(Tổ Quốc) - Ngày 07/4, đánh dấu tròn 2 tháng Khu cách ly Y tế tập trung quận Gò Vấp hình thành và đi vào hoạt động. Đồng nghĩa với ngần ấy thời gian, niềm tin của 24 nhân viên Trung tâm Y tế quận được biệt phái làm nhiệm vụ luôn cháy bỏng hướng về một đích: Cùng cả nước, vì cả nước phải chiến thắng “giặc dịch Covid-19”.
Sau 2 tuần thực hiện cách ly y tế tập trung tại các quận huyện ở TPHCM, các công dân khỏe mạnh, không có triệu chứng bệnh, được ra khỏi khu cách ly là niềm vui không chỉ của bản thân họ mà còn của các y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ làm công tác phục vụ tại đây.
Sau bao nhiêu nỗ lực của đội ngũ y tế, tình nguyện viên để những người đi cách ly có được những điều kiện sinh hoạt, được theo dõi sức khoẻ một cách tốt nhất thì mới đây, đội ngũ y bác sĩ cũng đã có những chia sẻ đánh dấu tròn 2 tháng đồng hành cùng nhau tại Khu cách ly Y tế tập trung phòng chống Covid-19 của quận Gò Vấp.
Chúng tôi xin được trích nguyên văn những chia sẻ của các y bác sĩ đã trong suốt 2 tháng làm việc và đồng hành cùng mọi người trong khu cách ly cộng đồng mạng có thể đồng cảm hơn với những khó khăn vất vả của họ.
"Càng trong những lúc như thế, càng thấy thực sự cuộc sống con người quý giá biết bao. Để giành sự bình yên cho cuộc sống của mọi người cũng có biết bao thứ phải đánh đổi. Và chỉ có thể gọi những con người nơi tuyến đầu chịu đựng sự đánh đổi ấy là "Chiến sĩ thầm lặng"... Những chiến sĩ ấy đã nói "để làm được nhiệm vụ, ngoài khả năng chuyên môn, tất cả chúng tôi đều cần có một thứ: Niềm tin!".
Những lẵng hoa tươi thay lời cảm ơn của nhưng công dân gửi tới các bác sĩ tại đây sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung
Ngày 7/4/2020, đánh dấu tròn 2 tháng Khu cách ly Y tế tập trung phòng chống Covid-19 của quận Gò Vấp hình thành và đi vào hoạt động. Đồng nghĩa với ngần ấy thời gian, niềm tin của 24 nhân viên Trung tâm Y tế quận được biệt phái làm nhiệm vụ luôn cháy bỏng hướng về một đích: Cùng cả nước, vì cả nước phải chiến thắng "giặc dịch Covid-19". Và trong khoảng thời gian ấy đã có biết bao thứ phải đánh đổi để niềm tin được trọn vẹn, cũng như sẽ còn phải tiếp tục cho tới khi dịch bệnh toàn cầu này chấm dứt, …
Sự bắt đầu của những điều chúng tôi phải chấp nhận đánh đổi
Tiến sĩ - Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trung Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế quận bồi hồi nhớ lại: "Ngày hình thành Khu cách ly cũng là sự bắt đầu của những điều chúng tôi phải chấp nhận đánh đổi. Không khí thực sự như chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu. Tất cả đội ngũ cán bộ, Y - Bác sĩ và nhân viên cùng máy móc, phương tiện làm việc đều phải dời ra khu phía ngoài với diện tích hạn hẹp nhất, để dành phần diện tích thoáng rộng, khang trang phục vụ những người thực hiện cách ly y tế.
Nhân viên trong kíp trực sẵn lòng nằm nghỉ bằng ghế bố, ưu tiên người thực hiện cách ly có giường chiếu chăn màn đầy đủ. Ngoài ra, để không gian thêm sinh động, tươi tắn, Trung tâm Y tế còn chủ động liên hệ các đơn vị, đoàn thể Quận phối hợp giúp đỡ, vận động ủng hộ. Chưa đầy một ngày đã có hơn năm chục chậu cây hoa kiểng các loại được gửi tặng. Chỉ trong một tuần, Khu cách ly đã được làm mới hoàn toàn nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ sẻ chia, động viên của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong toàn Quận với tinh thần khẩn trương "chống dịch như chống giặc".
Nỗ lực tạo một môi trường sống và sinh hoạt an toàn, thuận lợi nhất
Một ngày 24 tiếng, mọi nhu cầu sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, theo dõi sức khỏe, vệ sinh phòng chống dịch trong Khu cách ly được đảm bảo chu đáo, an toàn tuyệt đối.
Bác sĩ trẻ Trần Hoàng Hà - Phụ trách quản lý trực tiếp Khu cách ly cho biết, "Một ca trực 12 tiếng, chúng tôi thay nhau thực hiện các quy trình y khoa như đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe, vệ sinh khử khuẩn, đồng thời phục vụ nhu cầu ăn uống cho từng người. Với những người có bệnh nền, chúng tôi đặc biệt lưu ý chăm sóc điều trị theo khả năng và thường xuyên theo dõi, kịp thời đề xuất xử lý điều trị nếu có dấu hiệu bất ổn.
