(Tổ Quốc) - Chị Hon kể, do không sinh được con nên chị bị hắt hủi. Đau khổ cùng cực nhưng khi đó chị không biết mình đến từ đâu.
iệt Sau khi về đoàn tụ gia đình ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, chị Nguyễn Kim Hon (43 tuổi - người lưu lạc 22 năm ở Trung Quốc) đã kể về bi kịch cuộc đời, với những tháng ngày cơ cực nơi xứ người.
Theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ, chị Hon chưa thể nói bằng tiếng Việt nên kể bằng tiếng Trung. Chị Hon nói, trong thời gian làm mướn có quen người đàn ông lớn hơn chừng vài tuổi, nói giọng miền Bắc. Người này ngày nào cũng tới quán nước mía mà chị làm để uống.
Được một thời gian, người đàn ông rủ chị về nhà ở quê và sau đó lên TP Bạc Liêu, chị đi cùng thì được cho ăn cơm và uống nước trong một chai nhỏ, rồi chị ngủ không biết gì.
Chị Hon cho Tuổi trẻ biết, tỉnh dậy chị thấy mình ở căn phòng tại Quảng Đông, Trung Quốc, cùng với một số phụ nữ khác và đã có 6 lần chị bị bán làm vợ hoặc làm "osin", chịu không ít những trận đòn.
Hai mẹ con đoàn tụ. Ảnh: TTXVN
Tờ Người lao động thuật lại, chị Nguyễn Kim Hon kể từng làm vợ 4- 5 người đàn ông, song không sinh được con. Người chị cùng lâu nhất là 8 năm.
Vì không sinh được con nên chị bị ruồng bỏ, đuổi ra khỏi nhà, phải sống vất vưởng. Khi đó, chị Hon bế tắc với mọi thứ, chẳng biết bản thân mình là ai, đến từ đâu.
Chị nói: "Tôi thấy người ta ai cũng có cha mẹ, anh chị em còn tôi thì không biết mình từ đâu có mặt trên đời. Càng cố nhớ tôi càng chua xót, tủi thân và nghĩ có lẽ vậy mà người ta đối xử với tôi không giống như một con người".
Mẹ già nghẹn ngào trong giây phút trùng phùng. Ảnh: Người lao động
Thế nhưng, trong một lần xem ti vi, tình cờ thấy trong ti vi có nhắc từ "ăn cơm" bằng tiếng Việt, rồi có số đếm một, hai, ba... thì bao nhiêu ký ức ùa về trong trí nhớ của chị. Người phụ nữ ấy biết mình là người Việt Nam, nhớ lại từng người thân, quê quán.
Theo Tuổi trẻ, chị Hon không rõ nguyên do gì mà khi mở mắt ra ở xứ người, trí nhớ của chị mất hết. Chị không nói được trong vài năm đầu, sau đó dần nói được tiếng Trung.
Về những lời kể của chị Nguyễn Kim Hon, phía công an tỉnh cũng tới ghi nhận thông tin và lời khai ban đầu. Chị Hon cũng được Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện trao quà hỗ trợ 2 triệu đồng.
Theo Tiền phong, chị Hon bị đuổi ra khỏi nhà "chồng" vào một đêm mưa bão cuối năm 2018. Chị tìm đủ mọi cách để về quê, tới cả đồn công an nước sở tại.
Cho tới chiều muộn 27/6/2019, các chiến sỹ Biên phòng và Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện chị trong trạng thái hoảng loạn, liên tục chỉ tay vào ngực nói "Việt Nam".
Chị được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội, rồi nhờ nhà chức trách cộng với sự giúp đỡ của thành viên Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin tỉnh Lạng Sơn, người phụ nữ đã tìm được gia đình, về quê.
Căn nhà lụp xụp của cụ Hến, cũng là nơi chị Hon sống khi chưa lưu lạc. Ảnh: Người lao động
Bà con tới chia vui với gia đình cụ Hến. Ảnh: Ảnh: C.T/báo Giao thông
(Tổng hợp)
T.Tú