thánh đó, 4 nhà là 1 chủ. Hết combo 4 nhà đó thì cái kiện “may mắn” sẽ được nhảy cóc qua vài nhà đến sạp cuối cùng hoặc sạp đầu tiên khu 3. Tại sao ư, vì tại cùng một món mà Cảnh đã bóc được ở tất cả các sạp trong suốt cả tháng.
Đi chợ phải dễ thương?
Không phải là ăn diện dễ thương mà thái độ dễ thương, tại vì lỡ có biết mặt chủ sạp, lỡ có mua nhiều đồ thì người ta tự động “giảm giá”.
Nhất là lúc mình mua bịch lớn bịch nhỏ lỉnh kỉnh có thể gửi lại, đi mua ở chỗ khác rồi về lấy sau, hoặc chủ cửa hàng còn để ý trông chừng móc túi này nọ cho chị em nữa.
Đừng có ngồi xới đồ quăng lung tung áo vào đống váy, xới chỗ nào dọc theo chỗ đó, thử xong đừng có dẫm vào góc, cầm lên quăng lại đúng chỗ là được, vì người bán hàng sẽ để ý hết.
Tiền đâu mua đồ?
Bí quyết là nên lấy mỡ nó rán nó. "Hồi trước cách vài tháng là mình rao bán lại toàn bộ, vì trừ những món mang cảm giác rất thoải mái ra mấy món khác mình chỉ mặc 1-2 lần. Nếu bạn biết cách phân biệt “brand”, chất liệu và xuất xứ thì 1 cái áo bán ra đủ bù cho 10 cái áo đã mua rồi. Còn không nên quay lên đọc câu Si mà Sang, chỉ cần từ đầu lựa đồ đẹp quăng lên thanh lý là có người hốt tiếp, này cũng là cách tự cứu mình lẫn cứu thế giới chứ chẳng đùa", Hữu Cảnh chia sẻ.
Ngoài ra, Hữu Cảnh cũng lưu ý cho chị em, chợ Hoàng Hoa Thám sẽ họp từ 7h sáng đến 5-6h tối. Nếu mưa to gió lớn thì chợ sẽ nghỉ sớm. Ngày khui đồ đi càng sớm càng có cơ hội tìm được đồ đẹp.
Chị em khi mua đồ nữ của nước ngoài size lớn cần đo và ướm cẩn thận. Đơn cử như Hữu Cảnh cũng thường lựa size lớn của nữ rồi về bóp lại cho hợp dáng. Nếu chị em nào thích đồ menswear cũng đừng ngại xông vào đống đồ nam. Mà dáng người nhỏ con thì hãy lựa đồ trẻ em cũng khá hay ho nữa.
Hồng Nhung