(Tổ Quốc) - Sau 1 thời gian bước chân vào cuộc sống gia đình, trải qua nhiều lần đi chợ nấu bữa, cô giáo Thu Trang đã rút ra cho mình kinh nghiệm riêng để vừa sắm được mâm cơm ngon, bổ dưỡng cho gia đình lại vừa tiết kiệm kinh tế.
Kinh nghiệm nội trợ của chị Hoàng Thị Thu Trang – Đồ Sơn, Hải Phòng là được đúc rút sau rất nhiều lần đi chợ, chi tiêu sắm sửa cho bữa ăn gia đình.
Chị Trang là giáo viên cấp 3, giảng dạy môn ngữ văn tại thành phố Hải Phòng. Chị Trang chia sẻ: "Sau những tiết dạy trên lớp, mình sẽ dành toàn bộ thời gian để chăm sóc vun vén cho tổ ấm gia đình. Thật ra, thời gian đầu mới bước chân vào cuộc sống gia đình, chuyện chợ búa mua sắm mình còn vụng, chưa có kinh nghiệm.
Mỗi lần xách làn, cầm ví đi chợ mình chỉ nghĩ tới việc mua gì, nấu gì để bữa ăn gia đình được ngon miệng, đủ chất. Nhiều hôm mua đồ nhiều quá, về chế biến không hết mình liền bỏ đi, hôm khác cần lại chạy ra chợ mua tiếp.
Sau mình nghĩ làm như vậy thật lãng phí. Cũng 1 phần tại nhà mình có 3 thành viên nên đi chợ hơi khó. Mua ít quá thì không đành vì ngại hoặc người ta cũng không muốn bán cho mình. Còn mua nhiều về ăn không hết, bỏ đi lãng phí.
Sau nhiều hôm mua đồ nấu nướng không được như ý, mình rút ra kinh nghiệm khi đi chợ, mình đi sớm lựa đồ thật tươi ngon. Thay cho việc đắn đo sợ mua quá ít chủ hàng không bán, mình sẽ mua một lượng vừa phải. Bữa ấy nấu không hết, mình cắt bớt lại bỏ tủ, tận dụng nấu thành những món khác nhau để ăn vào những bữa gần đó. Như vậy không bị lãng phí mà thức ăn thì vẫn tươi mới.
Ví dụ: Cá nhà mình muốn ăn đủ bữa phải dùng hết 0.5kg nhưng mua khúc sẽ đắt nên mình mua luôn cả con tầm 1 – 1,5 kg về chia khúc. Bữa đầu thường mình sẽ rán phần khúc giữa. Còn lại phần đầu, đuôi mình nấu canh chua, hoặc kho khế.
Mâm cơm nhà mình luôn phải đa dạng các món vì con mình khá kén ăn thế nên khi đi chợ, mình sẽ chú ý chọn mua những loại thực phẩm có thể kết hợp được với nhau để chế biến ra thành nhiều món.
Rau củ quả cũng vậy, vì nhà ăn ít, ngày trước đi chợ nhìn bó rau to mình chỉ mua nửa bó. Mà chợ chỗ mình mua ít quá họ bán giá cao hơn. Giờ mình cứ mua luôn cả bó, củ quả cũng mua luôn cả cân về mỗi bữa mình lấy ra 1 ít, kết hợp với nhau nấu canh hay làm bất cứ món gì. Số còn lại mình chia nhỏ thành từng bữa, bỏ tủ ăn dần. Như thế vừa mua được giá rẻ lại đỡ phải mất thời gian đi chợ nhiều lần".
Chị Trang cũng chia sẻ thêm, từ ngày có con, nhất là khi con bước vào độ tuổi tới trường, chi tiêu sinh hoạt hàng tháng rất tốn kém nên chị luôn có kế hoạch quản lý tài chính gia đình khoa học, tiết kiệm. Riêng tiền ăn, chị quy định rõ, với 3 thành viên, mỗi bữa chị không sắm quá 100k tiền thức ăn.
"Ngày trước bữa cơm gia đình của mình chỉ cần đảm bảo tiêu chuẩn: ngon – bổ, giờ mình bổ sung thêm tiêu chuẩn thứ 3 nữa là phải tiết kiệm. Đặc biệt, khi chế biến, bày biện mâm mình cũng rất chú ý tới hình thức sao cho các món ăn được trình bày ngon mắt, màu sắc thức ăn cũng phải hấp dẫn như thế mới kích thích vị giác của các thành viên gia đình. Đồng thời, trong khi ăn, chúng ta nên kể những câu chuyện vui, tạo không khí đầm ấm, vui vẻ cho bữa cơm gia đình", chị Trang vui vẻ kể.
Giang Nguyễn