Chúng tôi thực hiện gửi mẫu xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm, cung cấp thông tin và giải đáp liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 cho người cách ly hiểu và làm đúng,… Các hoạt động trong khu cách ly bảo đảm đúng hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế. Chúng tôi cố gắng tạo một môi trường sống và sinh hoạt an toàn, thuận lợi nhất có thể cho người cách ly".
Anh cười vui: "Nhiều đêm, do công việc trong ngày vất vả, phải kéo dài đến quá khuya, hoặc có khi gần sáng mới xong, mấy anh chị em lăn ra chợp mắt mà không kịp thay đồ bảo hộ. Có lúc say sưa quên cả dậy ăn sáng… Đồng nghiệp thương quá cũng không lỡ gọi, đến khi tỉnh dậy được thì lại đến ca trực rồi, lại cùng bên nhau lao vào "chiến đấu".
Nghe anh kể trong nụ cười mà mắt tôi cay xè …
Những lời cảm ơn cứ nối dài, nối dài, yêu thương vô tận
60 ngày như thế đã trôi qua, lần lượt những người thực hiện cách ly được ra về với người thân và gia đình của mình trong vui sướng và ngập tràn hạnh phúc. Họ không quên bày tỏ cảm xúc tri ân cán bộ nhân viên của Khu cách ly đã giúp đỡ chăm sóc họ tận tình trong những ngày lưu trú nơi đây bằng những bó hoa tươi thắm, những dòng nhật ký, lưu bút đọng lại chứa chan cảm xúc …
Một bạn du học sinh trở về từ London trên chuyến bay VN50 ngày 15/3 đã đại diện mọi người viết thư cảm ơn những y bác sĩ tại khu cách ly tập trung
Tổ ấm nhỏ, niềm vui riêng đành tạm gác lại
Có một điều tất cả những người tạm lưu trú ấy đều không hề biết: 24 cán bộ nhân viên của Trung tâm Y tế phục vụ Khu cách ly cho đến hôm nay hầu hết chưa về nhà của mình. Tất cả bám trụ bằng tinh thần tình nguyện, không đợi phân giao, dù rất biết đây là một nhiệm vụ có nguy cơ. Và bằng niềm tin mãnh liệt vào tinh thần đồng đội, bằng khả năng chuyên môn cặn kẽ, họ vẫn sống và làm việc, tác chiến bất cứ hoàn cảnh nào, hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Trong số đó cũng không ít người có hoàn cảnh riêng tư khó khăn, vướng bận. Bác sĩ Trần Hoàng Hà trước ngày nhận nhiệm vụ, vợ anh (cũng là một y tá công tác Trạm Y tế Phường 17) vừa sinh đứa con thứ hai mới được một tháng. Để anh an tâm công tác, ba mẹ con bồng bế nhau về quê tận ngoài miền Trung nhờ ông bà phụ giúp. Suốt 2 tháng qua, anh không được bế đứa con bé bỏng mới chào đời và gần gũi với tổ ấm nhỏ của mình, nỗi nhớ cứ quay quắt trong tim mà không thể rời nhiệm vụ…
Y tá điều dưỡng Trần Thùy Dương có một con gái 6 tuổi, nhà ở Quận Phú Nhuận, hàng ngày phải gửi ông bà ngoại chăm sóc. Nhớ con, nhớ người thân nhưng chị cùng đồng nghiệp cũng không thể rời vị trí …
Trong những ngày cả nước đang oằn mình chống "giặc" Covid-19, Gò Vấp cùng đồng chí, đồng bào Thành phố nỗ lực hết mình để cuộc chiến đấu này sớm chấm dứt bằng một niềm tin vô song: sẽ chiến thắng. Càng trong những lúc như thế, càng thấy thực sự cuộc sống con người quý giá biết bao. Để giành sự bình yên cho cuộc sống của mọi người cũng có biết bao thứ phải đánh đổi. Và chỉ có thể gọi những con người nơi tuyến đầu chịu đựng sự đánh đổi ấy là "Chiến sĩ thầm lặng" ...
Những lời cảm ơn cứ nối dài, nối dài, yêu thương vô tận".
Những chia sẻ ngắn gọn nhưng chất chứa tất cả những nỗi niềm của các y bác sĩ đang ngày đêm gồng mình phòng, chống dịch Covid-19. Họ gác lại tất cả công việc cá nhân, gia đình phía sau đầu để có thể hoàn thành tốt vai trò của một người bác sĩ nhân dân, đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người trong khu cách ly cũng như hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Và có lẽ, niềm vui và điều khiến các y bác sĩ nơi đây thấy phấn khởi nhất đó chính là khoảnh khắc được tạm biệt mọi người trở về với gia đình sau khi hoàn thành cách ly. Hay xúc động hơn cả chính là những lời cảm ơn nối dài từ những công dân khoẻ mạnh sau khi nhận tờ chứng nhận trong tay.
[Tin - ảnh: Ban Website quận Gò Vấp]